Điện ảnh Việt Nam trải qua một năm đầy khó khăn, ảm đạm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Từ đầu tháng 5, hệ thống rạp chiếu phim đóng cửa tại TP.HCM cùng nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Vì thế, hơn 6 tháng qua, giới làm phim Việt gần như tê liệt. Hàng loạt phim thay nhau đắp chiếu, không thể ra mắt khán giả.
Điểm sáng duy nhất của điện ảnh Việt có lẽ phải kể đến là thành công của hai bộ phim Bố Già (Vũ Ngọc Đãng - Trấn Thành) và Lật Mặt: 48h (Lý Hải). Đặc biệt, tác phẩm Bố Già thu về doanh thu kỷ lục trên 400 tỷ đồng, giúp phòng vé bùng nổ sau dịch.
Phim Việt ra mắt khán giả đầu năm 2021.
Điểm sáng về mặt doanh thu
18h ngày 3/5 được xem là cột mốc để phân tách hai giai đoạn của điện ảnh Việt trong năm 2021.
Nếu trước ngày 3/5, phim Việt chứng kiến sự phát triển sôi động, với 12 tác phẩm lần lượt trình làng. Sau mốc thời gian kể trên, khi rạp phim chính thức ngừng hoạt động do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thị trường phim ảnh Việt đóng băng trong quãng thời gian dài.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, rạp chiếu phim cũng chỉ mở cửa hoạt động trong ba tháng. Thời điểm này, Gái Già Lắm Chiêu V: Những Cuộc Đời Vương Giả và Bố Già đồng loạt phát hành. Đây là hai dự án phim nội địa được khán giả chờ đợi nhất trong năm 2021.
Không để người xem thất vọng, sau 4 ngày chiếu sớm, Bố Già của Trấn Thành đã thu về 100 tỷ đồng, xác lập kỷ lục mới của điện ảnh Việt. Phim khai thác những chuyện đời thường, giản dị được Trấn Thành lắng nghe, quan sát và ghi chép lại từ chính cuộc sống quanh mình.
Chính yếu tố tình cảm gia đình giản dị, cũng như câu chuyện mâu thuẫn giữa các thế hệ ai cũng từng một lần trải qua trong đời đã giúp bộ phim khơi gợi được sự đồng cảm nơi khán giả và nhận nhiều phản hồi tích cực.
Tác phẩm rời phòng vé với doanh thu là 420 tỷ đồng và được phát hành tại nhiều thị trường quốc tế. Tại kỳ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22, Bố Già cũng giành nhiều giải thưởng quan trọng, có thể kể đến như Bông sen Bạc, giải Nam diễn viên chính xuất sắc được trao Tuấn Trần và Ngân Chi với giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc.
Ngoài ra, Trấn Thành cùng ê-kíp cũng được trao giải thưởng cao nhất ở hạng mục dành cho Biên kịch xuất sắc.
Trong cuộc cạnh tranh trực tiếp với Bố Già, Gái Già Lắm Chiêu V: Những Cuộc Đời Vương Giả tỏ ra hụt hơi. Sau hơn hai ngày trình chiếu, bộ phim của Trấn Thành đã sớm bỏ xa đối thủ tại phòng vé. Cuối cùng, tác phẩm của bộ đôi Bảo Nhân - Nam Cito rời rạp với doanh thu hơn 55 tỷ đồng.
Với con số kể trên, phim chưa đủ thu hồi kinh phí sản xuất (46 tỷ đồng) cùng nhiều chi phí phát sinh khác. Thất bại của Gái Già Lắm Chiêu V đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến kịch bản phim, yếu tố đồng cảm và hiệu ứng truyền thông (điều mà Bố Già tỏ ra nhỉnh hơn).
Tuy nhiên, trong bối cảnh điện ảnh Việt còn nhiều bộ phim non kém, thiếu sáng tạo, đầu tư đúng mực, hai tác phẩm "made in Việt Nam" như Bố già hay Gái Già Lắm Chiêu V là nỗ lực đáng ghi nhận.
Hơn một tháng sau đại thắng của Bố Già, Lật Mặt: 48h cũng ra mắt khán giả. Bộ phim hành động - hài nằm trong series Lật Mặt, gắn liền với thương hiệu Lý Hải.
