Ngôi nhà của gia đình bà Nụ
Giữa đêm tạt xăng đốt chồng
Khoảng 20h ngày 7/2/2015, người dân xóm Cả được phen giật mình hoảng hốt bởi tiếng kêu cứu thất thanh phát ra từ phía nhà bà Nguyễn Thị Nụ (72 tuổi, ngụ xóm Cả, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội). Không ai bảo ai, họ lao theo tiếng kêu cứu, phát hiện đó là tiếng kêu của ông Nguyễn Khắc Tuất (74 tuổi, chồng bà Nụ).
Qua khe cửa, mọi người nhìn thấy lửa bao trùm thân thể ông Tuất. Ông lão kêu gào thảm thiết, quằn quại đau đớn. Khi những người hàng xóm phá được cửa xông vào, nạn nhân đang nằm gục dưới nền nhà, mặt mũi méo mó, biến dạng, quần áo bị cháy đen.
Trong trạng thái đau đớn vì bị bỏng nặng, trước lúc lịm đi hôn mê, ông lão vẫn thều thào cố nói cho mọi người biết thủ phạm đã đốt mình chính là bà Nụ vợ ông.
Ông Lê Văn Hiệp, trưởng công an xã Cổ Đô cho hay: “Khi công an xã có mặt, bà Nụ không thấy đâu. Trước đó, người dân thông tin họ cũng không thấy bà Nụ. Kiểm tra một lượt, chúng tôi phát hiện cửa buồng khóa trái. Đoán rằng bà lão trốn bên trong, sau một hồi gọi không thấy mở cửa, công an phá cửa buồng. Dưới ánh đèn điện tù mù, thấy bà Nụ nằm bất tỉnh dưới nền nhà, bên cạnh là 3 vỉ thuốc ngủ đã được sử dụng hết”. Bà lão cùng nhanh chóng được đưa đi cấp cứu theo chồng.
Trong quá trình xác minh, thu thập thông tin, công an được biết, buổi chiều hôm xảy ra sự việc, ông Tuất đi ăn cỗ ở nhà con gái, bà Nụ ở nhà đã đi mua xăng với chủ đích giết chồng.
Đến tối, thấy chồng về, lợi dụng nạn nhân uống rượu mệt nằm nghỉ, bà Nụ đã hòa xăng và dầu ăn châm lửa đốt chồng.
Sau khi hồi tỉnh, khi làm việc với công an, ban đầu bà Nụ chối tội. Phải đến khi công bố lời khai của nạn nhân cùng những chứng cứ thu thập được, bà Nụ mới thừa nhận hành vi đốt chồng.
“Trước khi gây án, bà Nụ đã xé bốn tờ lịch xuống, viết thư tuyệt mệnh vào mặt sau, mang ra treo ở cổng, rồi vào nhà khóa cửa đốt chồng. Nội dung “thư tuyệt mệnh” đại loại tố chồng có quan hệ bất chính với con dâu, chuyện bà bị “vu oan” là bê bố chồng quẳng xuống giếng trước đây, nêu tỉ mỉ kế hoạch được bà định sẵn để gây án…
Dưới mỗi tờ lịch đều có chữ ký của bà. Bà lão viết “rất hận chồng và muốn giết ông rồi cũng tự tử chết theo””, Trưởng công an xã cho hay.
Hai vợ chồng cùng được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Bà Nụ được xuất viện trước. Từ ngày ra viện, bà Nụ sống khép kín hơn. Sợ người dân xung quanh xì xào bàn tán, bà trở nên e dè, ít ra khỏi nhà. Ngày ngày bà lão sống lặng lẽ, thu mình trong ngôi nhà bốn gian rộng rãi.
Trong lúc công an đang tiếp tục điều tra sự việc, sáng ngày 23/2, nhân lúc các con đi chăm cha ở bệnh viện, bà Nụ treo cổ tự vẫn.
