"Thuộc lòng" nghìn ngôi mộ trong nghĩa trang
Khu nghĩa trang nhân dân quận Hà Đông (Hà Nội) nằm gần con đường Nguyễn Thanh Bình đông đúc, nhộn nhịp luôn thấp thoáng dáng bà Nguyễn Thị Nhung (65 tuổi) với nước da sạm đen, len lỏi giữa hàng ngàn ngôi mộ.
Cách đây 20 năm, bà Nhung là công nhân nhà máy gạch nhưng do chuyển đổi, thất nghiệp nên bà xin vào làm tại nghĩa trang Hà Đông.
Ngày mới làm, bà luôn cảm thấy bất an, sợ sệt khi thường trực trong đầu ý nghĩ có người đang "nhìn" mình, quanh khu vực nghĩa trang ngày đó chỉ toàn cánh đồng, vắng người qua lại. Lâu dần, bà cảm thấy quen thuộc, gắn bó với công việc này.
Những ngày cuối năm, người dân tất bật sửa, lau dọn các phần mộ
Là người gắn bó với nghĩa trang mấy chục năm nên bà Nhung nắm rõ trong lòng bàn tay từng khu mộ, phần mộ, tên tuổi, quê của từng ngôi mộ. Chỉ cần gọi điện nhờ dọn dẹp ở khu nào, tên, tuổi là bà biết chính xác ngôi mộ nằm ở hàng thứ mấy, số bao nhiêu.
"Ai đi tìm mộ chỉ cần nói tên, tuổi là tôi biết ngay nằm ở đâu, kể cả ở khu mộ vô danh tôi cũng rõ như lòng bàn tay. Có những nhà 5-6 ngôi nằm rải rác khắp nghĩa trang nhưng chỉ cần nói tên là tôi biết", chỉ tay vào hàng nghìn ngôi mộ nằm san sát, bà Nhung kể.
Dù thời tiết Hà Nội những ngày giáp Tết đang trở rét buốt nhưng bà chỉ mặc bộ quần áo công nhân đơn sơ, trên tay cầm theo giẻ lau, can nước, cây chổi thoăn thoắt lau dọn từng ngôi mộ một cách tỉ mỉ, cẩn trọng.
Bà Nhung nắm rõ tên tuổi, vị trí gần 10.000 ngôi mộ ở nghĩa trang Hà Đông.
Mấy ngày nay, công việc của bà tất bật từ tờ mờ sáng đến tối mịt, nhiều lúc phải gọi con, cháu ra hỗ trợ việc lau chùi.
"Có hôm đi từ 4h sáng đến hơn 8h tối mới về đến nhà, trưa cũng chỉ tranh thủ ăn vội bát cơm rồi lại làm tiếp. Các chú nhìn đấy, ở đây cả mấy nghìn ngôi mộ mà lúc nào cũng tinh tươm, sạch sẽ", bà Nhung nói.
Công việc lau chùi, dọn dẹp những ngày giáp Tết của bà Nhung tất bật từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt.
Công việc mang nhiều ý nghĩa tâm linh
Bà tâm sự, công việc vất vả nhưng bù lại có thu nhập ổn định, đặc biệt vào tháng cuối năm có thể kiếm được 7-8 triệu đồng/tháng, còn các tháng khác dao động từ 5-6 triệu/tháng. Số tiền này chủ yếu của những người nhờ chăm sóc mộ chi trả.
Không chỉ chăm sóc đối với những ngôi mộ cho người thân ở xa không có dịp tới thăm thường xuyên, bà còn được nhờ mua hoa, trái cây, thắp hương giúp họ những ngày mùng một đầu tháng, ngày rằm hay ngày giỗ.
Khi có người nhờ chăm sóc cho mộ phần của gia đình họ bà đều sẵn lòng, tiền công mỗi ngôi là 50.000đ/tháng, cả năm là 600.000đ, có thể trả từng tháng hoặc trả theo quý, theo năm.
