Người "nghiện" trà sữa chưa hết giật mình trước thông tin hạt trong những ly trà sữa thơm ngon được làm từ... đế giày da và lốp xe cũ thì lại một lần hoang mang trước thông tin nữ sinh phải nhập viện vì uống loại nước này.

Tin tức gây rúng động bắt đầu từ việc một nữ sinh ở thành phố Thanh Đảo, thuộc tỉnh Sơn Đông Trung Quốc đã uống trà sữa trân châu bán ở một cửa hàng địa phương. Người này sau đó bị đau bụng và phải tới một bệnh viện để chụp cắt lớp.

Nghiện trà sữa, uống đến 3 cốc/ngày, nữ sinh phải nhập viện cấp cứu-1
Trà sữa là trào lưu trong giới trẻ 2016

Cô cảm thấy thân thể khó chịu, không bị cảm sốt, nhưng không thèm ăn, luôn thấy mệt mỏi và chóng mặt, dễ buồn ngủ. Cô này cũng chưa bao giờ có các chế độ ăn kiêng.

Sau khi đến bệnh viện kiểm tra, kết quả xét nghiệm cho thấy cơ thể cô bị thiếu sắt nghiêm trọng.  Khi hỏi han về tình hình ăn uống, các bác sĩ nghi ngờ rằng nguyên nhân là do cô rất thích uống trà sữa, hầu như mỗi bữa ăn đều uống một cốc trà sữa.

Theo ông Chu Minh Văn, giám đốc Bệnh viện Thư Điền (Shutien) tại Đài Loan thì tình trạng sức khỏe của cô nữ sinh này khi đến bệnh viện tệ ở mức đáng ngạc nhiên. Mặc dù chưa đến mức thiếu máu, nhưng lượng ferritin của cơ thể cô chỉ đạt mức 9.5μg/L, thấp hơn nhiều so với mức tiêu chuẩn 20μg/L ở người bình thường. Được bổ sung chất sắt, tình hình của nữ sinh này đã được cải thiện.

Xem xét lại thực đơn của cô, các bác sĩ không thấy điều gì bất thường, chỉ ngoại trừ việc cô đã có thời gian dài uống đều đặn trà sữa trong cả 3 bữa cơm mỗi ngày. Nghi ngờ đây là điểm mấu chốt trong bệnh án, các bác sĩ đã xem xét thành phần món trà sữa mà cô nữ sinh uống hàng ngày đã ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của cô.

Kết quả không bất ngờ, các bác sĩ phát hiện rằng, chính việc mỗi bữa ăn đều uống đều đặn một cốc trà đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hấp thụ sắt vào cơ thể của cô nữ sinh.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng,  tất cả các chất như canxi trong sữa, axit tanic trong trà hoặc cà phê, axit thực vật và chất xơ trong thực vật, đều gây tác dụng cản trở quá trình hấp thụ sắt.

Để một cơ thể có thể hấp thụ tốt chất sắt thì cần phải có môi trường axit. Thế nhưng trà sữa đã cản trở điều đó. Chất kiềm trong trà sẽ làm trung hòa axit trong dạ dày, vì thế nếu uống trà vào mỗi bữa ăn, quá trình hấp thụ sắt sẽ vô tình bị cản trở.

Vì vậy, lời khuyên cho tất cả các bạn là một giờ trước mỗi bữa ăn, bạn không nên uống trà sữa, cà phê hay trà xanh, để tránh làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ sắt. Những triệu chứng gì có thể đến với bạn khi cơ thể thiếu sắt? Đó là cơ thể bạn sẽ thường rơi vào những tình trạng như mệt mỏi, buồn ngủ, chóng mặt, khó thở, tim đập nhanh, xanh xao, suy giảm thể chất.

Trước đây, những người gặp tình trạng này thường là những phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt, trẻ sơ sinh hoặc những người đang ăn chay. Thế nhưng giờ đây theo các nghiên cứu mới, trà sữa, nếu uống quá nhiều thì cũng sẽ gây ra những tác động tương tự. Bên cạnh đó, loại đồ uống này còn gây béo phì, tổn thương thận thậm chí dẫn đến vô sinh.

N.L
Theo Vietnamnet