Mặc dù chưa có lịch nghỉ Tết chính thức, nhưng phương án 7 ngày dường như đã được quyết định. Nghe phong thanh vậy nhưng từ 1 tuần nay gia đình anh Nguyễn Văn Hải, chị Lê Thị Nhàn (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) đã tính toán về kỷ nghỉ Tết.

Anh Hải cho biết, khổ nhất là nhà anh lại một chốn mà bốn quê. Bố mẹ anh trong Quảng Bình, còn nhà vợ anh thì ở Phú Thọ, đấy là chưa kể quê ông bà nội, ông bà ngoại ở cách đó cả vài chục cây số. Vì nhiều quê nên cứ tới Tết là việc tính toán phân chia thời gian khiến vợ chồng anh rất căng thẳng và đau đầu.

“Biết là đi lại vất vả, nhưng cả năm mới có mấy ngày Tết, mình lại là con trai trưởng, không về không được. Nhiều khi vợ cứ kêu về mệt, rồi mỗi năm về một nơi thôi nhưng mình không đồng ý vì như vậy, ông bà sẽ không vui”, anh Hải nói.

nghi tet ngan, dau dau vi tranh cai ve noi hay di ngoai hinh anh 1
Hình minh họa

Còn chị Nhàn thì tâm sự: “Tết thì vui, lâu lâu được về quê thăm mọi người, nhưng nghỉ ít đi lại vất vả, ở nhà lại chẳng được bao nhiêu, về quê là tất bật cơm, cỗ chỉ ăn với rửa bát thôi là cũng hết ngày. Phận làm con dâu năm nào cũng cắm mặt vào bếp, thế nên thật sự mình chỉ mong không có Tết”.

Theo chị Nhàn, vợ chồng chị đã thống nhất  năm nay nếu nghỉ 7 ngày thì về quê Quảng Bình 3 ngày, 3 ngày lên Phú Thọ, còn 1 ngày thì ở Hà Nội để dọn dẹp nhà cửa. Dự định là vậy, nhưng còn tùy thuộc vào việc mua vé tàu xe. Nhà không có điều kiện, thường phải đi tàu xe ngoài nên cũng chẳng chủ động được thời gian.

Cùng chung cảnh ngộ, chị Đào Tuyết Hoa (Đống Đa, Hà Nội) cũng tỏ ra ái ngại khi nhắc tới Tết. Bố mẹ đẻ nhà chị thì ở Hà Nội, còn quê chồng ở tận Huế. Năm nào tới Tết vợ chồng con cái cũng lếch thếch về quê. Có năm đi đặt vé tàu cách cả 2-3 tháng (trước Tết) mà không được vợ chồng chị lại phải mua vé xe.

“Chồng lúc nào cũng bảo, nhà ngoại thì em ở suốt, nhà nội thì cả năm mới về một lần. Mình thì cũng chẳng vấn đề gì, chỉ thương con, đi lại vất vả mà nó mới được 2 tuổi. Như năm ngoài kéo nhau về, ra con ốm một trận rõ khổ. Bởi lẽ đó, năm nay nếu nghỉ dài 10 ngày thì mình sẽ về quê chồng 7 ngày, còn không, nếu chỉ nghỉ 7 ngày thì thôi mình quyết đấu tranh với chồng”, chị Hoa nói.  

Theo ông Trịnh Hòa Bình, Giám đốc trung tâm Điều tra, dư luận xã hội (Viện Xã hội học) thì việc nghỉ dài hay ngắn không quan trọng. Quan trọng là các gia đình sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, thăm người thân, du xuân một cách hợp lý. “Theo tôi không nhất thiết cứ phải về thăm quê vào dịp Tết. Trong năm Việt Nam cũng có rất nhiều ngày nghỉ dài, nếu gia đình nào có 1 chốn mà 4 quê thì nên chọn cách chia thời gian nghỉ ngơi một cách hợp lý. Ví dụ Tết dương về quê ngoại, Tết âm thì về quê nội. Tuy nhiên, sắp xếp thế nào thì sắp xếp nhưng đừng vì chuyện này mà vợ chồng xung đột, như vậy thì sẽ làm mất niềm vui lúc Tết đến, xuân về. Như vậy là không nên”, ông Bình tư vấn.

Theo Dân Việt