Bà Nhung bỏ hoa héo úa trước khi thay hoa mới. Bà chia sẻ, tháng Chạp hàng năm là bận nhất, sang tới tháng Giêng sẽ nhàn hơn còn tới tháng hai lại tất bận dọn dẹp để chuẩn bị Tết Thanh minh.
Khi được hỏi về nghề "chăm sóc" người cõi âm có thấy sợ không, bà cười xuề xòa: "Có gì đâu mà sợ, làm mãi rồi cũng quen, giờ không làm là thấy khó chịu, ngồi một chỗ không yên".
Bà chia sẻ, "chăm mộ" không chỉ là nghề kiếm tiền để có thể lo cho cuộc sống mà còn là một công việc mang nhiều ý nghĩa tâm linh.
"Có hôm lau dọn mộ chưa xong, tôi phải về vì đã muộn nhưng về nhà nằm trằn trọc mãi không ngủ được. Sau lần đó tôi rút kinh nghiệm đã dọn là phải xong mới được về.
Công việc tuy có phần vất vả nhưng tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tinh thần thoải mái. Mình làm việc cho người đã khuất xuất phát từ cái tâm nên các cụ phù hộ, độ trì mới được khỏe mạnh như này", bà chia sẻ.
Nhiều hôm, bà Nhung ra nghĩa trang từ 4h sáng và ra về khi trời đã tối mịt.
Đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt, chỉ trong ít phút bà Nhung đã trồng xong cây trong các phần mộ.
Tết đối với mọi người đang cận kề nhưng với bà lại rất xa, mấy chục năm qua, việc sắm Tết bà đều nhờ người thân, con cái làm giúp.
Đêm giao thừa năm nào bà về sớm cũng phải 22 giờ còn muộn thì 23 giờ, đến sáng mùng 2 Tết lại có mặt để lau dọn. Hầu như cả năm bà chỉ ở ngoài nghĩa trang, khi có đám hiếu, hỉ bà nhờ con, cháu đi hộ.
Điều khiến bà Nhung cảm thấy chạnh lòng nhất kể từ khi làm tại nghĩa trang tới nay là ngày mùng 1 Tết mọi người đến nhà nhau chúc những điều tốt đẹp nhưng bà lại không dám đến nhà ai. Bởi nhiều người còn quan niệm những người làm công việc "chăm mộ" đến nhà ngày đầu năm sẽ mang đến những điều không may mắn.
Công việc của ông Đạo tất bật vào những ngày giáp Tết.
Theo người quản trang ở nghĩa trang Hà Đông, nghĩa trang rộng gần 5ha, có gần 10.000 ngôi mộ, khoảng 4-5 năm trở lại đây nghĩa trang chỉ chôn cất những người mất đã được hỏa thiêu.
Chiều những ngày cuối năm, ông Nguyễn Văn Đạo (62 tuổi) lại tất bật cắt cỏ dại, thay bình hoa mới, lau bụi,... cho những phần mộ trong nghĩa trang Vạn Phúc (Hà Đông).
Lương hàng tháng của ông Đạo khoảng 3 triệu đồng, ông tâm niệm đây là việc tâm linh nên không đặt nặng vấn đề kinh tế.
Ông Đạo thay giỏ hoa cho các phần mộ.
Ông Đạo bắt đầu công việc này cách đây đã ba năm, ngày thường chỉ là trông coi, dọn dẹp cỏ 2 bên đường nhưng đến cuối năm lại tất bật từ sáng đến tối.
Làng Vạn Phúc có tục lệ ngày mùng 4 Tết ra thăm mộ nên ngày này nghĩa trang của làng hương, khói bốc nghi ngút.
"Ngày đấy khắp nghĩa trang như một rừng người, xe để chật kín đường, đây là tục lệ của làng. Hôm đấy, nếu thời tiết âm u còn cảm thấy khó thở vì hương đốt nhiều, khói không thoát được", ông Đạo kể.
Đối với ông Đạo, công việc quản trang là việc tâm linh nên ông không mang nặng về kinh tế.
Theo Dân Trí