Nạn tảo hôn đày đọa những bé gái mới lớn ở châu Á

Nam Á trở thành nơi có tỷ lệ tảo hôn cao nhất trên thế giới khi nhiều bé gái phải làm vợ và mẹ ở tuổi thiếu niên.

Cách đây 7 năm, Lia (tên nhân vật đã được thay đổi) biết tin mình có thai khi cô mới 17 tuổi và chỉ còn vài tháng tới kỳ thi quốc gia để lấy bằng tốt nghiệp cấp 3.

Dù xác định phải nghỉ học, nhưng Lia vẫn quyết định tham gia kỳ thi cấp 3 với số điểm không tệ khi cô đạt điểm A cho môn tiếng Anh cùng điểm C và D cho những môn còn lại.

Điểm số này đủ để Lia tham gia kỳ thi Đại học, nhưng cô gái trẻ quyết định dừng việc học để lấy bạn trai 32 tuổi. Giờ đây Lia đã 24 tuổi và làm mẹ đơn thân sau khi ly dị chồng.

"Mẹ tôi từng cho rằng đám cưới sẽ khiến tôi bị thuần phục'', Lia chia sẻ ở độ tuổi thiếu niên nổi loạn, mẹ cô không bằng lòng khi con gái đi chơi về muộn và không nghe lời khuyên bảo của người lớn.

Nạn tảo hôn đày đọa những bé gái mới lớn ở châu Á-1
Nam Á là khu vực có tỷ lệ tảo hôn cao nhất trên thế giới. (Ảnh: SCMP)

Theo đạo Hồi ở Malaysia, Lia đủ tuổi để lấy chồng bởi độ tuổi tối thiểu để kết hôn của người theo đạo Hồi là 16. Trong khi đó, với những người không theo đạo Hồi và chiếm 28,7% trong tổng dân người 32,7 triệu người ở Malaysia, cả nam và nữ giới được phép kết hôn hợp pháp khi đủ 18 tuổi.

Lia chia sẻ giờ đây cô hối hận vì quyết định lấy chồng khi còn quá trẻ, nhưng cô mừng vì mình sinh được cậu con trai kháu khỉnh nay đã 7 tuổi.

Điều đáng nói, Lia bị trầm cảm sau sinh và phiền muộn trong năm đầu về sống cùng chồng. Trước khi kết hôn, chồng của Lia không có công ăn việc làm ổn định.

Mọi chuyện càng xấu hơn sau khi họ kết hôn, chồng cô không còn đi làm. Do đó, khi mới sinh con được 7 tháng, Lia đã phải xin làm trợ lý bán hàng cho một cửa hàng thú cưng và kiếm số tiền 215 USD/tháng.

"Tôi may mắn vì có bố đẻ chăm con trai hộ. Ông ấy trả tiền viện phí và mọi chi phí thiết yếu cho thằng bé", Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời Lia. 

"Tôi ước mình có thể trở lại thời thiếu niên, bởi khi mọi người còn đang bận rộn lo lắng cho tương lai, tôi đã phải ở nhà để làm vợ và làm mẹ. Đó là một trải nghiệm buồn và tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mình để làm bài học kinh nghiệm cho người khác", Lia tâm sự.

Do không thể chịu đựng thêm áp lực từ cuộc sống hôn nhân, Lia đệ đơn ly hôn sau 18 tháng sống với chồng. Theo cô Lia, Malaysia cần thay đổi luật pháp và ngăn chặn người dưới 18 tuổi kết hôn.

"Trẻ con vẫn là trẻ con. Việc xem một đứa trẻ mới 16 tuổi đã đủ chín chắn để kết hôn là sai lầm. Tại sao mọi người có thể kỳ vọng và nghĩ một bé gái đủ chín chắn giống như một trái ngọt đang chờ được hái xuống", Lia nói thêm.

Vấn nạn đám cưới trẻ em hay còn gọi là tảo hôn không chỉ xảy ra ở Malaysia mà còn diễn ra ở nhiều quốc gia khác ở khu vực châu Á.

Trong đó, Nam Á là nơi có tỷ lệ tảo hôn ở mức cao nhất trên thế giới, khi 45% phụ nữ trong độ tuổi từ 20 – 24 cho biết họ kết hôn khi chưa tròn 18 tuổi và cứ 5 bé gái thì có 1 em kết hôn khi chưa được 15 tuổi.