“Bà Nụ chết, có người bảo rằng có lẽ bà biết chắc chắn với hành vi đốt chồng của mình, bà sẽ phải ngồi tù. Tuổi già mà phải vào chốn lao tù thì còn gì khổ hơn. Nhưng theo tôi, bà tự vẫn vì ân hận thì đúng hơn. Bà lão đã chọn cái chết để kết thúc mọi chuyện, quả là đáng tiếc”, trưởng công an xã trầm tư.
Bà Nụ bị nghi vấn là mắc bệnh hoang tưởng
Gây án vì mắc bệnh hoang tưởng?
Theo người nhà, vợ chồng ông Tuất lấy nhau được hơn 40 năm. Từ ngày về làm dâu, bà Nụ không được lòng gia đình nhà chồng. Trong mắt mọi người, bà Nụ là người khó tính, độc đoán, có lối sống kì dị, khó hiểu.
Sống với nhau bao năm, bà Nụ bị cho là thường xuyên “lấn át, chèn ép” chồng. Hồi ông còn tham gia công tác xã hội, hễ đi đâu cũng phải “trình báo” rõ ràng với bà thì mới được đi.
Kinh tế trong gia đình phần lớn bà Nụ “nắm quyền” quản lý. Rất nhiều hàng xóm xung quanh chứng kiến cảnh bà cấm con cái xem vô tuyến, cấm sử dụng điện. Hàng xóm có thắc mắc góp ý, bà Nụ bỏ ngoài tai hoặc “đề nghị các ông bà không xen vào chuyện gia đình tôi”.
Bà còn cấm chồng con giao lưu, tiếp xúc nhiều với người xung quanh. Lối sống “khác người” của bà Nụ thường xuyên là chủ đề bàn tán của người dân trong thôn xóm.
Thậm chí, người dân còn xì xào, rỉ tai nhau rằng, bà Nụ chính là kẻ quăng bố chồng xuống giếng.
Người thân nghi ngờ bà Nụ mắc chứng bệnh hoang tưởng, đã đưa đi chữa trị nhưng tình hình không có chuyển biến. Bệnh tình bà có phần nặng hơn khi bà Nụ nghi ngờ ông Tuất có quan hệ bất chính với con dâu.
“Bà ấy đối xử với chồng con, người xung quanh không ra gì rồi; đỉnh điểm là chuyện dựng đứng rằng “bố chồng con dâu tằng tịu với nhau”. Nếu như trước đây bà ấy nghĩ chồng con luôn hãm hại, bêu xấu mình; thì nay lại nghĩ ra chuyện tầm bậy này”, một hàng xóm nhận định.
Bà lão đã qua đời, nhưng người địa phương vẫn răn dạy con cháu rút kinh nghiệm sau vụ án đau lòng, có người thương, có người trách móc bà. Con ngõ nhỏ vào nhà bà Nụ vốn đã thưa thớt ít người qua lại, nay càng vắng vẻ, hiu hắt.
Bệnh ảo giác ở người già (Hallucination), đôi khi còn gọi là chứng ảo giác giác quan (Sensory hallucination), trong đó giác quan bị rối loạn, người trong cuộc tưởng như mình nghe thấy, nhìn thấy, cảm thấy những việc mà thực tế lại không có thật. Chính những ảo giác này làm họ lo lắng, sợ hãi và tìm cách đối phó hoặc chạy trốn.
Những người mắc bệnh ảo giác dễ sợ hãi, kích động, lo âu, thậm chí hoang tưởng nên rất nguy hiểm đến tính mạng vì vậy không nên để người già bị ảo giác sống cô đơn, một mình. Những người này cần được quan tâm chăm sóc về mọi mặt, kể cả ăn uống, thuốc thang cho đến những tình huống cần được cấp cứu gấp. Nếu cần có thể đưa những người này vào các trung tâm điều trị chuyên nghiệp hoặc được kiểm tra sức khỏe, cấp thuốc cũng như các khuyến cáo thường xuyên.
Theo PLVN