Chị được cơ quan cử ra Hà Nội tham gia một khóa tập huấn ngắn ngày. Đây không phải lần đầu tiên chồng chị ở nhà trông con, tạo điều kiện cho vợ đi công tác. Ở sân bay chị gặp Ngân, đồng nghiệp đi chung đợt, thấy Ngân có vẻ buồn phiền. Hỏi thăm, Ngân kể, đến tận giờ đi mà chồng vẫn mặt nặng mày nhẹ, không nói được một câu êm ái.
Tại lớp tập huấn, thầy hướng dẫn khá tâm lý, đưa ra những câu chuyện thực tế khiến mọi người hào hứng tham gia. Giữa buổi thứ hai, thầy hỏi học viên về học vấn, công việc rồi chuyển sang chuyện hôn nhân, chị “tóm” trúng một câu hỏi khó nhằn: Tại sao lại là anh ấy mà không phải là ai khác?
Chị bối rối đứng lên trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người. Thầy hóm hỉnh gợi ý, thời điểm đó em có được nhiều người theo đuổi không, hay thường trực “sợ ế”? Có ai không? Chị vừa tốt nghiệp đã kết hôn với anh, ứng cử viên mà theo chị là tốt nhất lúc đó.
Thật ra, chị cũng không nhiều vệ tinh cho lắm vì nhan sắc làng nhàng, lúc đó lại vừa gầy vừa khô, sao có thể gọi là “sáng giá” được. Đâu như bây giờ, chị có da có thịt hơn, biết chăm chút bản thân hơn, sự hấp dẫn giới tính đã tăng lên cùng với độ tuổi ngày càng viên mãn. Giờ chị tự tin là mình quyến rũ, nhưng anh thì dường như ngược lại, bị “xài hao” quá, tàn tạ khá nhanh từ khi lấy chị.
Chị buột miệng một câu, dạ tại vì anh ấy hiền lành. Thầy phán ngay, à em thuộc mẫu người thích điều khiển đây mà; không phải dạng cá tính kiểu “anh ấy trị tôi thì tôi mới sướng”! Cả lớp cười rần. Để chị bớt lúng túng, thầy lại gợi ý đầy “cạm bẫy”: anh ấy có chung thủy không? Có thể là em không cần tiêu chí này bởi vì chưa chắc ngày nay ai ít chung thủy hơn ai, đúng không nào?
Biết là thầy đùa, nhưng chị vẫn thon thót giật mình. Từ ngày lấy nhau, anh chưa có biểu hiện vụng trộm bao giờ; còn chị thì… Thật ra, chị cũng chưa từng phản bội chồng; chỉ là đôi lần, trong vài khoảnh khắc thất vọng nào đó, chị đã nghĩ đến anh sếp lịch lãm, thơm nức của mình.
Manh nha một chút so sánh. Giá mà… Rồi năm trước họp đồng hương, chị tình cờ gặp lại người yêu cũ. Cũng chỉ là lãng mạn say nắng chút đỉnh thôi, đâu đã làm gì sai trái! Chị tự bào chữa cho ánh mắt nồng ấm và cái nắm tay quyến luyến ngoài luồng đầy tiếc nuối hôm ấy.
Chị hiểu, đoạn tiếp theo của câu chuyện này sẽ càng khó nhằn. Nếu chị giả vờ bảo chồng mình trai lồng lộng, thì thầy sẽ “khen” em đúng là người… háo sắc. Thú nhận đi, anh ấy có nhà mặt phố, bố làm to không? Không ư, vậy là em chẳng phải người thực dụng chứ gì! Ý cuối cùng nhé, ai yêu nhiều hơn, em hay là anh ấy? Đàn bà, đương nhiên phải lấy người yêu mình chứ! Vừa an toàn vừa ấm áp, được hưởng thụ mọi nâng niu cung phụng, em còn đòi hỏi gì nữa!
Chuyện tới đây càng trở nên hấp dẫn. Thiên hạ nhao nhao đòi phát biểu. Thầy ơi không yêu khó mà chung sống dài lâu. Chán lắm. Dễ bị lung lạc lắm. Ít biết trân trọng đối phương lắm! Yêu nhau lắm còn cắn nhau đau nữa là! Dường như không việc gì làm người ta hào hứng hơn là thổ lộ chính những bức xúc họ đang trải qua. Thầy hòa giải bằng một câu hỏi kết luận khiến bao người phụ nữ phải chạnh lòng: Em có hạnh phúc không, cô gái?
