"Ngày tháng 10 chưa cười đã tối". Đồng hồ điểm số 8, Phong mở cửa phòng, bước vào nhà sau một ngày bận rộn. Hôm nay, Phong về sớm hơn thường nhật.

Từ khi phim tài liệu Đi tìm Phong được chiếu rộng rãi, cuộc sống của Phong cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. “Tui bị làm phiền nhiều quá mà tui đâu có thích nổi tiếng”, Phong nói, bằng giọng Quảng Ngãi. Sau câu nói là một nụ cười lúng liếng.

Người chuyển giới mãi mãi là người chuyển giới

Bữa tối của Phong là một gói mỳ tôm vứt lăn lóc trên bàn. Phong vẫn thường ăn uống qua loa như thế, có hôm chỉ một cốc nước lọc là xong, rồi đi ngủ. Từ ngày chia tay bạn trai, cô chẳng còn thiết ăn uống.

“Trước đây có hai người, tụi mình cũng chăm nấu ăn lắm, hôm nào mình về sớm thì mình nấu, không thì cùng nhau ăn ngoài. Nhưng giờ chỉ còn một mình, thế nào mà chẳng được”, Phong bộc bạch.

Ngày của Phong - cô gái từng mang hình hài nam giới và nỗi đau tạo hóa-1

Phong từng có một cuộc tình kéo dài 6 năm có lẻ. Hai người ở bên nhau những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ, vượt qua mọi rào cản, định kiến. Bạn trai không chỉ chấp nhận sự khác biệt của Phong mà còn ở bên cô trong những thời điểm khó khăn nhất. Nghĩ lại, Phong vẫn thầm cảm ơn.

Những tháng ngày sau ca phẫu thuật, anh ấy đã chăm sóc mình như một vú nuôi, như một người mẹ. Trong 6 năm yêu nhau, sự hạnh phúc kéo dài suốt 5 năm, ngày 20/10 nào cũng ở bên nhau, dành cho nhau những cái ôm, những nụ hôn, những lời mật ngọt. Khắp căn phòng này, đâu đâu cũng có kỷ niệm của hai đứa. Vậy mà…”, Phong nghẹn ngào.

Ngày của Phong - cô gái từng mang hình hài nam giới và nỗi đau tạo hóa-2

Vẫn còn yêu nhau, tại sao hai người lại chia tay? - Tôi hỏi Phong.

Thì mình là người chuyển giới mà. Chị Lê Duy nói đúng: Em là người chuyển giới thì mãi mãi vẫn là người chuyển giới. Mình đâu thể sinh con, làm tròn bổn phận như người phụ nữ bình thường được. Mình chủ động rút lui thôi, người ta là con một. Kể mà nhà người ta có hai người con trai, chắc mình cũng giữ cho bằng được”, Phong phân trần.

Nói lời chia tay, Phong biết thời gian tới sẽ là những tháng ngày cô đơn và dằn vặt. Nhưng cô chấp nhận. Phong hy vọng bạn trai cũ tìm được người phụ nữ phù hợp, sinh con đẻ cái và sống thật hạnh phúc. Về phần mình, Phong tạm thời chưa muốn yêu ai vì sợ lại đổ vỡ.

Ngày của Phong - cô gái từng mang hình hài nam giới và nỗi đau tạo hóa-3

Không có người đàn ông nào bên cạnh, để giới thiệu là 'của mình', buồn lắm chứ. Ừ, thì rồi cũng phải tìm một người đàn ông chấp nhận và yêu thương mình thật lòng. Nhưng hiện tại chắc chưa thể, mình sẽ cứ như thế này, gặm nhấm nỗi buồn thôi. Yêu, rồi thề non hẹn biển, rồi đổ vỡ, đứt gánh giữa đường lần nữa thì tội ghê lắm”, cô gái chuyển giới thổ lộ.

Phong khóc nhiều khi nhắc về chuyện tình "gục chết giữa ngàn khơi" (lời hát trong ca khúc Trò đùa của tạo hóa. Nhưng khóc ấy, rồi lại cười ngay. Người ta bảo người chuyển giới hay nghĩ đến cái chết, đến “mơ ước tự vẫn”. Nhưng Phong thì không. Ngay cả những lúc đau đớn, cùng cực nhất, Phong luôn thấy mình là người may mắn, hạnh phúc.

