Năm 2022 được đánh giá có nhiều biến động với cả doanh nghiệp và người lao động.
Những tháng đầu năm, các nhà máy tuyển dụng nhiều, mức lương cao. Song từ tháng 6 trở đi tình hình đổi chiều, các công ty hạn chế tuyển dụng và không có nhiều việc làm mới vào cuối năm. Vì vậy, người lao động lo sẽ không có tiền thưởng Tết.
Đối với ngành dệt may, da giầy, thời điểm cuối năm nay vô cùng khó khăn, phần lớn các nhà máy phải giãn việc của người lao động. Song nhìn chung kim ngạch xuất khẩu của ngành vẫn vượt so với chỉ tiêu và lương của người lao động được điều chỉnh tăng.
Mức thưởng Tết toàn ngành vẫn có sự tăng trưởng vượt bậc so với năm trước.
“Tiền lương bình quân 11 tháng đầu năm tăng khoảng 5-7%. Năm nay, công nhân ít nhất cũng được thưởng 1 tháng tiền lương”, ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.
Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch Hiệp hội da giầy Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành cam kết đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là thưởng Tết. Năm nay dù suy giảm đơn hàng nhưng các doanh nghiệp vẫn duy trì lương tháng thứ 13 tăng 5-6% so với năm ngoái.
Các ngành sử dụng nhiều lao động là những ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta vẫn có thưởng Tết cho người lao động. Mức thưởng cơ bản cao hơn năm trước. Nhưng trên toàn thị trường lao động thì mức thưởng Tết sẽ giảm, nhất là tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bà Trần Thị Thanh Hà – Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, trong những ngành gặp khó khăn do sụt giảm về đơn hàng cũng như khó khăn trong quá trình sản xuất thì dự báo sẽ giảm tiền lương và tiền thưởng. Một số ngành khác thì tương đối ổn định.
Mức thưởng Tết năm nay giảm từ 15-20%. Số người nhận thưởng cao đến trăm triệu sẽ không có nhiều. Còn lại phần lớn, mức thưởng Tết tương đương từ 1-2 tháng lương.
Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH các tỉnh phải báo cáo tình hình tiền lương và thưởng Tết của doanh nghiệp đối với người lao động trước ngày 25/12.
Bộ LĐ-TB&XH giao lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH chủ động phối hợp với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và các đơn vị liên quan, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị cắt đơn hàng, giảm việc làm của người lao động.
Từ tình hình thực tế, các đơn vị có giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi, phát triển thị trường lao động.
Các Sở LĐ-TB&XH có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với người lao động như tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi khác đối với người lao động theo quy định.
Cạnh đó, các địa phương phải tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp. Đồng thời phải có các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa, giảm thiểu các tranh chấp lao động, đình công phát sinh trên địa bàn.
Trường hợp có tranh chấp lao động, đình công phát sinh, các địa phương cần nhanh chóng nắm bắt tình hình, hỗ trợ các bên tiến hành đối thoại, thương lượng để giải quyết bất đồng.
Các địa phương không để đình công xảy ra kéo dài, lan truyền giữa các doanh nghiệp, gây ra tình trạng mất trật tự, an toàn xã hội, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2023.
Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các tỉnh khảo sát, nắm tình hình thực hiện quy định về lương tối thiểu, trả lương, tiền thưởng, nợ lương và kế hoạch thưởng Tết theo kết quả sản xuất, kinh doanh cho người lao động ở các doanh nghiệp… báo cáo Bộ LĐ-TB&XH trước ngày 25/12.
Theo Công Lý & Xã Hội