Ngày 22/3, Thái Trinh chia sẻ việc cô gặp bình luận nhạy cảm, bị đánh giá ngoại hình bằng lời nói đùa cợt khi đi quay game show.

Theo nữ ca sĩ, tình trạng quấy rối bằng lời nói, body shaming khá phổ biến ở ngoài đời lẫn mạng xã hội, đặc biệt với người nổi tiếng. Cô cho rằng đây là hành động đáng lên án.

Nhiều sao Việt như Hari Won, Tú Vi, Đại Nhân,… sau đó để lại bình luận ủng hộ dưới bài viết của Thái Trinh.

“Không chỉ trên mạng xã hội, cả ngoài đời, người ta thích tự cho mình quyền năng dùng ngôn từ thô bỉ dung tục để đùa cợt, tình dục hóa câu chữ nhằm thóa mạ người khác. Sàm sỡ bằng lời nói cũng vô đạo đức không kém hành động. Tôi tin đây không phải lần đầu các nữ nghệ sĩ trải qua điều này, thậm chí rất nhiều, mà không ai nghĩ mình nên lên tiếng", Thái Trinh viết.

Sự tổn thương đến từ đồng nghiệp, khán giả

Người mẫu, diễn viên Thiên Nga cho biết cô từng gặp tình huống tương tự Thái Trinh trong một lần quay phim cách đây hai năm. Thậm chí, chính mẹ cô khi đi cùng trợ giúp con gái cũng phải nghe những lời lẽ tiêu cực từ thành viên trong ê-kíp. Khi đó, Thiên Nga mới vào nghề nên chưa dám phản ứng hoặc chia sẻ vụ việc với công chúng.

Thiên Nga hồi tưởng: “Cách đây hai năm, tôi đi quay phim và phải thực hiện cảnh hành động, đấm đá. Một người phụ trách quay phim, ánh sáng bắt tôi kêu to lên, nhưng theo kiểu cười cợt, nhạy cảm. Lần khác, tôi đi quay game show cùng mẹ gặp tình huống tương tự. Họ bình luận không hay về thân hình tôi, khiến mẹ nghe xong rất sốc và buồn”.

Nghệ sĩ Việt bị quấy rối, xúc phạm ngoại hình-1
Thiên Nga thừa nhận rằng chuyện hứng chịu bình luận khiếm nhã rất phổ biến trong showbiz. Ảnh: Phương Lâm

Theo Thiên Nga, chuyện gặp những bình luận tiêu cực khi đi làm hoặc trên mạng xã hội rất thường xuyên, nhưng không phải ai cũng dũng cảm lên tiếng như Thái Trinh. “Tôi gặp nhiều người trong nghề vô duyên. Họ không phân biệt được giữa đùa cợt và xúc phạm. Trên mạng xã hội, chuyện này lại càng phổ biến. Nhận những bình luận như thế, tôi buồn, khó chịu và cảm thấy bị xúc phạm. Tôi thấy chị Thái Trinh rất dũng cảm khi chia sẻ câu chuyện”.

Nhiều ca sĩ, diễn viên khác cũng đối mặt với những lời lẽ phản cảm về ngoại hình hoặc đùa cợt chuyện nhạy cảm, đặc biệt trên mạng xã hội.

Orange thừa nhận cô tự ti, dù có nhiều ca khúc nổi tiếng, bởi thường xuyên hứng chịu bình luận tiêu cực. Cô chia sẻ: “Về ngoại hình, tôi vẫn phải nhận những bình luận ác ý. Tôi hay than thở, cảm thấy cuộc đời bất công. Nhiều khi tôi rất muốn ăn thua, cãi lại chủ nhân của những bình luận đó. Tuy nhiên, sau khi lồng lộn, tức giận rồi buồn bã bật khóc, tôi bình tĩnh suy nghĩ lại”.

 Hiền Hồ cho biết cô liên tục hứng chịu những bình luận, thậm chí tin nhắn cợt nhả, vào quãng cuối năm 2020.

Nữ ca sĩ phát biểu: “Trên mạng có nhiều thông tin trái chiều, tin đồn dao kéo, thẩm mỹ... Tôi biết mình giải thích thế nào, vẫn có người không muốn hiểu, không muốn tin. Những ai đã có thói quen chỉ trích đánh giá người khác, họ sẽ cứ tiêu cực như vậy. Thôi thì mỗi người một ý kiến riêng, nhưng chỉ mong mọi người đừng để sự phán xét, đánh giá của mình đi quá xa”.

"Tổn thương, áp lực bởi những bình luận khiếm nhã"

Thái Trinh, Hiền Hồ, Thiên Nga hay Orange thừa nhận họ tổn thương, thậm chí ám ảnh bởi những lời lẽ đùa cợt khiếm nhã.

