Xét xử Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

Nếu có tỷ phú giúp Trương Mỹ Lan, tòa tạo điều kiện gặp tại trại giam

"Nếu thật sự có tỷ phú nào thì HĐXX sẽ tạo điều kiện hết sức để họ gặp bị cáo ngay tại trại giam", HĐXX nói với bà Trương Mỹ Lan.

Nếu có tỷ phú giúp Trương Mỹ Lan, tòa tạo điều kiện gặp tại trại giam-1

TAND TPHCM đã kết thúc gần 3 tuần xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo. Trong tuần qua, đại diện VKS đã đề nghị hình phạt đối với 86 bị cáo, trong đó bà Lan bị đề nghị án tử hình.

Có khoảng 20 bị cáo cùng luật sư bào chữa cho họ trình bày quan điểm đối đáp lại luận cứ buộc tội từ cơ quan công tố.

Sốc sau khi bị đề nghị án tử hình

Sau khi bị đề nghị mức án tử hình, luật sư của Lan cho biết bị cáo đã sốc. Theo quan sát của phóng viên Dân Trí, trong ngày bị đề nghị án tử, bị cáo Trương Mỹ Lan thất thần, tâm trạng. Nhưng ngày xét xử hôm sau, bà đã bình tĩnh hơn, nghiên cứu hồ sơ vụ án kỹ, ghi chép nhiều.

Tự bào chữa, bà Lan dẫn chứng lại quan điểm của VKS nhận định trong quá trình xét xử bà quanh co chối tội, đổ tội cho nhân viên cấp dưới, rồi nói: "Tôi đau xót. Tôi không quanh co".

Trong vụ án này, bà Trương Mỹ Lan bị cơ quan công tố buộc phải bồi thường 677.000 tỷ đồng kèm lãi phát sinh cho Ngân hàng SCB. Tại tòa, bà Lan đồng ý đưa nhiều tài sản của bản thân vào để khắc phục thiệt hại vụ án.

Nếu có tỷ phú giúp Trương Mỹ Lan, tòa tạo điều kiện gặp tại trại giam-2
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa ngày 19/3 (Ảnh: Hải Long).

Đồng thời, trong phần tự bào chữa, bà Lan cho biết có tỷ phú, nhà đầu tư nước ngoài muốn đem tiền vào SCB để giải quyết vấn đề tài chính. Song, theo bà, điều kiện được đưa ra là họ phải gặp bà, gặp cả lãnh đạo SCB cũ và mới.

Ngay lập tức, HĐXX nhấn mạnh sẽ tạo điều kiện cho bị cáo Trương Mỹ Lan nếu thật sự có tỷ phú nào muốn giúp bị cáo khắc phục thiệt hại. "Nếu thật sự có tỷ phú nào thì HĐXX sẽ tạo điều kiện hết sức để họ gặp bị cáo ngay tại trại giam", chủ tọa nói.

"Muốn HĐXX hiểu cảnh khổ là tôi dù bị tạm giam vẫn cố gắng... Mong HĐXX giúp đỡ tôi, các nhà đầu tư vào thì tạo điều kiện", bị cáo Lan nói. Chủ tọa Phạm Lương Toản nhắc bị cáo không cần trình bày lại mà chỉ cần thông qua luật sư có văn bản đề nghị gửi HĐXX, tòa sẽ đáp ứng điều kiện tốt nhất.

Ngoài ra, bà Lan cũng xin được giải tỏa kê biên tòa nhà 19 Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) để giao lại cho con gái, bởi đây là tài sản mẹ bà mua cho Chu Duyệt Phấn (con gái bà Lan).

Theo bà, tòa nhà này đang cho SCB thuê làm trụ sở nhưng hơn một năm nay SCB không trả tiền thuê nhà, cũng không trả lại nhà. "Con gái tôi đang bế tắc", bị cáo nói.

Trước đó, bà Lan xin HĐXX xem xét việc giải tỏa kê biên căn biệt thự cổ diện tích gần 3.000 m2 tại số 110-112 Võ Văn Tần, quận 3. Đây là căn nhà mẹ bà mua với giá 700 tỷ đồng, nên bà xin giao lại cho con gái và gia đình bà trùng tu để bảo tồn di tích.

Khắc phục thiệt hại để xin giảm nhẹ hình phạt

Trong quá trình phiên tòa diễn ra, nhiều bị cáo trong vụ án đã tự nguyện, tác động gia đình nộp tiền để khắc phục hậu quả vụ án. Bên cạnh đó, bị cáo Trương Mỹ Lan cũng xin chuyển 1.650 tỷ đồng để giúp chồng và cháu gái khắc phục thiệt hại.

