Nghi lộ thông tin cá nhân vụ 'thầy giáo' gọi điện báo học sinh tai nạn

Đại diện Công an TPHCM cho rằng việc lộ, lọt thông tin có thể đến từ việc mua bán thông tin cá nhân.

Chiều 9/3, tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh và phục hồi kinh tế, phóng viên nêu vấn đề về nghi vấn ngành giáo dục để lộ, lọt thông tin cá nhân của phụ huynh và học sinh, tạo cơ hội cho kẻ xấu gọi điện thông báo con bị tai nạn để chiếm đoạt tài sản của các phụ huynh.

Trả lời vấn đề trên, ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - nói rằng, dữ liệu thực hiện trong công tác chuyển đổi số được thực hiện nghiêm ngặt theo quy định bảo mật.

“Sở Giáo dục đã ban hành quy chế phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị. Việc đăng nhập tài khoản được ghi nhận dấu vết trên hệ thống nên việc lộ lọt thông tin từ ngành giáo dục là không có”, ông Tấn Minh khẳng định.

Nghi lộ thông tin cá nhân vụ thầy giáo gọi điện báo học sinh tai nạn-1
Ông Hồ Tấn Minh khẳng định dữ liệu thông tin học sinh được quản lý chặt chẽ nên không thể lộ lọt.

Đối với các trường hợp phụ huynh bị gọi điện thoại lừa đảo, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đang phối hợp với nhà trường làm việc trực tiếp với phụ huynh học sinh để kiểm chứng thông tin.

“Bước đầu ghi nhận những thông tin cung cấp không đúng so với thông tin mà chúng tôi quản lý. Có học sinh học tới lớp 9 nhưng đối tượng lừa đảo thông báo trẻ đang học lớp 7.

Tuy vậy, phụ huynh vẫn tin khi nghe con mình đang cấp cứu. Có thể, lúc đó tâm thế hoảng loạn nên phụ huynh đã thực hiện việc chuyển tiền theo yêu cầu”, ông Tấn Minh cho hay.

Theo ông Minh, hiện nay, ngoài những kênh thông tin chung của trường, các phụ huynh còn lập các nhóm trên ứng dụng viber, zalo để thông tin với nhau. Thông tin học sinh hay đăng trên mạng xã hội dẫn đến một số vụ việc bị lộ lọt.

“Hiện trên cổng thông tin nhà trường có đường dây nóng. Chúng tôi đã yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục mầm non đến THPT, công khai để phụ huynh yên tâm, có kênh liên lạc khi cần thiết.

Liên quan đến vụ việc trên, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó phòng Tham mưu, Công an TPHCM - nhận định, tội phạm lừa đảo qua mạng máy tính, điện thoại hiện nay hoạt động rất tinh vi với hàng loạt thủ đoạn khác nhau.

“Việc học sinh bị lộ, lọt thông tin, có thể là do lỗ hổng bảo mật nhưng cũng có thể do các đối tượng tại trung tâm ngoại ngữ, khu vui chơi, khu ăn uống… thu thập và bán lại thông tin”, ông Hà nói.

Nghi lộ thông tin cá nhân vụ thầy giáo gọi điện báo học sinh tai nạn-2
Thượng tá Lê Mạnh Hà khuyến cáo cộng đồng nâng cao cảnh giác, xác minh cụ thể mọi thông tin liên quan đến con em mình.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, đối với các cơ quan quản lý nhà nước, việc sử dụng thông tin có quy chế chặt chẽ, đảm bảo an toàn nên tính bảo mật ở mức độ cao.

Tuy nhiên, để biết chính xác thông tin của phụ huynh và học sinh bị lộ lọt từ đâu cần phải chờ kết quả cụ thể trong quá trình điều tra.

Tính đến ngày 9/3, Công an TPHCM đã tiếp nhận 4 tin báo từ báo đài, cơ quan và 3 thông tin tố giác của người dân đến công an phường sau khi bị các đối tượng mạo danh giáo viên, nhân viên Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất điện thoại trực tiếp đến phụ huynh, thông báo học sinh bị tai nạn đang được nhập viện cấp cứu để chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn của nhóm lừa đảo là đánh vào tâm lý lo lắng của phụ huynh học sinh để yêu cầu bị hại chuyển khoản vào tài khoản do đối tượng cung cấp với lý do tạm ứng thanh toán viện phí, từ đó chiếm đoạt.

Ban Giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các quận, huyện và TP Thủ Đức khẩn trương rà soát, điều tra, truy xét đối tượng để xử lý.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/nghi-an-lo-thong-tin-ca-nhan-vu-thay-giao-goi-dien-bao-hoc-sinh-tai-nan-post1516243.tpo?fbclid=IwAR0hqTNmjYUdMHuHnjYK3WtraHQzHyABhCqE-Zp6tVugtyfYBi9aOpeNTfM

học sinh

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao