Trên tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo còn xảy ra hiện tượng người dân cắt hàng rào kẽm gai, tháo hộ lan tại nhiều điểm dọc cao tốc, dẫn đến nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Cụ thể, vào khoảng 21h ngày 3/6, một nhóm thanh, thiếu niên tụ tập trên cầu vượt cao tốc thuộc xã Phước Trung, huyện Bác Ái và lấy đá ném xuống xe container đang chạy theo hướng Bắc - Nam.

Công an xã Phước Trung vào cuộc và các thanh, thiếu niên trong nhóm đã thừa nhận hành vi. Do các em là học sinh đang ở độ tuổi 14 - 16, nên công an địa phương đã mời phụ huynh, người thân đến làm việc, xử phạt vi phạm hành chính 3 trường hợp, cảnh cáo 7 trường hợp.

Trước đó, ngày 22 và 23/5, camera an ninh cũng đã ghi lại cảnh nhóm thanh, thiếu niên ở xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa leo rào vào cao tốc, đùa giỡn và ném đá vào xe chạy trên đường. Công an địa phương đã triệu tập các nghi can để lấy lời khai, củng cố chứng cứ để xử lý.

Ngăn chặn hành vi ném đá trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo-1
Nhóm người đùa giỡn bên cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo. Ảnh cắt từ clip

Để đảm bảo an toàn khai thác cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng có giải pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm.

Theo quy định, đường cao tốc được phân làm 4 cấp theo tốc độ tính toán, bao gồm: Cấp 60 - 80 - 100 – 120 km/h.

Anh Nguyễn Văn Hùng, tổ trưởng tổ tuần đường trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cho biết, trên đường cao tốc, chỉ một vật nhỏ rơi vãi cũng có thể khiến ô tô bị lật, gây ra tai nạn kinh hoàng nếu lái xe không chú ý quan sát, bị giật mình dẫn tới mất lái. 

Ô tô chạy trên cao tốc thường với vận tốc cao, nên chỉ cần 1 viên đá nhỏ vài cm, hoặc đá lớn văng trúng đã gây vỡ kính xe. Lúc này, người lái xe sẽ bị hoảng loạn, không nhìn thấy đường dễ dẫn tới tai nạn nghiêm trọng.

Theo Điều 11, Nghị định 100/2019, hành vi ném đá phương tiện giao thông sẽ bị xử phạt 500.000-1.000.000 đồng. Trường hợp trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm đối với tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 BLHS 2015, khung hình phạt lên đến 20 năm tù.

Tình huống người dân tự ý cắt, tháo hàng rào hai bên cao tốc để gia súc đi qua, chăn thả gia súc trên cao tốc cũng là hành vi vi phạm pháp luật. 

Cũng theo Nghị định 100/2019, tại Điều 15, Khoản 5, mục b quy định phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng đối với cá nhân phá dỡ trái phép dải phân cách, gương cầu, các công trình, thiết bị an toàn giao thông trên đường bộ, cấu kiện, phụ kiện của công trình đường bộ.

Ngoài ra, tại khoản 3, Điều 10, Nghị định 100/2019, hành vi dẫn dắt gia súc, điều khiển xe súc vật kéo đi vào đường cao tốc có thể bị phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng đối với người điều khiển. 

Theo Vietnamnet