Bà Lan xin được chuyển 1.350 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho cháu gái là bị cáo Trương Huệ Vân. Nguồn gốc số tiền này gồm 1.000 tỷ đồng (tiền mặt và tài sản đang bị phong tỏa) do ông Nguyễn Cao Trí bồi thường cho bà Lan và 350 tỷ đồng do một cá nhân trả cho bà.

Nếu có tỷ phú giúp Trương Mỹ Lan, tòa tạo điều kiện gặp tại trại giam-3
Bị cáo Trương Huệ Vân (Ảnh: Hải Long).

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng mong muốn chuyển thêm 300 tỷ đồng mà cá nhân trên trả cho bà để khắc phục cho chồng là bị cáo Chu Lập Cơ.

Luật sư Chu Thị Trang Vân (bào chữa cho bị cáo Trương Huệ Vân) đề nghị VKS và HĐXX ghi nhận tình tiết mới này cho thân chủ. Theo bà, đây là tình tiết "vô cùng quan trọng". Bởi, nếu được HĐXX đồng ý, hậu quả do hành vi sai phạm của bị cáo Vân đã được khắc phục hoàn toàn.

Trong giai đoạn điều tra và truy tố, bị cáo Vân cũng đã tích cực nộp lại hơn 1 tỷ đồng và 3.000 USD để khắc phục hậu quả. Ông Cơ đã khắc phục 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, khi tự bào chữa, bị cáo Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc Công ty Tường Việt) nói các khoản vay của mình bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng. Hiện tài khoản phong tỏa, các tài sản kê biên của ông đã dư để khắc phục hậu quả.

Cụ thể, trong các tài khoản của ông Trước bị phong tỏa có hơn 2.000 tỷ đồng cả gốc và lãi, một loạt bất động sản, và đã nộp khắc phục hơn 813 tỷ đồng.

Theo luật sư, bị cáo tự nguyện nộp lại số tiền đã nhận từ bà Lan, đưa nhiều tài sản có giá trị lớn vào khắc phục hậu quả không chỉ do cá nhân gây ra mà cả những hậu quả chung liên quan đến số tiền bà Lan chiếm đoạt nhưng chưa trả lại.

Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng tất cả các tình tiết giảm nhẹ và nguyên tắc có lợi để khoan hồng cho bị cáo.

Không đồng ý kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân

Theo cáo buộc, trong số 1.284 khoản vay của nhóm bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát được đảm bảo bằng 1.116 mã tài sản, còn dư nợ đến tháng 10/2022 (thời điểm khởi tố vụ án) là 677.000 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo bà Lan bị chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng lãi.

Để thực hiện báo cáo rà soát khi SCB bị kiểm soát đặc biệt, ngày 3/1/2023 (sau khi khởi tố vụ án) SCB đã thuê Công ty Hoàng Quân định giá tài sản ngân hàng tại thời điểm ngày 30/9/2022.

Trên cơ sở kết quả định giá của công ty này và kết quả định giá lại của SCB, VKS lấy làm căn cứ xác định thiệt hại của vụ án và số tiền bà Lan chiếm đoạt.

Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan, Võ Tấn Hoàng Văn, Trần Thị Mỹ Dung, Trương Khánh Hoàng... cùng các luật sư bào chữa đều cho rằng việc định giá các tài sản trong vụ án để xác định thiệt hại đang quá thấp.

Nếu có tỷ phú giúp Trương Mỹ Lan, tòa tạo điều kiện gặp tại trại giam-4
Các bị cáo tại tòa ngày 19/3 (Ảnh: Hải Long).

Theo đó, Công ty thẩm định giá Hoàng Quân (Công ty Hoàng Quân, được chọn thẩm định giá tài sản trong vụ án) mới định giá 726/1.166 mã tài sản thế chấp cho các khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát tại SCB.

Số còn lại Công ty Hoàng Quân không định giá vì lý do các tài sản là cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản...

Bà Lan dẫn chứng riêng Dự án Mũi Đèn Đỏ tiền bồi thường cũng đã hơn 100.000 tỷ đồng mà Công ty Hoàng Quân định giá có 17.000 tỷ là quá thấp. Bà đề nghị HĐXX xem xét để định giá tài sản theo giá thị trường.

Chứng thư thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân là văn bản duy nhất cơ quan tố tụng dùng để xác định thiệt hại.

Theo luật sư bào chữa của bà Lan, chứng thư thẩm định giá đối với bất động sản có giá trị trong vòng 6 tháng, động sản là 3 tháng - tức tính đến thời điểm hiện nay đã hết hiệu lực, không có ý nghĩa trong việc làm căn cứ tính thiệt hại.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/phap-luat/neu-co-ty-phu-giup-truong-my-lan-toa-tao-dieu-kien-gap-tai-trai-giam-20240322222636099.htm

Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan

Tin tức mới nhất

Bạn đang xem bài viết trong sự kiện: Xét xử Tập đoàn Vạn Thịnh Phát