Nghỉ việc văn phòng 17 năm gắn bó, người vợ Việt mở nhà hàng cùng chồng Ý, khởi nghiệp ở tuổi 40

Cách đây 4 tháng, chị Thanh quyết định nghỉ công việc văn phòng từng gắn bó suốt 17 năm để thực hiện ước mơ mở nhà hàng cùng chồng.

Đó là bước ngoặt, là cuộc chơi mạo hiểm mà chỉ vài năm trước, khi chưa kết hôn, chị chưa từng nghĩ đến.

Nước Ý của Antonio "gói" trong tiệm ăn nhỏ Hà Nội

"Thật khó tin là giữa Hà Nội lại có một nơi bán đồ ăn Ý do chính người Ý nấu mà giá rẻ như thế"; "Đến một lần rồi nhớ mãi vì vợ chồng chủ quán rất thân thiện"; "Ai thích ăn pizza, spaghetti thì nên tới quán của chú Antonio nhé, đầu bếp Ý xịn nha"…

Đó là những lời khen có cánh của thực khách trên diễn đàn ẩm thực dành cho nhà hàng nhỏ của cặp đôi chồng Ý vợ Việt khá thú vị - chị Phan Thanh và anh Antonio Damiano. Tôi là một "con nghiện" spaghetti, nên khi đọc những dòng review trên, tôi bỗng thấy phấn khích lạ lùng, và cũng tò mò về cặp vợ chồng dám từ bỏ nhiều thứ để theo đuổi giấc mơ đem ẩm thực Italia đến với người Việt, nên tôi quyết định tìm đến quán vào một buổi chiều vắng khách.

Khi tôi đến, vợ chồng anh đang ngồi tỉ mẩn nhào bột, cắt sợi mì phơi sẵn, chuẩn bị cho ca phục vụ buổi tối. Antonio chào tôi bằng tiếng Anh đặc sệt giọng Ý, tay đầy bột trắng phớ vẫy vẫy tung trời. Người đàn ông tóc xoăn tít này thật mến khách.

Bạn của vợ chồng anh, cũng tên là Antonio đang ngồi gần chỗ bạn mình cán mì. Họ đùa nhau, chủ quán là Anto "number 1", còn kia là Anto "number 2". Trong khi hai người đàn ông huyên thuyên với nhau bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, chị Thanh nhỏ nhẻ trò chuyện với tôi, tỏ ra khá ngạc nhiên xen lẫn vui mừng khi biết rằng nhà hàng của vợ chồng chị đang được "bàn tán" trên mạng xã hội.


Antonio đang chuẩn bị mì tươi để nấu nướng cho khách vào chiều tối.


Anh tranh thủ phơi mì cắt nhỏ lên chiếc giá gỗ.


Những sợi mì được làm bằng sự tỉ mỉ , cầu kỳ của ông chủ quán sẽ biến thành món ăn ngon lành đượm vị Ý.

Chị nhỏ nhẻ kể: "Vì chung đam mê với đồ ăn Italia nên vợ chồng mình đã góp vốn cùng bạn bè để mở tiệm. Chồng mình vốn là đầu bếp, anh ấy đã từng có kinh nghiệm nấu các món ăn truyền thống quê hương anh suốt nhiều năm rồi, nên bọn mình quyết định mở nhà hàng Ý phục vụ theo khẩu vị người Việt.

Antonio là người rất kỹ tính và hơi "cực đoan" nữa, nên đồ ăn anh ấy làm luôn giữ trọn vẹn được hương vị và nấu đúng chuẩn nguyên liệu Ý, ví dụ như pasta, Fettuccine… là các loại mỳ đặc trưng, hoặc gia vị, nước sốt kiểu Ý. Nhiều vị khách tới đây ăn thường nói rằng họ thấy cái này ăn lạ lạ, cái kia ăn hơi khác so với chỗ họ từng thưởng thức. Thật ra vì mọi người quen mấy món ăn nhanh như pizza và spaghetti nên không biết, món Ý truyền thống thì khá cầu kỳ, phong phú hơn nhiều".


Vị khách nhí này là hàng xóm của chị Thanh, rất thích pizza thịt, chiều nào cậu bé cũng ghé qua, khiến những buổi chiều vắng vẻ ở nhà hàng trở nên ý nghĩa hơn.