Tảo hôn cũng đang là vấn đề nan giải ở Indonesia khiến chính phủ nước này buộc phải lên tiếng khẳng định sẽ có những biện pháp can thiệp.

Hồi tháng 12/2021, Bộ trưởng Các vấn đề Tôn giáo Malaysia từ chối đề xuất của Bộ Phụ nữ, Gia đình và Phát triển Cộng đồng về việc nâng độ tuổi tối thiểu kết hôn lên 18.

Bởi theo Bộ trưởng Các vấn đề Tôn giáo Malaysia, một vài bang trong tổng số 13 bang và 3 vùng lãnh thổ liên bang ở Malaysia muốn giữ nguyên quy định độ tuổi tối thiểu kết hôn là 16 đối với những người theo đạo Hồi.

Hiện chỉ có duy nhất bang Selangor đã thay đổi luật lệ và nâng độ tuổi kết hôn hợp pháp cho người theo đạo Hồi lên 18.

Ít nhất 5 bang khác và 3 lãnh thổ liên bang bao gồm thủ đô Kuala Lumpur và Putrajaya cũng đã đồng thuận sửa đổi luật gia đình của người Hồi giáo. Nhưng một số bang như Perlis, Negeri Sembilan, Kedah và Kelantan vẫn giữ nguyên tư tưởng bảo thủ và chưa thông qua đề xuất nâng độ tuổi kết hôn hợp pháp lên 18.

Trong khoảng thời gian từ tháng 1 – 9/2020, Malaysia ghi nhận có 543 vụ tảo hôn. Bang Sarawak là nơi có nhiều đám cưới trẻ em nhất.

Còn theo số liệu được Qũy Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) công bố năm 2018, bang Sabah của Malaysia là nơi diễn ra tảo hôn nhiều nhất trong năm với 334 trường hợp.

Các chuyên gia nhận định số vụ tảo hôn trên toàn thế giới đang gia tăng do tình trạng nghèo đói vì ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh Covid-19, khiến nhiều gia đình tính chuyện để con gái đi lấy chồng sớm để rũ bỏ bớt áp lực kinh tế.

Nạn tảo hôn đày đọa những bé gái mới lớn ở châu Á-2

Bà Lee Lyn-Ni, chuyên gia bảo vệ trẻ em tại Unicef Malaysia, cho hay tổ chức đang tham vấn cho chính phủ liên bang Malaysia để tăng cường "nhận thức về nguy cơ và mối đe dọa từ tập tục tảo hôn".

Theo bà Lee, cải cách pháp luật là điều chủ chốt và là con đường hình thành quy định bắt buộc độ tuổi kết hôn phải trên 18 và không có trường hợp ngoại lệ.

Cũng theo bà Lee, chính phủ Malaysia có thể nghiên cứu khả năng hình sự hóa các vụ tảo hôn. Bởi theo bà, việc thay đổi quan niệm và thái độ là yếu tố chủ chốt, do tảo hôn đã gắn chặt với tình hình kinh tế và xã hội của Malaysia. 

Tảo hôn là vấn đề mang tính phức tạp và cần có sự tham gia của nhiều ban ngành chính phủ như bộ giáo dục và phúc lợi xã hội. Bởi tình trạng mang thai trước kết hôn chính là nguyên nhân khiến nhiều thiếu niên trở thành cô dâu nhí.

Trong khi đó, mục đích chính của các trường học vẫn là truyền tải kiến thức cho học sinh, nhưng họ lại thiếu đội ngũ giáo viên có chuyên môn cũng như vấp phải sự phản đối từ phía phụ huynh đối với những bài giảng về giới tính và cách quan hệ tình dục an toàn.

Bà Lee nhấn mạnh thêm đói nghèo và thu nhập bất bênh cũng là yếu tố dẫn tới nạn tảo hôn.

Để khắc phục tình hình, chính phủ Malaysia cần có khoản hỗ trợ đối với trẻ em sinh sống trong các gia đình có mức thu nhập thấp hoặc thuộc hộ nghèo để các em không phải nghỉ học sớm từ đó tránh phải trở thành vợ và mẹ khi còn ở tuổi thiếu niên.

Theo Infonet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/cuoc-song-day-doa-cua-nhung-be-gai-tro-thanh-co-dau-nhi-404112.html Quay lại

hủ tục tảo hôn

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao