Châu Tinh Trì (trái) và Huỳnh Lập
Huỳnh Lập được khán giả biết đến và yêu thích với phong cách diễn xuất hài hước, gần gũi cùng với cá tính “đậm chất miền Tây” dung dị. Mới đây, anh công bố dự án phim điện ảnh “Ai chết giơ tay: Pháp sư mù” trong năm 2019 khiến nhiều mọt phim liên tưởng và ưu ái gọi là “Tiểu Châu Tinh Trì” của Việt Nam.
Trong buổi trò chuyện với truyền thông mới đây, Huỳnh Lập lần đầu lên tiếng về danh xưng này và thú nhận, xét về cả phong cách nghệ thuật lẫn con đường làm nghề, anh có ít nhiều sự tương đồng với tên tuổi lớn của làng hài châu Á.
Tạo hình của Huỳnh Lập trong phim mới
Huỳnh Lập cảm thấy rất vui khi nhận được lời ví von của fan. Anh kể: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã rất mê xem phim của Châu Tinh Trì. Hầu như tất cả các tác phẩm của Tinh Gia tôi đều tìm xem cho bằng được. Có lẽ cũng vì vậy mà ít nhiều tư duy của tôi trong nghệ thuật cũng bị ảnh hưởng bởi phong cách của Châu Tinh Trì. Nếu có ai đó gọi tôi là “Tiểu Châu Tinh Trì” thì đương nhiên, tôi sẽ rất vui vì được ưu ái so sánh với một tượng đài trong lòng của biết bao nhiêu thế hệ yêu thích phim hài".
Tạo hình nhân vật trong phim của Châu Tinh Trì
Nam diễn viên cho biết, anh học hỏi được ở thần tượng rất nhiều trong cách xử lý các tình huống, từ hài hước cho đến bi kịch. "Châu Tinh Trì là người rất giỏi trong việc tạo “tiếng cười trong nước mắt”, rồi dẫn dắt cảm xúc khán giả theo ý mình muốn một cách tuyệt vời, lắm chiêu trò nhưng đích đến cuối cùng bao giờ cũng là tình người và những giá trị nhân văn. Tôi còn học được ở Tinh Gia cách truyền tải những tâm tư và câu chuyện cá nhân thành một vấn đề đại chúng, biến khổ đau thành những niềm tin tích cực".
Nói về điểm khác biệt giữa bản thân và tượng đài trong làng phim hài kịch Hong Kong nói riêng và châu Á nói chung, Huỳnh Lập nhận định rằng: "Điểm khác biệt lớn nhất là tôi chưa bao giờ làm được những điều vĩ mô như Châu Tinh Trì đã từng làm cho khán giả, cho cả thế giới. Thực sự, tôi không dám mơ quá cao, quá xa, nhưng để học đươc một phần ít tư duy làm phim từ ông, thì đó cũng là một bài học làm nghệ thuật giá trị".
Huỳnh Lập cũng cho biết thêm, ngay từ khi bước chân vào con đường làm nghệ thuật, giải trí, việc trở thành một nghệ sĩ đa năng luôn là mục tiêu lớn của anh. Huỳnh Lập luôn muốn học hỏi thêm, nghiên cứu thêm và trải nghiệm thêm những cái mới để trau dồi kiến thức cho bản thân mình.
Một trong những điểm cũng khá tương đồng trong phong cách của Huỳnh Lập và Châu Tinh Trì đó chính là việc hướng đến những giá trị nhân văn, những nét văn hóa, những điều đôi khi có vẻ ngoài gai góc, xù xì nhưng lại chứa đầy ý nghĩa trong cuộc sống.
Huỳnh Lập trải lòng về việc chịu ảnh hưởng từ phong cách của Châu Tinh Trì
Khi được hỏi, liệu có khi nào Huỳnh Lập “tủi thân” vì ít khi anh có dịp được xuất hiện lung linh, hào nhoáng trước mặt khán giả như nhiều nghệ sĩ “soái ca” khác, anh cho biết: "Đã là nghệ thuật, thì nó không có đúng hay sai. Mà nó là phù hợp hay không phù hợp. Mỗi một người sẽ có một cảm nhận nghệ thuật khác nhau, có người chọn hài thâm thuý, có người chuộng hài ngoại hình, cái nào cũng vì mục đích hướng đến khán giả, miễn sao không phản cảm, không lố bịch, không gượng ép, không gây khó chịu ức chế cho người xem là được. Làm xấu bản thân để mang tiếng cười cho công chúng cũng cần phải có tư duy, kỹ năng, nghệ thuật, sự tinh tế chứ không phải cứ muốn là được".
Poster "Pháp sư mù"
Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, khán giả sẽ có thể thưởng thức bộ phim điện ảnh đầu tay do Huỳnh Lập sản xuất là “Ai chết giơ tay: Pháp sư mù”. Thông qua những chia sẻ trước đây của anh cùng ê-kíp với báo chí, truyền thông và công chúng, bộ phim vừa khai thác những yếu tố linh - dị, đồng thời cũng chưa đựng nhiều yếu tố mang đến sự xúc động và nhân văn.
Theo Dân Việt