Mòn mỏi chờ

Tối 17/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành chức năng liên quan, căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét, kiểm tra thông tin về việc trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam hoang tàn, đổ nát, tìm các giải pháp phù hợp với tình hình mới và có phương án xử lý tồn tại trước ngày 23/3.

Nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam bán bia, chở hàng để mưu sinh-1
NSND Trà Giang (giữa) cùng nhiều đồng nghiệp hội ngộ tại Lễ kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. NSND Trà Giang bày tỏ sự xót xa về câu chuyện của Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: FBNV.

Như bao đồng nghiệp, nghệ sĩ từng gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), biên kịch Tống Phương Dung chờ đợi vào phương án được đưa ra vào ngày 23/3.

“Chúng tôi không mong muốn gì nhiều, chỉ cần có việc làm, đảm bảo các chế độ cơ bản của người lao động. Trước mắt, tôi kỳ vọng các lãnh đạo, cơ quan có thẩm quyền xử lý dứt điểm chuyện cổ phần hóa đã kéo dài 6-7 năm ở Hãng phim truyện Việt Nam”, biên kịch Tống Phương Dung bày tỏ.

Nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam bán bia, chở hàng để mưu sinh-2Nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam bán bia, chở hàng để mưu sinh-3
Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam (Thuỵ Khuê, Hà Nội) xập xệ, hoang tàn.

Anh Nguyễn Việt Hùng gắn bó hàng chục năm với VFS ở vị trí quay phim mong mỏi những người trẻ đam mê điện ảnh sẽ tham gia vào quá trình khôi phục tên tuổi của hãng phim.

“Nhiều anh em nghệ sĩ, kỹ thuật viên vẫn tới địa chỉ số 4 Thuỵ Khuê thường xuyên, nhưng chỉ để giao lưu, trò chuyện. Đây là ngôi nhà thứ hai của chúng tôi. Hãng phim truyện Việt Nam là thương hiệu không thể phá bỏ”, anh Nguyễn Việt Hùng nói.

Nhân viên phòng quay phim Nguyễn Thành Bình gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam từ năm 1996. Nói về tình trạng hãng phim hiện tại, anh Bình khẳng định nhân sự của hãng vẫn đủ để đáp ứng các dự án phim từ khâu sáng tác, tiền kỳ, hậu kỳ dù hãng phim tê liệt, không hoạt động 7 năm nay.

Mong muốn duy nhất của anh và các nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên, kỹ thuật viên là hãng phim được phục hồi và phát triển trở lại.

“Chúng tôi mong muốn Chính phủ và các ban ngành xử lý quyết liệt, dứt điểm những gì đang tồn tại ở Hãng phim. Chỉ đạo của Thủ tướng chính là tín hiệu vui cho những người làm phim”, Nguyễn Thành Bình nói.

Chật vật mưu sinh

Biên kịch Tống Phương Dung kể rằng chị phải viết kịch bản cho các đơn vị làm phim bên ngoài từ 6-7 năm nay, vì không có thu nhập từ Hãng phim truyện Việt Nam.

“Việc cổ phần hãng phim không nhằm mục đích làm phim, nên các bên liên quan cũng buông tay, không có trách nhiệm gì với người lao động. Dù trên danh nghĩa vẫn là nhân viên của hãng nhưng chúng tôi không được hưởng bất cứ chế độ gì”, chị chia sẻ.

Nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam bán bia, chở hàng để mưu sinh-4Nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam bán bia, chở hàng để mưu sinh-5
"Đến Hẹn Lại Lên" (trái) và "Em Bé Hà Nội" là những tác phẩm điện ảnh được sản xuất trong giai đoạn hoàng kim của VFS.

Vụ việc cổ phần hóa khiến đời sống tinh thần lẫn vật chất của các cán bộ, nhân viên đảo lộn. Theo chia sẻ từ những nhân viên ở hãng phim, Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso) - đơn vị mua lại VFS từ 2017 từng đưa ra những quy định vô lý, gây ức chế.

