Nên đặc cách tuyển dụng người hùng cứu hỏa: Thiết thực hơn vạn lời tung hô-1

Đồng Văn Tuấn, 21 tuổi từ Nam Định lên Hà Nội mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm công nghệ. Rạng sáng 24/5, khi vừa về phòng trọ, đang ăn cơm thì nghe tiếng hô hoán cháy. Bỏ dở bát cơm, chưa kịp mặc áo, Tuấn lao vào ứng cứu. Nghe tiếng kêu cứu từ tầng 2 ngôi nhà, phát hiện thấy chấn song cửa sổ, anh cùng mọi người bắc thang, dùng búa phá tường.

Hình ảnh Tuấn, tay trái bám chấn song cửa sổ, tay phải cầm búa đập mạnh vào tường, cứu được 3 người trong vụ cháy nhà tại phố Trung Kính - TP. Hà Nội được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội với những "cơn mưa" lời khen. Chàng trai trẻ cho hay, chiếc búa rất nặng nên tay phải của anh bị trật khớp nhẹ.

Nên đặc cách tuyển dụng người hùng cứu hỏa: Thiết thực hơn vạn lời tung hô-2
Đồng Văn Tuấn 21 tuổi, quê Nam Định đến Hà Nội làm nghề xe ôm công nghệ

Cùng tên Tuấn, cùng quê Nam Định và cũng 21 tuổi, Hoàng Anh Tuấn, người giữ thang và cùng Đồng Văn Tuấn cứu người bị gạch rơi vào đầu. Anh Tuấn nói mình vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đến Hà Nội học sửa chữa ô tô.

Nhắc đến danh xưng “người hùng” cả hai đều ngại ngùng. Theo các anh, trong lúc hỏa hoạn cấp bách, chỉ nghĩ đến việc cứu người. Ai trong trường hợp đó cũng sẽ hành động như vậy. Một người nữa trong nhóm là anh Phạm Quốc Luật, quê Hà Tĩnh còn cảm thấy tiếc nuối, ám ảnh khi không thể cứu thêm những người gặp nạn vì không có dụng cụ chuyên dùng. Một ngày sau vụ việc, anh Luật đã khóc khi chia sẻ với truyền thông khi nhớ lại những tiếng kêu cứu trong đám cháy.

Nên đặc cách tuyển dụng người hùng cứu hỏa: Thiết thực hơn vạn lời tung hô-3
Ba "người hùng" cứu hỏa được dân mạng ngợi khen. Từ trái qua phải: Đồng Văn Tuấn, Hoàng Anh Tuấn và Phạm Quốc Luật. Ảnh: VTV

Cư dân mạng ngay lập tức đã vẽ rất nhiều bức tranh ca ngợi hành động của các anh. “Người hùng” Đồng Văn Tuấn bày tỏ, anh không muốn nổi tiếng, ồn ào. Tuấn thậm chí đã giấu mẹ ở quê vì không muốn bà lo lắng khi con trai mình vừa đối mặt với hiểm nguy.

Câu chuyện của những người hùng cứu hỏa mấy hôm nay đã truyền cảm hứng tích cực cho cộng đồng. Đằng sau những đám cháy đen kịt cướp đi sinh mạng của nhiều người vẫn ánh lên những đốm lửa nhỏ về tình người.

Rằng, thay vì cầm điện thoại livetream câu like, hốt view, "nuôi face", hóng hớt ăn theo như đám thanh niên vô công rồi nghề, có những chàng trai đã dũng cảm quên mình lao vào đám cháy cứu người. Đó thực sự là những tấm gương sống đẹp cần lan tỏa để nhân lên những hành động tử tế, nhân văn.

Anh hùng không nhất thiết phải mặc áo choàng. Anh ta có thể cởi trần, dấn thân vào đám cháy, bất chấp hiểm nguy. Hành động đẹp của họ ít ra đã “chữa lành” cho căn bệnh vô cảm của giới trẻ hôm nay.

Nên đặc cách tuyển dụng người hùng cứu hỏa: Thiết thực hơn vạn lời tung hô-4
Dân mạng chế ảnh những người hùng cứu hỏa rạng sáng 24/5. Ảnh: Điều Nhỏ Xía Xiu

Câu chuyện người hùng xuất hiện trong đám cháy ở Trung Kính, Hà Nội rạng sáng 24/5 có thể không hiếm gặp ở đất nước ta. Trước đó từng xuất hiện nhiều tấm gương như họ. Nhưng đâu đó, chúng ta chỉ ngợi khen theo cách truyền thống như tuyên dương, khen thưởng mà chưa nghĩ đến những việc làm thiết thực hơn.

Tại sao không nghiên cứu tuyển dụng đặc cách họ vào lực lượng phòng cháy chữa, cứu hộ cứu nạn?

Họ có lòng dũng cảm, sống đẹp, có sức khỏe, còn trẻ, một trong hai người hiện đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Tất nhiên, để trở thành một chiến sỹ trong lực lượng PCCC, cứu hộ cứu nạn cần phải được đào tạo bài bản, chính quy, cần rèn luyện thêm nhiều kỹ năng, chuyên môn môn, phải có thêm các điều kiện khác nhưng ít nhất, họ hội tụ những phẩm chất cần có.

Từng có không ít trường hợp đặc cách, xé rào để tuyển dụng, khen thưởng những người tài, người có thành tích, phẩm chất đặc biệt vào các cơ quan, đơn vị, tổ chức thì tạo sao không tranh thủ để thu hút những người như Đồng Văn Tuấn, Hoàng Anh Tuấn?

Tất nhiên, cần phải xem hai chàng trai 21 tuổi này có nguyện vọng hay không nhưng ít nhất, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho các anh một cơ hội để thử sức mình, cống hiến. Họ có thể chưa biết, chưa giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ nhưng ít ra họ đã hơn nhiều người ở sự tử tế, đồng cảm, dám liều mình vì người khác lúc hoạn nạn.

Ứng xử với những người có tinh thần vì cộng đồng như thế, thiết nghĩ mới là cách thực tế nhất để những việc làm tử tế, có ích được lan tỏa, nhân lên trong xã hội.

Theo Gia Đình Việt Nam