Tại cuộc họp báo với Sở Y tế TP.HCM trưa 25/6, Zing đã đặt câu hỏi về việc thành phố sẽ có giải pháp kỹ thuật như thế nào để hạn chế đám đông không đảm bảo giãn cách khi tổ chức tiêm vaccine.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh thừa nhận công tác triển khai tiêm vaccine những ngày đầu có chuệch choạc. Còn Phó giám đốc Sở TT&TT cho rằng TP rất cần sự hợp tác của người dân trong việc triển khai tiêm vaccine.
Địa điểm tiêm vaccine quá tải
Theo ghi nhận của phóng viên, việc tổ chức cho người dân đến tiêm vaccine Covid-19 tại nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11, TP.HCM) đã xuất hiện nguy cơ lây lan dịch khi hàng nghìn người tập trung đông, không đảm bảo khoảng cách an toàn 1,5 m.
"Bên ngoài người dân đang chờ rất đông, yêu cầu phía bên trong tiêm nhanh lên", một cán bộ gọi lớn vào trong nhà thi đấu Phú Thọ. Tiếng gọi có phần mệt lả được phóng viên ghi nhận trưa 24/6.
Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm không đơn giản, bởi ùn tắc có thể xuất hiện ở cả 2 vị trí: Những người xếp hàng chờ vào tiêm vaccine và những người ngồi theo dõi sức khỏe 30 phút sau tiêm. Phóng viên chứng kiến nhiều người tiêm xong không có ghế, phải ngồi bệt xuống mặt sân của nhà thi đấu.
Nhà thi đấu Phú Thọ mỗi ngày đón tiếp được 8.000 người đến tiêm vaccine. Đây là điểm tiêm vaccine Covid-19 có công suất lớn nhất của TP.
Đám đông ở nhà thi đấu Phú Thọ tăng nhanh và giải tán chậm do người dân còn phải ngồi theo dõi sức khỏe sau tiêm.
"Về vấn đề tại nhà thi đấu Phú Thọ, tôi đã có phản ánh với Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM. Sáng 25/6, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đã đến nhà thi đấu để đánh giá tình hình", ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP, chia sẻ với báo chí.
Việc người dân đến tập trung quá đông tại nhà thi đấu này, UBND TP.HCM đã trao đổi với UBND quận 11 để điều phối cho phù hợp.
Bài toán gặp nhiều vẫn chưa có lời giải
Theo ghi nhận của phóng viên, việc tạo ra đám đông "bất đắc dĩ" khi triển khai chống dịch là một nghịch lý đã xuất hiện ở TP.HCM trong rất nhiều tình huống cụ thể.
Một tình huống được ghi nhận từ cuối tháng 4, khi sân bay Tân Sơn Nhất để hàng trăm hành khách ùn ứ trước cửa soi chiếu. Yêu cầu kiểm tra tờ khai y tế của từng hành khách đã khiến họ phải đứng san sát nhau giữa lúc nguy cơ dịch vẫn hiện hữu.
Thời điểm đó, PGS.TS. Trần Đắc Phu nhận định việc giữ khoảng cách ở sân bay còn quan trọng hơn khai báo y tế, bởi khai báo y tế chỉ có tác dụng truy vết hoặc sàng lọc những người có nguy cơ, còn giữ khoảng cách mới giúp ngăn ngừa khả năng lây nhiễm.
Khi dịch bệnh bùng lên ở quận Gò vấp cuối tháng 5, chốt chống dịch mọc lên ở các trục giao thông huyết mạch ra vào quận cũng tạo ra các đám đông đứng ngồi san sát trước hàng rào. Lực lượng chức năng quận Gò Vấp đã phải "xả chốt" rất nhiều lần vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm khi tập trung đông người.
Ngày 5/6, khi tác nghiệp tại điểm xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Trung tâm Văn hóa Gò Vấp, phóng viên tiếp tục chứng kiến cảnh người dân ùn ùn kéo đến lấy mẫu xét nghiệm vào lúc 17h. Họ đứng sát nhau trên vỉa hè, xe máy đỗ la liệt.
