Thắt lòng nhìn người thân chịu đau
Trước tình trạng nhiều bệnh viện thiếu vật tư, trang thiết bị, hóa chất, đỉnh điểm là Bệnh viện ngoại khoa hàng đầu cả nước phải ngừng mổ phiên, dành ưu tiên cho các ca cấp cứu, bạn đọc Hoa Lúa chia sẻ với Dân trí: "Bình thường mình cũng không quan tâm lắm, đến khi người thân của mình đang nằm mòn mỏi chờ đợi đến lịch mổ, khối u to trong não ngày một to, có dấu hiệu chảy máu, đẩy lồi cả mắt mà lực bất tòng tâm.
Muốn được bác sĩ chuyên môn giỏi của bệnh viện tốt nhất cả nước về ngoại khoa phẫu thuật, muốn được hưởng bảo hiểm y tế vì kinh tế khó khăn và chi phí phẫu thuật lớn. Thậm chí chấp nhận một khoản phí dịch vụ mổ yêu cầu và mổ sớm cũng không thể sớm hơn được. Chờ đợi tháo gỡ sớm từ cấp trên để người dân được hưởng dịch vụ y tế công chất lượng".
Một trường hợp bệnh nhân cấp cứu được đưa vào Bệnh viện Việt Đức (Ảnh: Hồng Hải).
Một bác sĩ ngoại khoa tại Bệnh viện Việt Đức cũng chia sẻ, mấy hôm nay, anh bận rộn làm công tác tư tưởng cho người bệnh, trả lời thắc mắc của người bệnh.
Những câu hỏi như: "Bác sĩ ơi bố cháu đau quá rồi, chờ lâu quá rồi"; "Nhưng mà nhà cháu vay mượn mãi mới đủ tiền giờ lại phải hoãn hả bác"; "Để lâu thế có sao không bác" cũng khiến các bác sĩ thắt lòng.
Như trường hợp bệnh nhân ở Hải Dương cần thay khớp gối đang thắc mắc đã được nhập viện, chỉ chờ lên bàn mổ bỗng dưng phải dừng.
"Khó lắm, vì bác sĩ không thể tay không bắt giặc. Cỡ khớp gối cho người bệnh này đang bị hết, chỉ còn cỡ khác không phù hợp. Người bệnh buộc phải chờ đợi thêm", bác sĩ này nói.
Nhiều người bệnh bày tỏ, đau họ chịu được, nhưng vấn đề họ thắc mắc nhiều nhất, chờ như vậy, bệnh có nặng lên không?
Có khoa 19 ca mổ, duyệt... 6 ca
Ngày đầu Bệnh viện Việt Đức ngừng mổ phiên, danh sách duyệt mổ có sự thay đổi chóng mặt.
Có khoa theo lịch cho ngày 1/3 mổ 19 ca, bệnh viện duyệt 6 ca, bác sĩ cứ "dúi" thêm vào danh sách 4 ca nữa, nếu được duyệt bệnh nhân có cơ hội mổ sớm, giảm bớt đau đớn.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
"Đây là những ca bệnh nhân thoái hóa, chấn thương, không phải bệnh nặng diễn biến theo ngày, nguy kịch tính mạng nên phải tạm hoãn. Trong thời gian chờ đợi mổ, bác sĩ phải hướng dẫn người bệnh sử dụng nẹp, uống thuốc giảm đau, thuốc chống viêm... Nếu tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, thường tình trạng bệnh không nặng lên, chờ 3-4 tuần có thể chấp nhận được. Nhưng ngay cả bệnh này cũng không thể hoãn quá lâu được vì ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt, lao động, làm việc của họ. Ngoài ra, nếu không tuân thủ theo hướng dẫn, nhiều trường hợp bệnh diễn biến nặng lên, đến lúc mổ thay vì 1 tổn thương có thể xuất hiện 2-3 tổn thương", một bác sĩ phân tích.
Vì thế, trong tình cảnh bệnh viện cạn kiệt vật tư, hóa chất không thể thực hiện mổ phiên, phải chờ mổ, các bác sĩ hi vọng bệnh nhân có sự phối hợp chặt chẽ với bác sĩ, dùng thuốc, vận động theo hướng dẫn.
Ngoài ra, nhiều người bệnh thắc mắc, thiếu vật tư, hóa chất, họ tự mua vào để bác sĩ phẫu thuật được không? "Hàng thì đầy chợ nhưng không thể mang về bệnh viện, bởi làm như vậy là sai luật, vật tư, hóa chất phải được bệnh viện đấu thầu, bảo hiểm y tế mới chi trả", bác sĩ này nói.
"Rất may mắn, dù bệnh nhân phàn nàn nhưng đa số đều rất thông cảm. Những bệnh nhân có bảo hiểm y tế tư nhân, chúng tôi giới thiệu ra bệnh viện ngoài, nhưng nhiều bệnh nhân vẫn sẵn sàng chờ mổ", bác sĩ chia sẻ.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức chia sẻ, dù biết người bệnh quá thiệt thòi khi phải hoãn mổ, nhưng bác sĩ không thể tay không bắt giặc, không có vật tư, hóa chất, không thể phẫu thuật bằng... mồm.
Bệnh viện hiện vẫn đang nỗ lực, "cầu cứu" Bộ Y tế để triển khai đấu thầu, mua sắm vật tư tiêu hao, hóa chất... diễn ra thuận lợi và nhanh chóng thì sớm nhất cũng phải khoảng 1 tháng các hoạt động phẫu thuật của bệnh viện mới có thể trở lại bình thường.
Theo Dân trí