Ngày của Phong - cô gái từng mang hình hài nam giới và nỗi đau tạo hóa-4

Sáu năm nay, Phong đã thực sự trở thành con gái, cả trong tâm hồn lẫn hình thể. Thế nên, dù có chuyện buồn gì xảy ra, Phong vẫn là "con gái thật tuyệt”. Gạt đi nước mắt, Phong với tay tìm vỉ thuốc uống. Ngày nào Phong cũng uống thuốc, là thuốc tránh thai mà nhiều phụ nữ vẫn dùng. Nhưng với Phong, vỉ thuốc đó có tác dụng tăng tiết tố nữ, khiến da đẹp hơn, cơ thể nữ tính hơn. Phụ nữ mà, ai chẳng muốn đẹp!

Ngày của Phong - cô gái từng mang hình hài nam giới và nỗi đau tạo hóa-5

Phong thường uống thuốc vào lúc 10h đêm, vui buồn gì cũng không quên chuyện uống thuốc. Chẳng biết có phải do thuốc không mà Phong cũng dễ buồn ngủ. Cô thường thiếp đi như thế, khi nhịp sống ngoài kia vẫn ồn ào.

Phong khéo lắm, nhưng cũng hay làm nũng

Đều đặn ngày nào cũng vậy, Phong thức dậy vào trước 8h sáng. Nhiều người vẫn nghĩ người chuyển giới nữ mất nhiều thời gian trang điểm mỗi sáng để che đi những hạn chế, những góc cạnh còn nam tính trên gương mặt. Nhưng Phong khác. Phong gần như không trang điểm, và ăn mặc cũng rất giản dị.

"Mình quan niệm đơn giản là đẹp nhất, mẹ mình cũng nói vậy, hãy cứ để tự nhiên. Đâu phải cứ tô son trát phấn mới là con gái. Điều quan trọng là trong tâm hồn, mình luôn nghĩ mình là nữ. Mình ngại trang điểm lắm, đôi khi chỉ tô ít son môi, rồi tự chạy xe từ nhà trọ ở Giải Phóng lên cơ quan cạnh Hồ Gươm", Phong giãi bày.

Bữa sáng của Phong là một gói xôi 5.000 đồng. Cô đã ăn như vậy suốt gần 10 năm nay, từ khi chuyển ra Hà Nội học tập và làm việc. “Ăn như vậy cho tiết kiệm, chứ sáng nào cũng ăn bát phở 30.000 đồng lấy đâu ra tiền. Thân một mình, bao nhiêu thứ phải lo, đâu thể tiêu hoang được”, Phong ngồi một góc ăn hết gói xôi trước khi bắt đầu công việc của một ngày.

Ngày của Phong - cô gái từng mang hình hài nam giới và nỗi đau tạo hóa-6

Tại Nhà hát múa rối Thăng Long, Phong làm công việc của một họa sĩ. Buổi sáng, Phong làm việc với những con rối. Phong tô vẽ, trang điểm cho những “nhân vật” của mình, đầy say mê và tỉ mỉ. NSƯT Đức Hùng bảo cả nhà hát chỉ có mỗi Phong làm công việc đó. “Phong làm tốt lắm, khéo tay, vẽ rất đẹp, chỉ mỗi tội là hay than thở, nhưng là để làm nũng, để được mọi người chiều chuộng thôi”, Đức Hùng nhận xét.

Ngày của Phong - cô gái từng mang hình hài nam giới và nỗi đau tạo hóa-7

Mang ước mơ làm diễn viên, nhưng vì biết bản thân có nhiều khác biệt, Phong đã thi vào khoa Thiết kế Sân khấu của Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Sau khi ra trường, Phong xin vào làm tại Nhà hát, và gắn bó từ đó đến nay với những con rối, thế mà cũng đã gần 7 năm.

