Theo thông báo của Bộ LĐTB-XH, về việc nghỉ lễ, tết năm 2019 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ được nghỉ tổng cộng 8 ngày dịp giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5.
Cụ thể, Giỗ tổ Hùng Vương năm 2019 rơi vào Chủ Nhật (14/4). Vì vậy người lao động sẽ được nghỉ bù 1 ngày vào thứ Hai (15/4).
Như vậy, cộng thêm ngày nghỉ cuối tuần là ngày thứ Bảy, công chức, viên chức được nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương 2019 tổng cộng 3 ngày, từ thứ Bảy (13/4) đến hết thứ Hai (15/4).
Lịch nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4, 1/5 của người lao động.
Đối với dịp lễ kỷ niệm Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5, công chức, viên chức nghỉ từ thứ Hai (29/4) đến hết thứ Tư (1/5); đi làm bù vào thứ Bảy (4/5). Như vậy, tính cả thứ Bảy, Chủ Nhật, dịp lễ 30/4, 1/5 được nghỉ 5 ngày.
Các cơ quan không thực hiện lịch nghỉ thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ phù hợp.
Bộ LĐTB-XH lưu ý, các cơ quan thực hiện lịch nghỉ trên cần bố trí sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, đảm bảo tốt công tác phục vụ nhân dân.
Như vậy, dịp này kỳ nghỉ của người lao động cũng kéo dài như kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Dịp Tết Kỷ Hợi người lao động được nghỉ 9 ngày, tính cả thứ Bảy, Chủ nhật.
Nghỉ Tết kéo dài là dịp đặc biệt nhất trong năm, song việc chi tiêu quá tốn kém của không ít gia đình giàu có Việt khiến giới truyền thông nước ngoài cũng phải giật mình.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu hoa, cây cảnh của Việt Nam phục vụ Tết Nguyên đán 2018 lên tới 18 triệu USD, nhiều đại gia sẵn sàng chi hàng tỷ đồng, hàng nhiều tỉ đồng để mua sắm, chơi Tết.
Phần lớn người tiêu dùng ở Việt Nam lên kế hoạch tăng chi tiêu trong suốt dịp Tết lên mức trung bình là 643 USD (tương đương 14,2 triệu đồng). Lượng chi tiêu cho vật dụng gia đình, đồ ăn thức uống hay trang thiết bị cá nhân như quần áo cũng tăng đột biến trong mỗi dịp nghỉ lễ.
Ðáng chú ý là người Việt Nam thường có tâm lý tiết kiệm trong năm nhưng lại sẵn sàng chi tiêu khá thoải mái vào các dịp đặc biệt như lễ, Tết. Ví dụ, năm 2015, GDP bình quân đầu người ước đạt 45,7 triệu đồng (tương đương 3,8 triệu đồng/tháng), mức thưởng Tết âm lịch trung bình khoảng 5,7 triệu đồng/người, nhưng mức chi tiêu Tết lên đến 14,2 triệu đồng trong một tháng Tết, cao hơn hai lần mức thưởng Tết trung bình và gấp gần bốn lần thu nhập trung bình hằng tháng của mỗi người.
Tới năm 2017, GDP bình quân đầu người ước đạt 53,5 triệu đồng (tương đương hơn 4,45 triệu đồng/tháng), mức thưởng Tết xấp xỉ đạt 4,9 triệu đồng/tháng (thấp hơn so với năm 2015 và bằng 96% so với năm 2016) song mức chi tiêu Tết tiếp tục giữ ở mức cao.
Theo Báo Đất Việt