Khi ngồi lại và viết ra những dòng tâm sự này, chính bản thân tôi cũng không ngờ mình đã trải qua những năm tháng thanh xuân sóng gió như thế. Tôi kết hôn lần đầu tiên vào năm 22 tuổi, ngay sau khi vừa tốt nghiệp đại học. 

Ngày đó, tôi vẫn chưa sẵn sàng và đủ trải nghiệm để bước chân vào cuộc sống hôn nhân đâu. Nhưng vì hai đứa lỡ có bầu nên mới phải cưới gấp.

Vậy là khi vừa ra trường, tôi đã phải làm dâu con người ta. Mẹ chồng tôi là người rất truyền thống. Việc tôi có bầu trước khi cưới khiến bà cảm thấy không hài lòng. Thậm chí khi đồng ý để chúng tôi kết hôn, bà vẫn gọi tôi đến bảo thẳng:

“Bác nói thật là bác chưa muốn hai đứa cưới sớm vậy đâu. Nhưng con trai bác nó đã nhất quyết đòi lấy cháu bằng được thì bác đành phải chấp nhận”.

Những câu nói ấy đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Bởi đêm đó, tôi về kể với mẹ mà khóc nức nở. Mẹ tôi thương con gái, sợ lấy phải gia đình không thương con mình nên động viên:

“Bây giờ đã có cái gì đâu. Nhà mình còn chưa nhận gì từ họ. Con cứ suy nghĩ cho thật kỹ. Nếu không muốn cưới thì bố mẹ cũng không ép. Cùng lắm bố mẹ nuôi cháu là được”.

Nhưng nói vậy thôi, làm sao tôi có thể để bố mẹ mang tiếng là nhà có con gái chửa hoang được. Đến hôm cưới, vợ chồng tôi được bên ngoại trao cho 3 cây vàng. Còn phía nhà chồng thì chỉ trao mỗi cặp nhẫn là xong.

Nghĩ mà buồn, ai cũng thắc mắc bên nhà anh có mỗi đứa con trai mà không thể trao cái kiềng được hay sao? 

Ngày cưới, chồng cũ đội tóc giả lên tặng vợ cũ cặp nhẫn cưới năm xưa-1
Bài chia sẻ (Ảnh chụp màn hình)

Thấy người ta cứ xì xào quá, lúc đi mâm chúc rượu, mẹ chồng tôi cố ý bảo:

“Có phải mình hời hợt với con đâu. Chẳng qua là chúng nó đánh úp nên vợ chồng em không kịp chuẩn bị đấy. Mới vừa nhận bằng tháng trước, tháng sau đã vác cái bụng về xin cưới. Em tổ chức được như này là hết sức rồi, nhà bên đó có trách cũng chịu thôi”.

Tôi nghe mà chua xót, chỉ mong đừng đến tai bố mẹ kẻo ông bà lại phiền lòng. Suốt thời gian tôi mang thai, bố mẹ chồng gần như chẳng giúp gì cả.

Chồng thì làm IT nên bận tối ngày, đêm về vẫn ôm lấy cái máy tính làm việc. Hễ bảo anh phụ cái gì thì y như rằng một lúc sau, mẹ chồng lại lên phòng gõ cửa nói chuyện:

“Chồng nó đi làm cả ngày, đêm về còn kiếm việc làm thêm mà vẫn không tha cho nó à? Có bầu chứ phải bệnh sắp chết đâu mà không dậy nấu được bát cháo? Từ nay mẹ mà thấy con hành chồng kiểu này nữa là mẹ gọi về cho bố mẹ con dạy lại đấy”.

Sau hôm đấy, tôi chẳng dám nhờ cậy chồng gì nữa. Còn chồng tôi cũng ỷ lại vào mẹ luôn. Cứ nhờ cái gì là anh lại không làm, hoặc nếu có cũng hậm hực tỏ vẻ khó chịu.