Hàng nghìn người dân xếp hàng chật kín ở tất cả lối vào nhà thi đấu Phú Thọ để chờ tiêm vaccine Covid-19 hôm 24/6.
"Cô chú quay về đi ạ, 19h quay lại", một chiến sĩ dân quân tự vệ gồng giọng qua chiếc loa cầm tay để giải tán đám đông huyên náo đang tập trung phía trước cổng khu vực xét nghiệm.
Sau buổi hôm đó, một cán bộ y tế phường phụ trách điểm xét nghiệm thừa nhận rằng UBND phường và Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp chưa tốt. "Cần chia nhóm và phân các khung giờ đón tiếp người dân đến lấy mẫu thay vì chỉ thông báo cho họ một khung giờ", vị này chia sẻ.
Như vậy, những đám đông gây nguy cơ lây lan dịch bệnh đã phát sinh ở hầu hết công đoạn phòng dịch tại TP.HCM, từ khai báo y tế, xét nghiệm, lập chốt giao thông... Bài học đã có, nhưng vấn đề vẫn lặp lại khi triển khai tiêm vaccine.
Lo nhiễm bệnh khi chưa kịp tiêm vaccine
Khi được hỏi về giải pháp kỹ thuật để hạn chế đông người, ví dụ việc tìm thêm các điểm tiêm vaccine có không gian rộng, ông Từ Lương cho biết thành phố hiện không có nhiều nơi như nhà thi đấu Phú Thọ để tổ chức tiêm vaccine.
Ông Lương nhấn mạnh giải pháp nào cũng cần có sự hợp tác và ý thức của người dân.
"Những người có trong danh sách đều được nhắn tin để mời đi tiêm, nhưng nhiều người dân vẫn sốt ruột. Chúng tôi mong muốn người dân hãy yên tâm, bình tĩnh và chấp hành theo sự điều phối của cơ quan nhà nước", Phó giám đốc Sở TT&TT chia sẻ.
Ông Từ Lương nhận định TP.HCM không có nhiều nhà thi đấu rộng để tổ chức tiêm Vaccine như nhà thi đấu Phú Thọ. Ảnh: Quỳnh Danh.
Ông Lương cũng nhận định các đợt tiêm chủng từ nay đến cuối năm có thể sẽ không dồn dập 5 ngày như vừa qua, không bị tình trạng nghẽn tải.
Giải thích rõ hơn, Phó giám đốc Sở TT&TT cho biết từ tháng 4 đến tháng 6 thành phố đã tiêm 71.000 liều vaccine, tiêm dần trong 2 tháng. Con số vaccine trong đợt thứ 4 này gấp 12 lần nhưng chỉ tiêm trong 5 ngày. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghẽn tải.
"Trong quá trình triển khai thực hiện thế nào cũng có chỗ này chỗ kia, không tránh được. Rút kinh nghiệm từ đợt tiêm chủng thứ 4 này, chúng ta sẽ có những đợt sau tốt hơn", ông Từ Lương nhận định.
Trong khi TP.HCM tìm giải pháp từ kinh nghiệm của đợt tiêm chủng thứ 4 đang diễn ra, số lượng người đến nhà thi đấu Phú Thọ để chờ tiêm chưa giảm, nhiều khu vực trên khán đài người dân phải ngồi sát nhau không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1,5 mét.
"Nhìn thấy cảnh đông đúc thế này tôi rất lo lắng vì ngồi gần nhau quá, sợ chưa kịp chích vaccine Covid-19 đã bị nhiễm bệnh", anh Đặng Văn Thuận, nhân viên công ty điện lực (ở Bà Rịa - Vũng Tàu), chia sẻ với phóng viên khi anh ngồi chờ trên khán đài gần 3 giờ nhưng vẫn chưa được gọi tên.
Theo Zing