Đây là thực tế đau lòng và không đáng xảy ra ở ngành thể dục thể thao (TDTT), nơi quan hệ giữa đội ngũ quản lý hoặc huấn luyện viên (HLV) với vận động viên (VĐV) khá tương đồng quan hệ thầy trò bên ngành giáo dục với tiêu chí tối thượng là "tôn sư trọng đạo".
Vậy mà các cụm từ vô cùng nhạy cảm "lộng quyền, cống nạp, ăn chặn" đã và đang tàn phá thể thao đỉnh cao Việt Nam, gây bức xúc cho dư luận thời gian qua.
Chuyện ngày càng rối ở tuyển thể dục dụng cụ
Xung quanh việc bị quy chụp hành vi "vô tổ chức, vô kỷ luật" khi đi du lịch dù có đơn xin phép gửi ban huấn luyện, Phạm Như Phương không được triệu tập vào đội tuyển quốc gia và ấm ức nộp đơn xin rời khỏi đội tuyển Hà Nội.
Điều này đồng nghĩa với việc cô chính thức giải nghệ dù có hơn 13 năm gắn bó với thể dục dụng cụ (TDDC).
Khi công khai việc phải nộp lại rất nhiều khoản, từ tiền công lao động hằng tháng đến thu nhập từ tiền thưởng thành tích cho các HLV ở đội tuyển, hẳn Phạm Như Phương không nghĩ đến cô và một vài cựu đồng đội đã tạo nên một cơn "địa chấn" làm rúng động làng thể thao.
Dư luận không phải tất cả đều đồng tình với việc làm của Phạm Như Phương. Song, khi cô và các bạn tung thêm bằng chứng về việc kê khai "khống" thời gian tập luyện để nhận tiền công lao động, nhiều người đã ngã ngửa về các khoản thu lớn, được hình thành từ vi phạm có hệ thống qua nhiều cấp ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.
Câu chuyện của Phạm Như Phương (giữa) và đội tuyển thể dục dụng cụ được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho những thay đổi tích cực của ngành thể dục thể thao. Ảnh: PHAN NHƯ
Có thể việc thu tiền lập quỹ ở tuyển TDDC hay thu phần trăm các khoản tiền thưởng của VĐV dễ dàng được "khoanh vùng" về cá nhân HLV Nguyễn T.D.
Thế nhưng, với việc khai khống thời gian tập luyện để nhận tiền công lao động và nộp lại phần trăm "lên trên", cá nhân HLV Trương T.H (phụ trách đội nam) hay HLV Nguyễn T.T.T (phụ trách đội nữ) không thể tự tung tự tác nếu Phòng Quản lý huấn luyện và công tác chính trị, cao hơn là Ban Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, sâu sát hơn, quản lý tốt hơn các tập thể thể thao.
Đó là chưa kể các thể loại quỹ đối nội, đối ngoại mà đích thân cán bộ T. của Phòng Quản lý huấn luyện và công tác chính trị nhắc nhở phải nộp; HLV trưởng Nguyễn T.T.T đốc thúc các HLV, VĐV đóng theo chỉ đạo. Ai thắc mắc gì cứ công khai nêu trong nhóm chung của các phụ huynh cho dân chủ (?!).
Xung quanh việc xử lý các tập thể, cá nhân liên quan vụ việc, lãnh đạo Cục TDTT trước sau đều khẳng định "ngành nghiêm cấm việc lập quỹ, cấm tuyệt đối việc HLV thu mọi khoản tiền từ VĐV hay lập quỹ trái phép và bất kỳ sai phạm nào đều sẽ bị xử lý nghiêm".
Trước mắt, 2 HLV Nguyễn H.T và Nguyễn T.D đã được thông báo dừng công tác huấn luyện ở đội tuyển TDDC quốc gia để chờ làm rõ vấn đề. Về lâu dài, chắc hẳn sẽ còn có thêm các viên chức, cán bộ liên quan phải giải trình về những lời tố cáo, không loại trừ sẽ bị mất việc, thậm chí bị xử lý nghiêm trước pháp luật.
Đừng sa vào lợi ích quẩn quanh!
Ngay khi sự việc lùm xùm ở đội tuyển TDDC nổ ra, trên các trang mạng hoặc diễn đàn thể thao, vận động viên nhiều bộ môn đã lên tiếng về thực trạng này.
Trong đó, đa phần ý kiến là ca ngợi các HLV công tâm, không bớt xén, thậm chí còn sẵn sàng móc tiền túi thưởng thêm cho VĐV, tự mua sắm trang thiết bị để hỗ trợ VĐV dưới quyền hay tận tâm lo bữa ăn, giấc ngủ, chế độ dinh dưỡng thêm cho học trò.
Đáng chú ý, tất cả đều nói đến việc hình thành quỹ như một hình thức chia sẻ chuyện hiếu hỷ, mua sắm nhỏ hay chăm lo lúc ốm đau trong nội bộ của đội.
Tất nhiên, việc đóng góp là trên cơ sở tự nguyện, có thỏa thuận, thống nhất và công khai, minh bạch mọi khoản thu chi.
Ngay sau sự việc của đội tuyển TDDC quốc gia, Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM nhanh chóng có văn bản chỉ đạo việc công khai tài chính, các chế độ, chính sách liên quan HLV - VĐV. Sở nghiêm cấm các hình thức trích phần trăm từ chế độ của VĐV. Việc thành lập quỹ (nhóm, tổ, đội) cho mục đích sinh hoạt chung phải công khai, minh bạch, đồng thuận và được lãnh đạo đơn vị, bộ môn chấp thuận. Văn bản nghiêm cấm việc dùng các quỹ này để bồi dưỡng HLV, cán bộ lãnh đạo.
Tiến trình chuyên nghiệp hóa thể thao là xu thế chung của tất cả các bộ môn. Một khi thành tích thể thao là quá trình tổng hòa từ khâu tổ chức, đào tạo và tập luyện thi đấu, tiền thưởng sẽ được phân chia minh bạch, rạch ròi từ đơn vị chủ quản, HLV cho đến VĐV theo tỉ lệ quy định.
Người Á Đông yêu thích tinh thần "tôn sư trọng đạo", sự kết hợp hài hòa giữa thầy và trò cũng như sự thoải mái sòng phẳng giữa HLV và VĐV, những nền tảng giúp ngành TDTT ngày càng phát triển và được ủng hộ, thay vì sa vào những lợi ích quẩn quanh, phá hoại cả một phong trào được nhiều thế hệ dày công xây dựng.
Giải pháp của Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM sẽ được các địa phương ủng hộ và thực hiện quyết liệt, kể cả tại Cục TDTT và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Ở tầm vĩ mô, giới làm nghề kỳ vọng sẽ có những đổi mới về cơ chế quản lý, có giải pháp hiệu quả trong việc quản lý tài chính, minh bạch trong thu chi, đặc biệt là tạo điều kiện cho VĐV, HLV bảo đảm được đời sống để chuyên tâm vào việc tập luyện và thi đấu. |
Theo Người Lao Động