(Ảnh minh họa: Shutter Stock)
"Nếu em và mẹ rơi xuống nước, anh sẽ chọn ai?" Một câu hỏi như "hot trend" trên mạng xã hội và khiến các cô dâu trẻ - vợ trẻ nhao nhao tag chồng vào để xem "ý anh sao? Anh chọn ai?" - câu hỏi vừa ngớ ngẩn vừa thể hiện tư duy nông cạn của không ít cô gái trẻ bước vào cuộc sống hôn nhân, vừa "giật" của mẹ chồng anh con trai chưa chắc báo hiếu được ngày nào, nuôi bao nhiêu công sức, vừa bố láo bắt chồng phải chọn mình hoặc mẹ. Con dâu kiểu ấy, mẹ chồng nào thương nổi! Có bao giờ khi các cô đẻ con trai, con các cô lớn lên, con dâu của các cô hỏi con trai mình câu ấy: "Chọn mẹ hay chọn vợ?" Các cô nghĩ gì?
Mẹ là người đã sinh ra mình, đã vì tình yêu với cha mình, đã vì chính bản thân họ muốn sinh ra một đứa con và dành tình yêu thương, sự hi sinh để nuôi nấng đứa con ấy khôn lớn, trưởng thành, chẳng mong báo đáp lớn lao, chỉ mong con bình an, hạnh phúc. Mẹ Việt đa phần đều hi sinh cho chồng, cho con đến mức mù quáng. Thậm chí họ vì quá yêu thương mà không dạy cho con mình cách biết hiếu thảo, trân trọng công lao dưỡng dục của mẹ cha, đồng tình một cách nhu nhược, hoặc lại nghiêm khắc một cách thiếu đúng đắn, để rồi khi con trai kết hôn, mang về cho bố mẹ một nàng dâu cứ mở mồm ra là bắt phải chọn "một là em - hai là mẹ". Dù thế nào, những người mẹ đã sinh thành, nuôi nấng, dưỡng dục, yêu thương con mình - đều đáng được trân trọng. Các cô dâu trẻ hãy nhớ lấy điều đó, và quay lại nhìn mẹ đẻ của mình để thấu hiểu hơn.
Ở các hội nhóm trên mạng xã hội, chuyện con dâu khen khen mẹ chồng hiếm như ưu đàm nghìn năm mới nở, nhưng chuyện nói xấu chồng, nói xấu mẹ chồng thì choán hết cả diễn đàn, nhiều như sâu rau. Vì sao thế? Vì sao các nàng dâu có thể dễ dàng thứ tha cho mọi lỗi lầm của mình nhưng lại không thể thứ tha cho mẹ chồng và cả cho chồng? Ai đã dúi vào tay cô một tấm chồng và bắt cô về làm dâu nhà họ? Có bao giờ bố mẹ cô bắt cô phải chọn: Chồng của con và bố mẹ đẻ, con chọn ai chưa? Vậy, tại sao bắt chồng phải chọn? Tại sao cứ mở miệng ra là nói xấu mẹ chồng không tiếc lời, cho dù người đàn bà ấy có xấu thật, có đê tiện, nanh nọc, khủng khiếp, bạc bẽo như lời các nàng dâu trẻ, thì các cô hoàn toàn có quyền chấm dứt hôn nhân để lựa chọn cho mình một người chồng tốt, một bà mẹ chồng thật tốt với tiêu chuẩn ISO 9002 cho mình cơ mà. Vì sao mà các cô chịu đựng và uất ức làm chi?
Vì con ư? Không, không có một người mẹ nào sống vì con mà lại để mình rơi vào trạng thái uất ức tất thảy sự đời, tất thảy những người thân không thể thay thế của con mình - là bố, là bà nội. Cũng không có người mẹ nào lựa chọn sự chịu đựng giày xéo đến tột cùng của gia đình nhà chồng mà không dám đấu tranh tìm cho mình một lối thoát (mà theo lời các cô là cực kì tồi tệ). Vậy thì vì sao mà các cô cứ chịu cảnh sống chung với mẹ chồng và nhà chồng tệ bạc? Hãy dũng cảm nhìn thẳng vào bản thân mình đi. Là do các cô kém, lệ thuộc vào kinh tế, ấu trĩ và nông cạn về tư duy. Các cô cũng không có trái tim đủ rộng rãi để có thể bao dung lấy sai lầm của người khác. Chỉ cần ngược ý - ngược lòng là các cô tung hê hết cả, bất biết là mình đúng hay sai, mình đủ tư cách để được trân trọng và yêu thương hay không.
Phụ nữ ngu ngốc hay bắt chồng phải chọn giữa mẹ và vợ (Ảnh minh họa: Phim sống chung với mẹ chồng).
"Nếu em và mẹ rơi xuống nước, anh sẽ chọn ai?" - cô vợ nào hỏi người chồng của mình câu này, anh chồng cũng nên xem lại người đầu ấp tay gối với mình. Bởi một người có chiều sâu về tư duy, chắc chắn sẽ không mở miệng ra hỏi một câu ngớ ngẩn đến vậy. Lời nói từ suy nghĩ mà ra, nếu anh chồng trẻ nào hùa theo với vợ để trả lời một trong cách phương án cho câu hỏi này, mà không dạy dỗ được vợ về mặt tư duy, tôi cho rằng cũng "rặt" một phường bất hiếu. Bởi, chẳng có người đàn ông nào có nhân cách, có trí tuệ mà lại trả lời câu hỏi, chọn vợ hay chọn mẹ.
Không phải ngẫu nhiên mà các cụ có câu "Huynh đệ như thủ túc, phu thê như y phục". Tình thân của máu huyết, của gia đình là lớn lao nhất, vợ chồng thời xưa lẫn thời nay vẫn như cái áo, còn yêu còn mặc, hết yêu hết thích, cởi ra là chuyện thường. Nói vậy không có nghĩa là tôi xem nhẹ giá trị hôn nhân và đạo nghĩa vợ chồng. Bởi, phải có vợ chồng, phải xây đắp chung ý chung lòng thì mới có tình thân, có máu huyết, có ân nghĩa sâu nặng về sau. Câu nói của ông trùm Phan Quân trong Người phán xử - "Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, tất cả những thứ khác có hay không, không quan trọng" không phải ngẫu nhiên mà gây sốt.
Bởi, gia đình quan trọng thế nên các nàng dâu đừng bắt chồng phải chọn giữa mẹ hay vợ. Bạn cũng đừng hân hoan khi anh ta chọn vợ và để mặc mẹ giữa dòng nước, dù câu nói ấy chỉ là vui tai và làm cho bạn cảm thấy mình quan trọng, nhưng điều đó cũng thể hiện sự vô ơn của một người con với đấng sinh thành. Nếu anh ta không chọn bạn thì cũng đừng lấy đó làm đau đớn, bởi nếu chồng bạn và mẹ đẻ của bạn cùng rơi xuống nước, bạn sẽ chọn ai?
Hãy đặt mình trong nhiều chiều kích và mở rộng trái tim nhỏ hẹp của mình ra, hãy học cách để bao dung trước khi muốn được bao dung, học cách cho đi trước khi cứ đòi nhận lại, chỉ có thể, các cô gái trẻ mới không đặt mình lên bàn cân "hiếu - tình" bởi những câu hỏi ngu ngốc, thể hiện một phông văn hóa kém và một trái tim thiếu vị tha.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Theo Thoidai