7 năm nay mình lủi thủi như thế này đó, ngồi một mình với những con rối. Công việc không nặng nhọc nhưng phải làm việc với sơn. Mình lại bị dị ứng với sơn, có lần nổi mề đay, ngứa mấy tháng. Mặt bị nám cũng là do sơn đấy. Mình sợ mùi ấy lắm, nhưng vẫn phải làm vì là công việc mà, bỏ sao được”, Phong cười

Ngày của Phong - cô gái từng mang hình hài nam giới và nỗi đau tạo hóa-8

Ở nhà hát, ai cũng bảo Phong hay cười. Hay cười lại có ngoại ngữ mà chỉ làm công việc sau hậu trường kể cũng phí. Thế nên, 4 tháng nay, Phong được nghệ sĩ Chu Lượng - Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long đồng ý để Phong cho làm lễ tân vào buổi chiều.

Công việc lễ tân của Phong kéo dài từ 3h chiều đến gần 9h tối. Phong mặc đồng phục nữ, trang điểm nhẹ nhàng. Cô cúi người chào khách, nói tiếng Anh, và nở những nụ cười. Với những khách đi muộn, Phong dẫn vào tận nơi. Sau buổi biểu diễn, Phong là người mở cửa, đứng tiễn khách ra về.

Ngày của Phong - cô gái từng mang hình hài nam giới và nỗi đau tạo hóa-9

Nhìn Phong thuần thục với công việc của mình, chẳng ai nghĩ đó là người chuyển giới, càng không thể nghĩ Phong từng mang thân hình nam giới.

Làm lễ tân mình thực sự được là con gái chứ không chỉ còn lủi thủi một mình như trước. Công việc cũng mang lại cho mình nhiều niềm vui, nhiều vị khách nước ngoài rất quý xin chụp ảnh, chắc vì thấy mình dễ thương. Có khách còn boa, nhưng mình không nhận”, Phong hào hứng.

Mới đây, Phong được tuyên dương tại nhà hát vì làm việc nhanh nhẹn và hiệu quả. Nhưng mọi người cũng nhắc nhở là nếu khách có boa thì cứ mạnh dạn nhận, không phải ngại. Sau khi có sự mở lời của lãnh đạo, Phong đã lần đầu vui vẻ nhận 100.000 đồng tiền boa của một vị khách Thái Lan.

Ngày của Phong - cô gái từng mang hình hài nam giới và nỗi đau tạo hóa-10

Phong bảo công việc lễ tân rất nhẹ nhàng, chỉ có mất nhiều thời gian. Cô gần như không thể thư thả ngồi cà phê, xem phim hay gặp gỡ bạn bè. Với những hoạt động của cộng đồng LGBT, Phong cũng chỉ tham gia được một vài hoạt động chính. Cuộc sống của Phong chủ yếu xoay quanh nhà hát và những đồng nghiệp.

Mọi người vẫn cứ nói vui vào nhà hát chỉ có ế vì đâu còn thời gian để đi tìm hiểu, yêu đương. Nhưng ai đã vào đây rồi cũng đều gắn bó và yêu thương nhau cả. Đặc biệt, đồng nghiệp rất cởi mở, từ xưa đến nay mọi người coi mình như một cô gái bình thường, chẳng bao giờ xa lánh hay kỳ thị”, cô gái chuyển giới nói.

Phong nói tốt về các đồng nghiệp, các đồng nghiệp nam cũng dành nhiều khen ngợi cho Phong. “Chị Phong cởi mở, hòa đồng nên mọi người đều yêu quý”, Hải - một đồng nghiệp của Phong chia sẻ. Trong khi, Dương, một đồng nghiệp nam khác khen Phong xinh và dễ thương.

Các đồng nghiệp của Phong chỉ tiếc là chưa thu xếp được thời gian để đi xem phim tài liệu Đi tìm Phong thì lịch chiếu tại Hà Nội đã hết. Mọi người đang đề nghị Phong nói chuyện với chị Thảo để chiếu riêng cho nhà hát một buổi. Dù đã quá rõ về Phong, các đồng nghiệp vẫn muốn được thấy sự thú vị của Phong trên màn ảnh.

