Trong cuộc gặp gỡ mới đây, nghệ sĩ Trung Dân đã có những chia sẻ thẳng thắn về mình và những gai góc trong nghề với phóng viên...

"Tôi làm nghề này, 10 người thương tôi thì cũng có 10 người ghét tôi"

- Thời gian qua, anh phải cũng gặp phải vài scandal không mong muốn. Khi bắt buộc phải đối diện và giải quyết những ồn ào như vậy, anh thường làm gì để cuộc sống riêng tư trở nên nhẹ nhàng hơn?

Showbiz có những người thích ồn ào nhưng cá nhân tôi thì không. Tôi đi làm xong chỉ muốn về nhà, nghỉ ngơi, giải trí vui vẻ với gia đình. Tôi hạn chế tối đa những thông tin cá nhân tới xã hội. Nếu hoàn cảnh nào đó bắt buộc phải cung cấp thì tôi mới làm.

Cuộc sống của tôi khá bình yên. Tôi không tham gia vào những chuyện không phải của mình và luôn nghĩ mọi điều là chuyện nhỏ.

Nói thế không có nghĩa là tôi sống không quan tâm tới người khác. Nhưng có những vấn đề chúng ta quan tâm, có những vấn đề không cần quan tâm.

Ví dụ như trên Facebook có một vấn đề gì đó, rất đông người bu lại nói, tôi cho đó là chuyện không được hay lắm. Thay vì đó, chúng ta nên dành sự quan tâm nhiều hơn tới những câu chuyện, vấn đề mang tính xã hội. Còn những câu chuyện mang tính cá nhân thì đừng đi theo nó.

- Qua nói chuyện, tôi cảm nhận anh là người chân thật và thẳng thắn. Điều này có khiến anh gặp khó khăn trong cuộc sống và làm nghề không, nhất là với sự phức tạp của showbiz Việt hiện nay?

Cuộc sống của tôi không thiếu khó khăn, không thiếu phức tạp nhưng tôi vượt qua được hết. Người ta nói "hữu xạ tự nhiên hương" hay "có phần không cần gì lo". Tôi cũng nghĩ vậy. Chuyện gì cần là tôi nói nếu nó có lợi ích. Mà lợi ích đó không chỉ của cá nhân tôi mà của nhóm người tôi cũng lên tiếng. Còn sự trả giá thì thiếu gì.

Tôi làm nghề này, 10 người thương tôi thì cũng có 10 người ghét tôi. Đó là khán giả, còn đối với đồng nghiệp thì cũng có 10 người thích và 11 người không thích.

Nghệ sĩ Trung Dân: 'Xuất bản cuốn sách này thì khi tôi qua đời, đám ma tôi vắng lắm!'-1
Nghệ sĩ Trung Dân tại nhà riêng.

Họ có nhiều lý do, đa số nằm trong phạm trù cá tính của con người hỉ nộ ái ố. Tôi không có thời gian đi so tính, tìm hiểu vì sao họ không thích mình. Tôi xem đó là phản ứng hết sức bình thường giống như chúng ta ăn cơm hàng ngày.

"Showbiz có những điều rất ghê gớm, mang danh nghệ sĩ nhưng hãm hại đồng nghiệp"

- Trò chuyện nhiều lần, tôi biết anh có phản ứng khá quyết liệt với những người nông dân, thương lái vì lợi nhuận mà bất chấp thủ đoạn kinh doanh, hại đồng loại bằng những thực phẩm bẩn. Nhưng tôi thấy trong showbiz còn có những chuyện ghê gớm hơn nhiều. Anh có nghĩ như vậy?

Tôi rất yêu quý nông dân. Tôi đã nhiều lần khuyến cáo họ vì tôi là họ và họ cũng là tôi. Nhưng đến lúc tôi cảm thấy bất lực, không thể cứ một chiều khuyến cáo mãi.

Người ta nói "thuốc đắng giã tật", đôi lúc mình phải phản ứng mạnh mẽ, thậm chí chống đối họ. Biết đâu việc mình chống đối sẽ khiến họ nghĩ lại mà không làm kiểu man trá đó.

Còn trong showbiz, có rất chuyện phức tạp và ghê gớm hơn cả những người nông dân, thương lái bất chấp lợi nhuận kia. Có những người mượn danh nghệ sĩ, có điều kiện gặp ông này bà kia, tổ chức này tổ chức kia để bênh vực quyền lợi nghệ sĩ nhưng lại lấy quyền lợi về cho cá nhân.

- Ngoài việc không ngại va chạm, thẳng thắn lên tiếng về những vấn đề gai góc của xã hội, anh còn đang viết truyện dài về những góc khuất đáng sợ trong nghề của mình và đồng nghiệp?

