Ngày 5/8, cảnh sát Nhật Bản đã chính thức công bố danh tính nghi phạm đánh, dìm chết một thanh niên Việt Nam tại Osaka vào đêm 2/8. Cruz Cabrera Brian Alberto, 26 tuổi, quốc tịch Cộng hòa Dominica bị cáo buộc tội giết người.
Tuy nhiên, theo phía nhà chức trách Nhật Bản thông báo, Alberto chọn giải pháp im lặng và chỉ tuyên bố: "Tôi cần nói chuyện với luật sư trước". Theo luật, cảnh sát đất nước mặt trời mọc đang tiếp tục điều tra cũng như đảm bảo mọi quyền lợi cho nghi phạm người Dominica.
Hình ảnh nghi phạm (phải) tại hiện trường.
Hiến pháp và Bộ luật hình sự Nhật Bản cho phép nghi phạm có quyền im lặng. Điều 38 của Hiến pháp Nhật viết rằng: Không ai có thể bị ép đưa ra lời khai chống lại chính mình. Lời khai được đưa ra khi bị ép buộc, tra tấn hay đe dọa không thể dùng làm bằng chứng hợp lệ. Không ai có thể bị kết tội hoặc bị trừng phạt nếu bằng chứng duy nhất dùng để buộc tội là lời thú nhận của chính người đó.
Như vậy, dù nghi phạm có nhận tội hay không thì công tố viên vẫn phải trình ra bằng chứng để kết tội nghi phạm. Thực tế, Nhật có tỷ lệ kết án thành công là hơn 99%, theo BBC.
Vụ việc sẽ phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Nếu bị kết tội, Alberto sẽ bị xét xử ở đâu và đối mặt với bản án nào?
Cruz Cabrera Brian Alberto sẽ bị xét xử ở Nhật Bản
Do Nhật Bản và Việt Nam không có Công ước quốc tế về tương trợ tư pháp, nên vụ việc sẽ được xử lý theo pháp luật Nhật Bản. Tuy nhiên, Việt Nam có quyền được cử đoàn luật sư sang Nhật tham gia phiên tòa nhằm đảm bảo công bằng, công lý cho người bị hại.
Về phía Alberto, do nghi phạm đang bị cáo buộc thêm tội danh nhập cư bất hợp pháp, nên sẽ không được hưởng bất cứ quyền miễn trừ nào hoặc dẫn độ về Dominica để xét xử. Phía Dominica chỉ có thể bảo hộ công dân bằng cách hỗ trợ về mặt pháp lý nếu họ tin Alberto vô tội hoặc bị xử ép.
Nếu bị kết tội Alberto có phải đối mặt với án tử?
Theo luật pháp Nhật Bản, án tử hình dựa trên 9 tiêu chí: Mức độ tàn ác, động cơ, hành vi phạm tội thể hiện như thế nào (đặc biệt là cách nạn nhân bị giết), hậu quả (đặc biệt là số nạn nhân), cảm xúc của người nhà nạn nhân, tác động của tội ác đối với xã hội Nhật Bản, độ tuổi của hung thủ, tiền án tiền sự và mức độ hối hận của bị đơn.
Trong số 9 tiêu chí này, số lượng nạn nhân thiệt mạng là tiêu chí quan trọng nhất để áp dụng án tử hình.
Tội giết người tại Nhật Bản sẽ bị trừng phạt bằng một trong 3 phương án: án tử hình, tù chung thân kèm lao động hoặc án tù thời hạn không dưới 5 năm. Người bị kết án tù chung thân ở Nhật phải ngồi tù ít nhất 10 năm mới được xem xét khoan hồng.
Đó là lý do tại sao, hồi tháng 3 vừa qua, Tòa án tối cao Tokyo, Nhật Bản đã mở phiên tòa phúc thẩm cuối cùng (Giám đốc thẩm) xét xử theo đơn kháng cáo đối với bị cáo Shibuya Yasumasa - kẻ đã giết hại em Lê Thị Nhật Linh (9 tuổi) tại thành phố Mastudo, tỉnh Chiba vào ngày 24/3/2017.
Trước đó, vào 6/7/2018, Tòa án địa phương Chiba đã mở phiên tòa phúc thẩm và tuyên án tù chung thân đối với bị cáo Shibuya Yasumasa. Mặc dù bị tuyên án, nhưng bị cáo vẫn không thừa nhận tội.
Sau khi phiên phúc thẩm kết thúc, mặc dù tôn trọng pháp luật Nhật Bản, nhưng cha và mẹ của em Lê Thị Nhật Linh đã không đồng ý với phán quyết mức án tù chung thân, cho rằng mức án là bất hợp lý đối với hành vi dã man của bị cáo đối với trẻ em vị thành niên, nên gia đình tiếp tục kháng cáo lên Tòa án tối cao Tokyo.
Kể từ đó, trải qua 7 phiên tòa phúc thẩm, và đến cuối cùng là phiên tòa phúc thẩm vào ngày 23/3/2021, Tòa án tối cao vẫn giữ nguyên bản án của phiên tòa phúc thẩm đầu tiên là tuyên án bị cáo mức tù chung thân.
Tại cuộc họp báo diễn ra ngay sau khi phiên tòa phúc thẩm cuối cùng kết thúc, cha, mẹ của em Lê Thị Nhật Linh tiếp tục cho rằng đây là mức án không hợp lý. Bởi lẽ, hành vi dã man của bị cáo đối với trẻ nhỏ không có khả năng tự bảo vệ là tàn ác, và việc Tòa án cho rằng mục đích giết hại em Lê Thị Nhật Linh là không có chủ ý và chuẩn bị từ trước là hết sức phi lý.
Dù 2 vụ án khác nhau, nhưng có thể thấy nếu bị kết tội, nghi phạm Alberto chưa chắc đã bị tuyên án tử hình bởi tất cả đều phải chờ kết luận của Bồi thẩm đoàn về mức độ giết người của bị cáo dựa trên pháp luật Nhật Bản.
Theo Pháp Luật & Bạn Đọc