Ngày của Phong - cô gái từng mang hình hài nam giới và nỗi đau tạo hóa-11

Phong coi các đồng nghiệp như người thân, còn nhà hát thì chẳng khác ngôi nhà thứ hai. Trong sâu thẳm trái tim mình, Phong vẫn thầm cảm ơn nhà hát vì đã chấp nhận và yêu thương cô. Phong khoe 20/10 năm nay, Phong đã được nhận quà của nhà hát, đúng nghĩa một phụ nữ Việt Nam.

Nguyện hy sinh 1/3 tuổi thọ cho ba mẹ

“Dạo này em nổi tiếng quá!”, nhiều đồng nghiệp và bạn bè vẫn nói với Phong như vậy. Vì Phong là nhân vật chính trong một bộ phim đang chiếu. Dạo gần đây, Phong còn xuất hiện trên khắp báo đài, "cứ mở mạng lại lại thấy Phong. Chẳng thế, Phong lại hay đi nước ngoài. Người ở quê bảo Phong giờ giàu lắm, đi đây đi đó suốt, chắc phải có tiền tỷ.

Ai cũng nghĩ mình giờ nổi tiếng và giàu có lắm. Kỳ thực đâu có phải. Người ta nổi tiếng trong phim điện ảnh đi đóng quảng cáo, sự kiện, chứ mình là người chuyển giới, đâu có những cái đó. Phong vẫn là Phong thôi, đi nước ngoài chủ yếu là liên hoan phim mời, chứ mình làm gì có tiền mà đi”, Phong tâm sự.

Lương của Phong “ba cọc ba đồng”. Phong bảo chỉ đủ trang trải cho cuộc sống, gần như còn không đủ tiền để thuốc men. Lịch làm việc ở nhà hát kín đặc, nên Phong cũng không có thời gian để làm thêm công việc khác tăng thu nhập.

Nhiều lúc đi làm về cũng mệt lắm, sức khỏe của mình lại yếu. Nhưng ngày mai vẫn phải đi làm vì không làm thì không có tiền. Mình đang thuê căn phòng 3.5 triệu đồng, sau khi bạn trai không ở đây nữa chắc mình sẽ tìm thêm một bạn nữ chuyển giới nữa đến ở để chia sẻ tiền phòng, cũng bớt nặng gánh hơn”, nhân vật chính trong Đi tìm Phong cho hay.

Nói về ước mơ hiện tại, Phong cho biết cô chỉ muốn về quê, sống bên ba mẹ. Phận làm con được chăm sóc ba mẹ lúc về già còn gì ý nghĩa hơn. Phong tự nhận bản thân chưa phụ dưỡng đấng sinh thành ngày nào nên cảm thấy rất có lỗi.

Nhưng công việc lại phải làm ở thành phố mà đồng lương thì không đủ để hỗ trợ cho ba mẹ. Sau này, khi tiết kiệm được chắc mình sẽ đi kinh doanh để có thêm nguồn thu, phụ giúp ba mẹ. Mong ngày đó không xa”, cô gái chuyển giới thành thật.

Nhưng đó chưa phải ước mơ lớn nhất của Phong, Phong bảo điều cô mong muốn, khát khao thành hiện thực nhất là ba mẹ ở quê được khỏe mạnh, có thể sống với con gái lâu hơn nữa. Ba Phong năm nay 93 tuổi, trong khi mẹ Phong tròn 80 mươi, Phong rất sợ một ngày không còn ba mẹ.

Ngày của Phong - cô gái từng mang hình hài nam giới và nỗi đau tạo hóa-12

- Tôi luôn nguyện san sẻ 1/3 tuổi thọ của mình để chia đều cho ba mẹ, mỗi người một nửa. Ba mẹ là người quan trọng nhất, và tôi mong điều ước ấy có thể thành hiện thực”.

Người ta bảo người chuyển giới đã bị giảm 10 năm tuổi, sao Phong còn sẵn sàng san sẻ 1/3 tuổi thọ đời mình?

- Cơ thể này là ba mẹ cho, vì ba mẹ, mình chẳng tiếc bất cứ điều gì. Mình không hy sinh ½ tuổi thọ, vì như vậy nhiều quá, khéo mình lại đi trước ba mẹ, khiến ba mẹ càng thêm đau khổ. Thế nên, mình chọn 1/3.

Theo zing