Tác phẩm không có ngôi sao phòng vé nhưng thu hút bởi những pha hành động đẹp mắt, kịch tính. Dàn diễn viên như Võ Thành Tâm, Mạc Văn Khoa, Ốc Thanh Vân, Huỳnh Đông… nhập vai, tạo ra sự tổng hòa, mạch cảm xúc chung xuyên suốt bộ phim.
Vừa ra mắt, phim hành động của Lý Hải tạo ra sự khả quan về mặt phòng vé. Sau hai buổi tối chiếu sớm và ngày khởi chiếu, bộ phim đã thu hơn 20 tỷ đồng.
Sau hai tuần khởi chiếu, phim thu 150 tỷ đồng, cao nhất trong các tác phẩm đến từ thương hiệu điện ảnh do Lý Hải thực hiện.
Đến những bộ phim đáng quên
Ngoài những bộ phim tạo ra cú hích mạnh mẽ cho phòng vé trong năm 2021, điện ảnh Việt còn chứng kiến sự thất bại của nhiều tác phẩm với doanh thu bết bát, kịch bản rời rạc, kém hấp dẫn.
Võ Sinh Đại Chiến là tác phẩm mở đầu năm nay, với doanh thu thảm hại 1,2 tỷ đồng và rút khỏi rạp sau 6 ngày công chiếu. Sau thất bại nặng nề, ê-kíp phim lên tiếng chỉ trích nhà rạp, nhà phát hành chèn ép.
"Từ khi phim công chiếu, nhà phát hành xếp rất ít suất chiếu. Nếu có, lịch chiếu lại rơi vào thời gian ít có người xem, hoặc quá sớm hoặc quá trễ", NSX Thái Bá Dũng nói. Về phía nhà phát hành, đại diện của Galaxy cho biết nhà sản xuất xin rút khỏi rạp để tìm thời điểm phù hợp, khán giả có cơ hội thưởng thức bộ phim.
"Võ Sinh Đại Chiến" rời khỏi rạp sau 6 ngày công chiếu.
Vào tháng 4, hai tác phẩm được chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là Kiều và Kiều@ công chiếu. Trong đó, Kiều của Mai Thu Huyền được coi là thảm họa điện ảnh Việt.
Bộ phim đầy rẫy các điểm yếu với lối dẫn truyện vụng về, diễn viên chính diễn xuất nghèo nàn, kỹ xảo thô kệch... Nhân vật Đạm Tiên (Mai Thu Huyền thủ vai) được coi là sáng tạo của tác phẩm. Tuy nhiên, nữ diễn viên cũng gây thất vọng với lối đọc thoại, không cảm xúc.
Trước những ý kiến trái chiều từ khán giả, nhà biên kịch Phi Tiến Sơn chia sẻ: "Tôi chỉ biết làm hết sức trong suy nghĩ mà mình thấy đúng và hay. Còn cảm nhận của khán giả tới đâu, tôi vẫn đang chờ đợi thêm".
Tương tự, Kiều@ cũng nhận nhiều ý kiến tiêu cực từ các nhà chuyên môn lẫn khán giả. Ngoài kịch bản, diễn xuất và kỹ thuật được nhận xét dưới mức trung bình, tác phẩm của Đỗ Thành An còn bị chỉ trích vì khâu truyền thông lố bịch.
Trong suốt chiến dịch quảng bá, nhà làm phim luôn nhấn mạnh Kiều@ là phim có thời lượng trên 90 phút đầu tiên của điện ảnh Việt Nam và thứ 31 trên thế giới áp dụng phong cách nghệ thuật một cú máy (one-shot).
Tuy nhiên, cách PR phim chỉ là vỏ bọc để che giấu sự yếu kém trong thiết kế sản xuất. Khán giả khi theo dõi tác phẩm bị chóng mặt, mệt mỏi sau mỗi cảnh quay.
Nằm trong top những bộ phim Việt đáng quên của năm 2021 phải kể đến là Cậu Vàng của đạo diễn Trần Vũ Thủy.
Phim lấy cảm hứng từ các tác phẩm của nhà văn Nam Cao, với trọng tâm là truyện ngắn Lão Hạc. Tác phẩm có sự góp mặt của dàn diễn viên tên tuổi, gồm nghệ sĩ Hữu Châu, Viết Liên, NSƯT Chiều Xuân, Will, Thanh Bình…
Trước khi ra rạp, Cậu Vàng từng bị kêu gọi tẩy chay vì đoàn phim chọn chó Shiba Inu đóng cậu Vàng. Lý lẽ được nhiều người đồng thuận là tại sao lại chọn “quốc khuyển” của Nhật Bản mà không phải một chú chó Việt cho vai cậu Vàng.