Bắt đầu cuộc chơi mơ mộng ở tuổi 40

Cách đây 4 tháng, chị Thanh quyết định nghỉ công việc văn phòng từng gắn bó suốt 17 năm để thực hiện ước mơ mở nhà hàng cùng chồng. Đó là bước ngoặt lớn lao mà mới chỉ vài năm trước khi kết hôn, chị chưa từng nghĩ đến. Kết hôn muộn, khi gần bước đến ngưỡng 40, chị Thanh bảo, gặp và cưới anh Antonio là cái duyên định mệnh.

Họ quen nhau qua facebook, một thời gian sau Antonio tới Việt Nam. Họ gặp nhau lần đầu tiên ở một nơi có tên là Little Hanoi, và anh đã mượn bếp để tự tay nấu món mì Ý tươi cho chị ngay tại đó. Sau đấy, họ về chung một nhà.

Antonio định cư hẳn ở Việt Nam, anh rất thích những buổi sáng cùng vợ làm việc nhà, ngắm hoa lá xinh đẹp quanh căn hộ của họ ở Tam Trinh, và chơi cùng cô con gái 2 tuổi rưỡi dễ thương như thiên thần.


Nhà hàng nho nhỏ của anh chị, phần là đam mê, phần là thực hiện ước mong đem văn hóa ẩm thực châu Âu đến gần hơn với người Việt.

Khởi nghiệp ở tuổi 40 bằng một nhà hàng nho nhỏ, chỉ nấu món Ý đúng chuẩn châu Âu - điều mà anh chị nói thẳng, chưa thấy ở Hà Nội, dường như không phải là thử thách nữa, mà là một cuộc phiêu lưu của những người mộng mơ.

Vừa ngắm chồng nhào bột với ánh mắt âu yếm, chị Thanh vừa bảo, đó quả thực là một quyết định liều lĩnh. Chị khoe, anh chị mất 2 tháng để chuẩn bị mở nhà hàng, từ việc thiết kế, mua sắm đồ đạc, sắp xếp, nhập nguyên liệu từ Ý… một tay anh chị chuẩn bị hết. Có vài trăm triệu làm vốn, họ đổ cả vào để cho ra đời nhà hàng này.


Những góc nhỏ xinh xắn đậm phong vị nước Ý.

Ngày "đứa con tinh thần" ra mắt, biết bao nhiêu là sự cố. "Chỉ 2 hôm trước giờ G, vợ chồng mình mới nhớ ra chưa có menu nên vội vàng ghi chép rồi đi in ấn các kiểu. Đến ngày mở cửa đón khách mới vác tủ lạnh về trữ đồ. Hôm ấy đúng đợt nóng, mà còn quên chưa lắp điều hòa. Khốn khổ hơn, có hôm đang đông khách, cả chủ lẫn "bồi bàn" đều cuống cả lên, mà đang nấu thì… bếp hết gas, hai vợ chồng phải xin lỗi khách rối rít.

Nói chung là mọi thứ cứ chộn rộn hết cả lên, có những buổi đông nghẹt, bàn chỉ có vài cái mà số lượng khách thì tận… 90 người, không nhớ nổi mình đã phục vụ họ thế nào, đứng bếp cả ngày luôn. Chỉ có mỗi 2 vợ chồng phụ trách nấu nướng, phải căng sức lên để tập trung trong bếp, nhiều khi nhầm lẫn order của khách vì quá đông. Khách phàn nàn vì phải chờ lâu, rồi món ăn không hợp khẩu vị... tất cả mình đều nhớ hết, họ không hài lòng mình cũng thấy rất buồn, nhưng nhờ họ mà vợ chồng mình cố gắng nỗ lực nhiều hơn".


Vợ chồng chị Thanh đã rất vất vả bận rộn để vừa quản lý kinh doanh vừa trực tiếp nấu nướng.

Từ khi mở nhà hàng, về nhà là cả hai mệt lăn ra. Con gái đã ngủ từ lâu nhưng cứ nghe tiếng bố mẹ về khuya là bật dậy chúc ngủ ngon. Mình bận rộn ngập đầu nên không chơi với con, trò chuyện với con nhiều như trước, thương bé lắm, cảm giác như mình đã đánh đổi quá nhiều để dồn tâm huyết cho nhà hàng" - khóe mắt chị Thanh ươn ướt, đôi mắt chớm hằn những nếp nhăn tuổi tác sau gọng kính nhỏ bỗng đỏ hoe khi nhắc đến con. Làm cha mẹ rồi mới hiểu được cảm giác, để ổn định cuộc sống gia đình, phải trải qua vô vàn khó khăn, thậm chí là cả mất mát, không có thời gian gần gũi với con cái.