Tôi lấy tư liệu là những câu chuyện đã gặp trong cuộc sống, trong mấy chục năm làm nghề của mình. Câu chuyện này tới giờ vẫn chưa kết thúc được vì những dữ liệu về con người, biến cố tôi gặp ở trong cuộc sống phát sinh quá nhiều điều mới.

Ông K.S Stanislavski – nhà cách tân sân khấu vĩ đại của nước Nga nói rằng: "Sân khấu là thánh đường và các nghệ sĩ là ông vua bà chúa trên đó".

Khi bước vào thánh đường, chúng ta được yêu cầu rửa tay và ăn một miếng bánh thánh để tẩy trần. Thánh đường là nơi con người xưng tội và được gột rửa. Trước khi vào nhà hát, nghệ sĩ có thể cãi nhau, hằn học vì nồi cơm bát gạo nhưng khi bước lên sân khấu là bước vào thánh đường. Những gì nham nhở, bẩn thỉu của cuộc đời phải để lại bên ngoài.

Nghệ sĩ Trung Dân: 'Xuất bản cuốn sách này thì khi tôi qua đời, đám ma tôi vắng lắm!'-2
Trung Dân là một trong những nghệ sĩ rất mê đồ cũ. Tại nhà riêng, anh có một cái tủ trưng bày đầy đồ cũ mà anh sưu tầm.

Tôi xem câu nói đó là chân lý khi tôi còn thở và còn làm nghề này cho nên tôi viết: "Chuột ở thánh đường". Và tôi biết, nếu có nhà xuất bản nào chấp nhận xuất bản cuốn sách này thì khi tôi qua đời, đám ma tôi vắng lắm. Bởi vì tôi lột hết tất cả chiếc mặt nạ của những con người giả dối đó ra.

Showbiz có những điều rất ghê gớm, mang danh nghệ sĩ nhưng hãm hại đồng nghiệp một cách thủ đoạn. Họ là những con chuột cống trong cái rương nghệ thuật.

Phải giở cái rương đó ra, đập chết nó thì những bộ đồ của nghệ thuật mới không bị cắn lủng. Và khi người ta khoác những bộ đồ đó lên sân khấu thì mới đẹp đúng nghĩa. Trong câu chuyện "Chuột ở thánh đường" sẽ có hết.

Tất nhiên, người tốt cũng khá nhiều. Cuộc vật lộn để tồn tại, để đến với nghệ thuật đúng nghĩa là một tình yêu chân chính. Trong đó, tình yêu trai gái cũng rất đẹp.

- Chi tiết nào trong "showbiz" thu nhỏ ấy được anh thích nhất?

Có một chi tiết khi viết tôi rất thích. Anh chàng nhân vật chính rời bỏ nhà mình lúc vợ đang mang bầu. Khi anh ấy thành danh lại phải về chính quê vợ hát.

Đêm đó, bãi hát rộng lắm, trời trăng lưỡi liềm, anh ta hát xong không tẩy trang, đứng lấp ló sau tấm màn nhìn xuống bãi đất vắng hoe chỉ còn một người đàn bà ẵm đứa con nít nằm ngủ trên tay. Đó là vợ con anh ta.

Anh ta muốn bước xuống nhìn con mà không dám, vì anh ta đã trả cái giá quá đắt cho sự nổi tiếng, đó là phải ruồng bỏ vợ con mình để lấy con ông bầu thì mới được nâng lên làm kép chính. Nhưng con gái ông bầu lại lăng nhăng với một kép hát khác để lại cái thai rồi chạy. Vậy là anh ta phải làm quạ nuôi tu hú.

Nghệ sĩ Trung Dân: 'Xuất bản cuốn sách này thì khi tôi qua đời, đám ma tôi vắng lắm!'-3
Nghệ sĩ Trung Dân đang viết truyện dài "Chuột ở thánh đường". Trong cuốn truyện này, anh bóc trần mọi góc tối của showbiz nhưng cũng không thiếu yêu thương và những điều tốt đẹp.

Khi viết chi tiết này, tôi để hai hình ảnh đối lập: Mặt anh ta mới tẩy trang phân nửa. Bên này đời thật, bên kia còn là nhân vật trên sân khấu. Ngồi dưới kia là vợ con mình thật nhưng không dám nhận vì cô vợ là con ông bầu đang ngồi đếm tiền, không dám đi qua mặt.

Câu chuyện về nhân vật chính đó và những câu chuyện khác trong cuốn Chuột ở thánh đường đều là những người thật, việc thật tôi gặp trong cuộc sống, trong showbiz. Tôi chỉ thay tên và sử dụng những biện pháp văn học để kể câu chuyện sinh động hơn thôi.

 

Theo Trí Thức Trẻ