Theo bản tin tình hình dịch COVID-19, ngày 30/4, cả nước ghi nhận 1.986 ca mắc COVID-19, tăng 94 ca so với ngày trước đó.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.561.848 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.841 ca nhiễm).

Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho thấy, ngày 29/4 có 654 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 10.622.127 ca.

Cả nước còn 62 bệnh nhân COVID-19 đang thở oxy, trong đó 56 ca thở oxy qua mặt nạ, 3 ca thở oxy dòng cao HFNC, 3 ca thở máy xâm lấn.

Trong ngày 30/4 ghi nhận 3 ca tử vong tại Bắc Giang 1 ca, Bình Dương 1 ca, Đồng Nai 1 ca. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 1 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.191 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Trong ngày 29/4 có 1.597 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.223.732 liều.

Ngày 30/4, ca mắc COVID-19 tăng trở lại, 3 ca bệnh tử vong-1
Biểu đồ tình hình dịch COVID-19. (Ảnh: Bộ Y tế)

Ngày 28/4, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các địa phương về tăng cường công tác phòng, chống dịch trước, trong, sau dịp nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, ngày 30/4-1/5.

Theo Bộ Y tế trong tháng 4/2023, một số bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm đã ghi nhận số mắc gia tăng mạnh so với 3 tháng đầu năm như COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Hiện nay hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 (kể cả ở những nước có sự lây nhiễm cao); cùng đó nhu cầu giao thương, du lịch của người dân sau 3 năm đại dịch gia tăng rất lớn (nhất là trong thời gian nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, ngày 30/4-1/5/2023 gây nguy cơ cao lây lan dịch bệnh truyền nhiễm.

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch trước, trong và sau dịp nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, ngày 30/4-1/5/2023, không để dịch bùng phát, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chú trọng triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao.

Có phương án cụ thể sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn trước, trong và sau thời gian nghỉ lễ; tổ chức thường trực phòng chống dịch tại tất cả các tuyến, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể…

Theo VTC