Mà đâu chỉ thế đã xong. Trước mỗi người mỗi việc chẳng sao, giờ dồn về một mối, gặp nhau suốt ngày, vợ chồng chị còn cãi nhau không ít lần vì bất đồng quan điểm. Chị Thanh "nói xấu" chồng, mách rằng Antonio vừa bảo thủ vừa khó tính khi làm đồ ăn, anh cũng mắc cái tật "hóng" chuyện lan man với khách khứa bạn bè, làm việc nọ xọ việc kia, nên lắm khi chị cứ phải tất tả theo sau dọn dẹp, chuẩn bị nguyên liệu.


Vì anh chồng Tây nên chị Thanh đã học nấu và tập ăn khá nhiều món Ý.

Có lẽ, Antonio cũng cảm ơn người vợ tần tảo của mình rất nhiều, bởi không có chị phụ bếp, chắc anh cũng không có nổi 10 phần cảm hứng để nấu nướng. Bởi, "nói xấu" chồng là vậy, nhưng nhìn ánh mắt, nụ cười và những câu đùa họ chòng ghẹo nhau trong căn bếp nhỏ, có thể thấy, họ yêu nhau và yêu cái tiệm ăn của mình đến nhường nào. Thỉnh thoảng, khi đang tất tả nấu đồ ăn cho khách, Antonio lại quay ra tặng vợ một nụ hôn kiểu Ý. Phía sau bàn bếp là thế giới riêng của họ, ấm áp, ngọt ngào.


Bạn bè, thực khách đến ăn đều trò chuyện với ông chủ tiệm thân thiết như người nhà.

Cặp đôi này, vẻ ngoài chẳng có gì hấp dẫn, anh thì đã 63, chị thì ngót 40, nhưng chẳng hiểu sao có sức cuốn hút rất lạ. Antonio lúc nào cũng trẻ trung vui tính, đôi khi hơi "hâm" và có những triết lí riêng về ẩm thực mà chỉ vợ anh mới hiểu được. Còn Thanh, người phụ nữ mới vài tháng trước còn là một nhân viên văn phòng, hài lòng với việc nhận lương cơ quan, tan sở về chăm nàng con gái bé bỏng, hẳn say mê và tin tưởng chồng lắm mới quyết tâm khởi nghiệp cùng anh. 


Dù biết trước con đường kinh doanh tự túc còn nhiều gian nan...


... nhưng vợ chồng chị Thanh vẫn bên nhau hạnh phúc, vì đó cũng là niềm đam mê chung của họ.

Trong lúc chị Thanh tâm sự với tôi, thì Anto "number 1" và Anto "number 2" đã cùng nhau xắt được cả đống mì tươi và mài thêm mấy miếng phomai. Trời nhập nhoạng tối. Dòng chữ tên nhà hàng bật sáng ngay trên tường bếp, đỏ rực mang nghĩa rất đơn giản: bếp lò, mà như chị Thanh giải thích, nó rất truyền thống trong cách nấu nướng của người Ý.

Tôi ra về, giai điệu quyến rũ của những bản nhạc khe khẽ vang lên bằng thứ tiếng Latinh lạ tai vẫn quấn quýt quanh tai. Antonio xách ghế ra cửa quán ngồi hóng gió chiều, ngắm hoàng hôn và nhấm nháp miếng pizza giòn rụm vừa ra lò, còn chị Thanh tựa cửa ngắm chồng. Tôi chẳng biết nơi này có thân thuộc với Antonio nhiều như nước Ý xa xôi, có chút nào giống với một góc phố ở quê nhà anh không, nhưng chắc chắn, nó là tình yêu và tâm huyết của chị Thanh. Nếu không, ai mà dại khởi sự một cuộc chơi, ở cái tuổi 40 đầy chông chênh ấy chứ?

Theo Trí Thức Trẻ


chồng Tây vợ Việt câu chuyện tình yêu Nhà hàng

Tin tức mới nhất