Thế rồi gần đến ngày sinh. Bố mẹ tôi xót con nên cứ bảo đẻ dịch vụ ở mấy viện lớn. Tiền đắt hơn một chút nhưng được cái là mẹ khỏe con khỏe, được chăm sóc cẩn thận. Sợ nhà chồng tốn tiền, mẹ tôi còn bảo sẽ chi khoản đấy. Vậy mà nghe xong, mẹ chồng tôi bĩu môi:

“Làm cái gì mà phải bỏ ra mấy chục triệu để người ta chăm mình đẻ? Mẹ con có thừa tiền thì đi mà làm việc khác. Còn quan điểm của mẹ là cứ đẻ bình thường, người ta thế nào thì mình thế ấy. Có gì đâu mà phải kiểu cách, con nhà lính tính nhà quan”.

Tối ấy chồng tôi cũng khuyên can, bảo thôi cứ đẻ viện thường cho mẹ đỡ soi mói. Đẻ viện tư dù mẹ không chi đồng nào nhưng lại mang tiếng với thông gia. Hơn nữa đi đẻ mà mất mấy chục triệu thì cũng tốn kém thật. 

Chồng đã bảo thế rồi, tôi cũng đành nghe theo chứ trái ý thì cãi nhau thêm mệt ra. Đến hôm đi đẻ, tôi không đẻ thường được phải chuyển sang đẻ mổ.

Lúc bác sĩ đẩy từ phòng đẻ thường sang phòng đẻ mổ, mẹ tôi cuống quýt chạy theo cứ hỏi có sao không? Sau này khi đẻ xong tôi mới nghe kể, bà giận và trách vì tôi không chịu đẻ thường. Tốn thêm mấy triệu đẻ mổ mọi người ạ. 

Sinh xong, mẹ tôi xin phép thông gia để đưa mẹ con tôi về nhà ở cữ. Mẹ chồng không cho còn bảo làm thế hàng xóm rồi người ngoài nhìn vào họ lại đánh giá chê trách.

Mẹ tôi thương con lắm nhưng cũng chẳng biết phải làm thế nào. Bà cố ở lại chăm tôi 1 tháng rồi lại về nhà vì còn rất nhiều công việc bận rộn.

Những ngày sau đó là khoảng thời gian tôi mệt mỏi kinh khủng. Con thì quấy khóc, chồng chẳng bế cho thì thôi, cứ trách tôi không biết chăm con.

Mẹ chồng nói là ngủ cùng nhưng tối đến bà lại bịt tai ngủ. Có hôm tôi mệt quá, nhờ bà dậy bế cho một lúc để chợp mắt. Vậy mà vừa nằm chưa đầy 5 phút, mẹ chồng đã vỗ vai: “Dậy mà bế con đi, nó khóc váng hết cả đầu”.

Việc ăn uống cũng chẳng đâu đến đâu. Buổi sáng chồng tôi sẽ đi ăn ở ngoài. Còn bố mẹ chồng đã có thói quen không ăn sáng nhiều năm nay. Thành ra khi nói đến vấn đề ăn sáng, ông bà chẳng bao giờ nấu cho tôi bữa nào. Nếu tôi đặt về, mẹ chồng lại hỏi bóng gió:

“Sao con không dậy nấu ăn? Đặt kiểu này của một đồng công một nén, tính ra chắc bằng nhà mình ăn cả bữa”.

Thế rồi những lần sau tôi cũng ngại nên không dám đặt đồ ăn về nữa. Có một điều mà tôi không ngờ, đó là thời điểm đó, tôi đã mắc bệnh trầm cảm.

Ngày cưới, chồng cũ đội tóc giả lên tặng vợ cũ cặp nhẫn cưới năm xưa-2

Sáng ra một mình chăm con, một mình tự lo cơm nước giặt giũ. Mẹ chồng thì không giúp được gì, đã thế còn hay soi mói đủ đường. Dần dần, tôi bị ám ảnh đến mức sợ tiếng khóc của con.

Thậm chí có nhiều hôm, tôi để mặc cho con khóc trên giường. Bản thân thì cứ đờ đẫn ngồi dưới đất. Mẹ chồng đẩy cửa bước vào thấy thế liền mắng xối xả: “Làm mẹ cái kiểu gì đấy? Con nó khóc mà không biết đường bế lên à?”.

Câu nói đó cứ văng vẳng bên tai. Bữa ấy, tôi đọc được trên mạng về các dấu hiệu trầm cảm sau sinh và nhận ra mình có tất cả các biểu hiện đó. Sợ mình sẽ làm những chuyện không kiểm soát được, tôi quyết định gọi xe về nhà mẹ đẻ. 