Khi công chiếu, tác phẩm lại khiến người xem ngao ngán vì nội dung đầy sạn và lỗ hổng. Sự non kém trong khâu làm phim đã phá hỏng nguyên tác của Nam Cao.
Đóng băng 6 tháng cuối năm
Ngày 3/5, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND TP.HCM chỉ đạo ngừng nhiều dịch vụ giải trí, trong đó có rạp phim.
Điện ảnh Việt trải qua quãng thời gian đầy khó khăn khi hàng loạt phim nối đuôi nhau đắp chiếu, không thể ra mắt. Một số tác phẩm ấn định ngày ra mắt nhưng trải qua nhiều lần lùi lịch. Số khác chọn cách dời lịch chiếu sang năm 2022.
Sau mỗi lần hoãn chiếu, các nhà sản xuất gặp khó khăn về vấn đề tài chính. Điển hình, hai dự án gồm Rừng Thế Mạng và Chuyện Ma Gần Nhà của Trần Hữu Tấn sau vài lần dời lịch chiếu, phải chịu thiệt hại trên 2 tỷ đồng.
Phim Việt dời lịch chiếu sang năm 2022.
Nhà sản xuất Hoàng Quân của ProductionQ phải bán một căn hộ gần 5 tỷ đồng tại TP.HCM nhằm lấy tiền trả cho nhân viên và bù đắp các chi phí phát sinh. Đồng thời, Hoàng Quân - Trần Hữu Tấn cũng quyết định di dời trụ sở sang địa điểm mới để cắt giảm chi phí về mặt bằng.
Tương tự, do ảnh hưởng của dịch, lịch trình quay và công chiếu của phim 578: Phát Đạn Của Kẻ Điên 9 (Lương Đình Dũng) nhiều lần thay đổi. Chi phí phát sinh riêng khâu sản xuất của dự án đã lên tới gần 17 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, 20 công ty, nhà sản xuất đã gửi kiến nghị đến Thủ tướng và UBND TP.HCM xin hoạt động trở lại từ 15/10.
Đến ngày 19/11, hệ thống rạp chiếu mới sáng đèn trở lại sau hơn 6 tháng. Để tránh đối đầu với loạt bom tấn Hollywood, các nhà sản xuất Việt chọn thời điểm cuối tháng 12 để giới thiệu tác phẩm đến công chúng.
Tuy nhiên, doanh thu trong tuần đầu rạp phim mở cửa trở lại không khả quan. Trong đó, bom tấn Shang-Chi đứng đầu phòng vé đạt 4,5 tỷ đồng. Doanh thu của hai phim Việt ở mức khiêm tốn, Thiên Thần Hộ Mệnh (200 triệu đồng), Lật Mặt: 48h (43 triệu đồng).
Điều này khiến các nhà sản xuất phim trong nước một lần nữa lo lắng. Theo nhìn nhận của giới chuyên môn, doanh thu rạp chỉ thật sự tốt khi có một bộ phim đủ tầm, sức hút lôi kéo khán giả, làm thay đổi thói quen xem phim ở nhà của khán giả đã hình thành gần một năm qua.
Bên cạnh đó, nền kinh tế cần hồi phục, lúc đó người dân mới có thể chi tiêu cho nhu cầu giải trí.
Có thể thấy, 2021 là năm khó khăn nhiều bề đối với điện ảnh Việt. Dịch bệnh đã thay đổi về chiều rộng lẫn chiều sâu của phim Việt. Nền điện ảnh non trẻ của nước nhà vừa mới khởi sắc đã đối diện với nguy cơ sụp đổ.
Để vực dậy thị trường điện ảnh trong thời gian tới, bên cạnh sự tiếp sức của Nhà nước với chính sách thông thoáng, tạo điều kiện phát triển, giới làm phim cũng phải học cách lắng nghe thị trường nhiều hơn, chịu khó cập nhật xu hướng điện ảnh trong khu vực và thế giới để tự đổi mới, phát triển.
Theo Zing