Sau khi làm lễ, người dân mang xô, chậu đựng cá ra bờ sông Sài Gòn thả xuống. Các loài cá được mua ngay lại cổng chùa với giá tư 50 - 100 ngàn/kg.
Cá phóng sinh chủ yếu là cá nhỏ, cá giống. Các loài cá trê, diêu hồng, chép, lóc, lươn và ba ba con được thả xuống sông rất nhiều.
Có nhiều người còn mua cá to ngoài chợ và thuê xe đem vào chùa phóng sinh.
Tuy nhiên nghịch lý là những con cá vừa được thả xuống nước, chưa kịp bơi ra xa thì bị "đội quân bắt cá" dùng kích điện vớt cá lên thuyền. Có khoảng 4 thuyền, mỗi thuyền ít nhất 2 người tham gia vào việc này.
Do cá mới thả chưa bơi đi xa được, chỉ men ở bờ nên những người này chỉ đi sát bờ sông và leo lên cả bờ để vớt cá.
Việc bắt cá phóng sinh hoàn toàn công khai. Người bắt không ngại ngùng tiến sát bờ nơi người thả cá đang phóng sinh. Anh Tuấn (áo trắng, Q.Gò Vấp) cho biết rất bức xúc nhưng chỉ biết ngồi nhìn ngán ngẩm mà không thể làm được gì.
Nhiều người chọn giải pháp thuê ghe ra giữa dòng để thả cá.
Anh Nguyễn Văn Nam (Q.Bình Thạnh) chia sẻ: "Tôi thấy xót xa khi cá vừa kịp vùng vẫy trong nước đã bị kích điện hớt lên. Hy vọng ra giữa dòng thì chúng sẽ tản ra và bơi nhanh hơn để không bị bắt lại".
Dù vậy, đội quân vớt cá vẫn chạy xuồng ra giữa sông vớt cá, dù không thể vớt được nhiều như ở ven bờ.
Mỗi làn chiếc vợt có kích điện lùa theo dòng nước đều hớt được rất nhiều cá.
Em Lê Anh Trí (8 tuổi) cho biết: "Em theo anh đi vớt cá, mỗi năm chỉ có một lần để kiếm thêm thu nhập. Cứ khoảng 20 phút là đầy thuyền cá".
Được biết, những số cá này dùng để nuôi, ăn nhưng chủ yếu là bán lại cho những người khác đến phóng sinh.
Càng về trưa, "đội quân vớt cá" phóng sinh càng nhiều và không tỏ ra ngại ngần khi tiến sát bờ chờ đợi để vớt.
Ngoài ra, nhiều người cũng phóng sinh cả chim. Và những con chim này cũng bị người khác dùng bẫy bắt lại để bán cho người khác.
Theo Trí thức trẻ