Về nhà mẹ đẻ là lựa chọn đúng đắn nhất của tôi. Còn chồng thì thay vì ủng hộ vợ, anh lại gọi điện nói vợ không ra gì vì đã bỏ nhà đi.

Biết tình trạng của tôi, anh cũng chẳng thông cảm mà thay vào đó là chửi rủa nói tôi đang làm quá mọi chuyện. Như giọt nước tràn ly, khi ổn định hơn, tôi quyết định đơn phương ly hôn. 

Nói thật là việc ly hôn đối với tôi cũng không dễ dàng gì. Nhưng thà mang tiếng một đời chồng còn hơn là sống mòn trong ngôi nhà không có tình yêu thương đó. Tôi vẫn nhớ ngày ra tòa, chồng cũ nói với tôi một câu thế này:

“Em chỉ tự làm khổ mình thôi. Việc có cái gì đâu mà làm quá lên như thế. Để rồi xem, sau này em sẽ phải hối hận”.

Có điều người hối hận sau đó là anh chứ không phải tôi. Khi con cứng cáp hơn, tôi đi làm là bắt đầu lấy lại năng lượng vốn có. Tôi cũng quen được một người đàn ông tốt. Biết tôi đã từng kết hôn, từng ly hôn và hiện tại đang nuôi con trai nhỏ, anh vẫn muốn tôi cho cả hai một cơ hội. 

Thời gian đầu tôi chỉ nghĩ hai chúng tôi đến với nhau chóng vánh, khi nào chán thì bỏ. Nhưng rồi 4 năm trôi qua, anh vẫn như vậy, vẫn yêu thương con tôi và còn được con tôi gọi là bố.

Nhiều bữa thằng bé ốm sốt, tôi chỉ cần nhắn một tin rằng con lên cơn sốt rồi, dù nửa đêm anh cũng chạy sang để đưa vào viện. Sáng mai lại đi làm bình thường mà không than vãn câu nào. 

Tôi tự cảm thấy người đàn ông này đối với mình và con chân thành. Bởi ngay cả chồng cũ cũng chưa từng làm được điều đó với con cơ mà. Nhận ra đây là người mình có thể gửi gắm cả đời, tôi quyết định chấp nhận lời cầu hôn của anh. 

Đám cưới của chúng tôi được tổ chức khá đơn giản. Bởi tôi từng ly hôn rồi, tôi không muốn mọi người để ý quá nhiều. Chồng tôi cũng hiểu điều này. Anh chỉ có một yêu cầu duy nhất, đó là hôm cưới, để con trai tôi là người cầm nhẫn mang lên cho bố mẹ. 

Chuyện tình cờ là khi mời cưới một người bạn, cô ấy có hỏi tôi: "Cậu có mời chồng cũ không? Nghe nói anh ấy dạo này bị ung thư, đang điều trị đấy".

Ngày cưới, chồng cũ đội tóc giả lên tặng vợ cũ cặp nhẫn cưới năm xưa-3

Lâu nay chúng tôi cắt đứt liên lạc nên tôi không hề hay biết chuyện này. Chỉ có điều tháng nào anh cũng đều đặn gửi cho con 3 triệu vào tài khoản.

Sau đó cũng chẳng hỏi han gì. Không ngờ biến cố ấy lại ập đến với anh. Tôi nghe cũng thấy xót xa, nhưng bây giờ cả hai không còn gì, tôi không muốn mời anh đến để cả hai phải khó xử. 

Vậy mà vào ngày tôi cưới, chồng cũ cũng đội tóc giả đến. Anh trao cho chúng tôi cặp nhẫn cưới năm xưa. Chồng tôi thì không vấn đề gì, vì anh biết tôi đã chẳng còn vương vấn gì với người cũ.

Nhưng sau bữa đó, chồng cũ lại đề nghị tôi cho anh được nuôi con trong những ngày tháng cuối đời. Tôi nghĩ đến chuyện này mà băn khoăn quá. Theo mọi người, tôi có nên giao con cho đằng nội và chồng cũ đã từng làm những điều không tốt trong quá khứ với mình không? 

NQ
Theo VietNamnet