Vivaso yêu cầu tất cả nhân viên phải có mặt tại hãng phim và chấm vân tay đủ 8giờ/ngày mới được hưởng lương. Do đặc thù của công việc làm phim, nhiều người cho rằng yêu cầu này là vô lý.

Quay phim Nguyễn Việt Hùng chua xót nhớ về thời điểm xảy ra lùm xùm cổ phần hóa. “Sau khi cổ phần hóa hãng phim, công việc của nhân viên trong hãng đình trệ hoàn toàn, mỗi người chạy một nơi. Ngoài việc chuyên môn, có thời điểm khó khăn tôi phải đi chở hàng thuê. Mặc dù vẫn được một số đơn vị bên ngoài thuê quay phim, nhưng đó chỉ là công việc thời vụ, không thể đảm bảo thu nhập”, anh Hùng kể.

Nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam bán bia, chở hàng để mưu sinh-6
Cán bộ nhân viên hãng phim thường xuyên họp mặt tại địa chỉ quen thuộc số 4 Thụy Khuê.

Anh Nguyễn Việt Hùng từng đề xuất với lãnh đạo hãng về việc phát hành phim trên YouTube, thúc đẩy công việc với các đối tác của VFS nhưng không được phản hồi. Dù vẫn là nhân viên của Hãng phim truyện Việt Nam, anh Hùng cùng nhiều cán bộ, nhân viên suốt mấy năm qua không có lương, không được đóng bảo hiểm.

“Anh em văn nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên, kỹ thuật viên của Hãng phim truyện Việt Nam phải tự bươn chải bằng thế mạnh của từng người. Người nhận làm các dự án phim với các đơn vị làm phim khác, người nhận viết kịch bản cho dự án phim, có người chuyển sang kinh doanh, bán hàng online, bán bia, chạy taxi, xe ôm... Miễn là kiếm sống và mỗi người đều nuôi hy vọng hãng sẽ hoạt động trở lại với đúng chức năng”, Nguyễn Thành Bình chia sẻ.

Nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam bán bia, chở hàng để mưu sinh-7
Quay phim Nguyễn Việt Hùng cộng tác với nhiều đơn vị làm phim, có lúc chấp nhận chở hàng thuê để có thu nhập. Ảnh: FBNV

Quay phim Nguyễn Thành Bình cũng phản ánh thực trạng Vivaso "nhăm nhe" vào hãng phim để cho thuê mặt bằng, hàng quán, bãi gửi xe, khoán đất cho các ai có khả năng khai thác.

"Trước khi cổ phần hóa, hãng phim đang có dự án phim đang trong quá trình chuẩn bị sản xuất. Khi cổ phần hóa, tất cả dự án đưa lên đều bị gạt đi và có những câu trả lời thiếu trách nhiệm, không giấu ý đồ mua lại hãng phim không để làm phim", anh Bình nói.

Nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam bán bia, chở hàng để mưu sinh-8
Quay phim Nguyễn Thành Bình trăn trở về việc cổ phần hóa hãng phim. Ảnh: NVCC.

Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) chính thức ra đời từ bộ phim truyện đầu tiên Chung Một Dòng Sông sản xuất năm 1959. Từ đây những tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng liên tiếp ra đời như: Vợ chồng A Phủ, Con Chim Vành Khuyên (1961), Chị Tư Hậu (1963), Nổi Gió (1966), Vĩ Tuyến 17 Ngày Và Đêm (1972), Đến Hẹn Lại Lên, Em Bé Hà Nội (1974),...

Nhiều nghệ sĩ tên tuổi như NSND Trà Giang, NSND Minh Châu, NSND Như Quỳnh, NSND Bùi Bài Bình, NSND Phương Thanh, NSƯT Vũ Đình Thân... trưởng thành từ các tác phẩm điện ảnh kinh điển do Hãng phim truyện Việt Nam.

Theo Tiền Phong