“Hành động bạn cho là vui, nhưng đối với người khác, đó có thể là sự tổn thương lâu dài. Bản thân ai cũng chẳng lấy làm vui vẻ gì khi bị so sánh với người khác và còn bị mang ra làm trò cười. Tôi là tôi, bạn ấy là bạn ấy, mọi người không thể nào ép người khác trở thành một người khác nữa mà không phải họ. Chúng ta từng lên tiếng phản đối việc body shaming trong xã hội, nhưng thật buồn khi có những người vẫn mang ngoại hình người khác ra làm trò đùa. Hãy tôn trọng mỗi cá nhân, bởi chúng ta đều xứng đáng được như vậy”, Hiền Hồ nhấn mạnh.

Thái Trinh đưa ra quan điểm tương tự. Cô cho rằng phụ nữ cần lên tiếng để bảo vệ bản thân và lên án nạn body shaming, quấy rối bằng ngôn ngữ dung tục cả trong công việc lẫn trên mạng xã hội.

Nghệ sĩ Việt bị quấy rối, xúc phạm ngoại hình-2Nghệ sĩ Việt bị quấy rối, xúc phạm ngoại hình-3
Hiền Hồ và Thái Trinh lên án hành vi body shaming, quấy rối bằng lời nói. Ảnh: NVCC

Nữ ca sĩ nói: “Tôi thấy đây là vấn đề đáng bị lên án. Tôi không hiểu sao vẫn tồn tại việc mang ngoại hình người khác ra để giễu cợt. Những lời nói đó sẽ là áp lực kinh khủng với nghệ sĩ. Nhiều phụ nữ không có tâm lý vững vàng. Nhận lời chê bai, họ cũng tin mình không đẹp. Họ nghĩ bản thân sẽ không có nhiều cơ hội làm việc. Ở nước ngoài, không ít nghệ sĩ tự tử vì áp lực dư luận. Tôi nghĩ việc này cần bị loại trừ”.

Chuyên gia tâm lý, Thạc sĩ Giáo dục học Dạ Thảo cho biết bình phẩm ngoại hình hay bình luận dung tục, xoay quanh chuyện nhạy cảm đều là hành vi quấy rối, nhưng có mức độ nghiêm trọng khác nhau.

“Body shaming là những lời bình phẩm, phê phán, nhận xét tiêu cực về cơ thể của ai đó. Bình phẩm liên quan đến yếu tố nhạy cảm, chẳng hạn hành vi trong quan hệ tình dục, được xem là quấy rối tình dục. Cả hai đều là quấy rối”, chị Dạ Thảo trả lời.

“Bình phẩm ngoại hình hay về chuyện nhạy cảm nhắm tới một đối tượng cụ thể tại môi trường làm việc được gọi là hành vi quấy rối nơi công sở. Đã có bộ quy tắc ứng xử trong nơi làm việc của Bộ Thương binh và Xã hội, quy định rõ ràng hành vi được xếp vào quấy rối tình dục. Quấy rối tình dục bằng hành vi hay lời nói, dù nam hay nữ, đều dẫn đến tác động tinh thần, tâm lý và sức khỏe của cá nhân đó”, chuyên gia nói thêm.

Theo chuyên gia tâm lý, việc bị body shaming hay quấy rối tình dục bằng lời nói đều gây tác động tới tinh thần, sức khỏe, đặc biệt với người nổi tiếng.

Chị giải thích: “Các bạn diễn viên, ca sĩ làm việc trong lĩnh vực giải trí là con người, nên họ vẫn chịu tác động bởi những điều tiêu cực đó. Đặc biệt, những bạn càng nổi tiếng lại càng có lòng tự trọng cao. Nên khi đón nhận những lời nói như thế, họ có thể cảm thấy bị tác động tới giá trị. Thật ra, giá trị của họ vẫn vậy, không thay đổi gì. Nhưng họ cảm nhận mình bị xúc phạm, coi thường, trong khi lẽ ra cần được tôn trọng hơn”.

“Một số người cho rằng đó chỉ là những lời đùa vui và cổ xuý thêm. Điều đó khiến nghệ sĩ nhận thấy sự gia tăng và nếu họ không lên tiếng thì thiệt thòi. Nhưng nếu lên tiếng, họ có thể bị gièm pha, gặp ý kiến trái chiều. Làm việc trong môi trường này, liên tục gặp phải tình huống như thế và đấu tranh tư tưởng giữa việc lên tiếng hay không, họ càng bị áp lực lớn hơn nữa so với người bình thường”, chuyên gia cho kết luận.

Theo Zing