Chị còn ở độ tuổi dễ dàng hài lòng như một “cô gái” không nhỉ? Hay đàn bà luôn ảo tưởng là mình vẫn còn bé bỏng lắm, cần một bờ vai, một chỗ dựa, một chốn bình yên để đi về? Chị có hạnh phúc không? Ấp úng một câu thú nhận, rằng tương đối thôi. Quan trọng là mình biết đủ. Mà với phụ nữ, bao nhiêu thì mới đủ, khi họ thích đứng núi này trông núi nọ, hay so sánh, ưa nhìn ngó “gà” của người khác nuôi với con mắt tị hiềm? Liệu em có thay đổi quyết định nếu được quay ngược lại thời gian không? Tức là em vẫn chọn anh ấy, đúng không nào?
Lần này thì chị mạnh dạn gật đầu, không chút do dự. Đó là người chồng tốt, người cha có lòng với con. Chị bao lần từng chia sẻ với người khác nhận xét ấy. Nhưng… Đời luôn vướng ở chữ “nhưng” này. Bên cạnh ưu điểm, anh còn vô số điều khiến chị chẳng hài lòng. Chậm chạp, cũ kỹ, không dám dấn thân, thiếu máu liều nên cứ lẹt đẹt mãi. Mỗi khi không vừa ý về chồng là chị lại có cảm giác như mình đã mắc sai lầm. Năm tháng dằng dặc, liệu có phải chị đang chịu đựng cuộc sống của chính mình, vì chọn nhầm người?
Ông thầy chưa phải lớn tuổi nhưng thật trải đời, đáo để. Quay sang cả lớp thầy lại hỏi, rằng các anh chị sẽ làm gì để cải thiện hôn nhân cho đầm ấm hơn? Chỉ nghĩ thôi hay hành động theo cách cùng nhìn về một hướng? Ai cũng muốn thay đổi, nhưng ngoài than van, chê trách, ta đã làm được gì? Làm gì?
Đã lâu lắm chị không còn chờ cơm chồng, vì sao nhất thiết phải mất thời gian như thế, cứ nhanh gọn là được. Cảnh mạnh ai nấy ăn đã thành quen thuộc trong nhà chị. Anh về trễ, chị cho con ngủ trước, chờ anh thì biết đến bao giờ, để cho anh được tự do thư thả cũng là tôn trọng.
Một lời hỏi han “Anh ổn không?” khi thấy mặt chồng khang khác cũng đã thành xa xỉ. Những nhường nhịn ngọt lành chồng dành cho vợ con được chị xem như hiển nhiên mất rồi. Giờ hỏi lần gần nhất chị sắm quần áo giày dép cho chồng là khi nào, chị sẽ ú ớ chẳng nhớ được…
Được “tha” cho ngồi xuống, chị thở hắt ra như vừa trải qua một đợt tự vấn thật sự. Chỉ là vài phút thực hành trước lớp thôi mà, sao chị tâm tư đến thế? Bài giảng được tiếp tục, còn mấy ai quan tâm câu chuyện phiếm vừa qua có bao nhiêu phần trăm sự thật. Trăn trở chi cho thêm nhọc lòng.
Những điều vốn quen thuộc bình thường, sao hôm nay chị lại ngỡ ngàng nhận ra, chị ít khi để ý, hiếm có lúc tạm dừng để ngoái lại mà ngẫm nghĩ? Hay bởi hạnh phúc khi đã ở trong tay thì trở nên đơn giản đến tầm thường, không còn xứng để người ta trân quý nữa? Chị lấy điện thoại ra, len lén nhắn cho chồng một cái tin. Rằng em nhớ anh và con lắm. Cảm ơn anh về mọi thứ, chồng yêu nhé!
Chắc là anh hiểu. Hoặc không. Chẳng sao, miễn lần này chị hiểu mình hơn là được rồi.
Theo Phụ nữ TPHCM