Sốc, không tin nổi vẫn là cảm giác của chị nhiều ngày sau lần gặp lại người bạn cũ trong tình huống oái oăm đó. Cuộc gặp giữa hai người bạn sau nhiều năm... 

Ở thành phố, quen với việc tiêu dùng online, chị không xa lạ với việc mọi người chạy xe ôm công nghệ, làm shipper (người giao hàng) mưu sinh .

Ngỡ ngàng gặp lại nam sinh học giỏi nhất lớp năm xưa làm... người giao hàng-1
Nhiều cử nhân, sinh viên làm shipper (người giao hàng) để mưu sinh (Ảnh minh họa: Thu Hà).

Chị không có ý đánh giá thấp hay xem công việc này nhưng chị không tài nào hình dung được, không tài nào gắn nổi hình ảnh công việc đó với... người bạn cũ cùng lớp thời phổ thông. 

Cậu bạn ấy học sinh giỏi nhất lớp thời đó, giỏi cách biệt ngay với người xếp thứ hai lớp. Không chỉ nhất lớp, cậu còn nằm top nhất trường tại một ngôi trường phổ thông nổi tiếng ở tỉnh. 

Kết quả học tập của cậu luôn chót vót, thành tích danh hiệu đầy mình, thi đâu trúng đó... Thời ấy, đám con trai thì ghen tỵ, còn đám con gái phải phân nửa trường âm thầm ngưỡng mộ gọi cậu là "soái ca". 

Sau này vào đại học, bạn bè trong lớp gần như mất liên lạc với cậu. Vài năm sau, chị cũng chỉ nghe qua vài người bạn nói "thằng M. không tốt nghiệp ra trường được". 

"Tôi vẫn không thể nào hiểu nổi vì sao một học sinh ưu tú, xuất sắc như cậu bạn mình lại rơi vào cảnh như vậy", chị mang trong mình nỗi băn khoăn. 

Xuất sắc ở phổ thông rồi... tuột dốc không phanh khi vào đại học không phải là câu chuyện hiếm gặp hay của riêng ai.

Ghi nhận tại nhiều trường đại học, tình trạng sinh viên chán học, học tập sa sút, lơ là dẫn đến việc bỏ học hay bị thôi học không ngừng tăng trong nhiều năm qua. 

Ngỡ ngàng gặp lại nam sinh học giỏi nhất lớp năm xưa làm... người giao hàng-2
Sinh viên tụ tập ăn nhậu tại một khu nhà trọ (Ảnh: H.N).

Ở nhiều trường đại học, hàng năm có hàng trăm, thậm chí có thể lên đến cả ngàn sinh viên bị buộc thôi học vì nhiều lý do. Trong đó, có lý do sinh viên không theo nổi chương trình, không đảm bảo được yêu cầu học tập. 

Nhiều bạn trẻ khi bước vào cánh cửa đại học cũng là lúc buông sách buông vở, rơi thẳng vào vùng xoáy chơi bời, nhậu nhẹt, chơi game; nhiều gia đình đón con từ giảng đường về trong bế tắc, tuyệt vọng - đứa con từng được xem có tương lai rộng mở. 

Lý giải trường hợp học sinh xuất sắc ở phổ thông rồi "gục ngã" đại học, trong chương trình đào tạo dành cho cha mẹ mới đây tại TPHCM, ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà sáng lập Faros Education cho hay, điều này có thể xuất phát từ việc các em không có động lực học tập từ bên trong. 

Phân tích ở góc độ gia đình, bà Phương chia sẻ, trước đây khi ở nhà, có thể bố mẹ giám sát, sử dụng quyền lực như phần thưởng hoặc trừng phạt để yêu cầu con học.

Đứa trẻ học vì bị lệ thuộc vào phần thưởng hoặc mang nỗi sợ bị trừng phạt chứ không đến từ mong muốn, từ nhu cầu của chính các em. 

Khi động lực không đến từ bên trong, trẻ sẽ chỉ thực hiện yêu cầu khi có người lớn bên cạnh. 

Sau này vào đại học, sống tự do xa nhà, lại không có động lực học tập từ bên trong, nhiều sinh viên không còn thiết tha với việc học, không đáp ứng nổi chương trình.

Ở chương trình khác, một tiến sĩ giáo dục chia sẻ, khi qua Đức học, ông rất trăn trở với câu hỏi vì sao nước Đức là một trong những nước nghèo nhất thế giới sau thảm bại trong chiến tranh thế giới 2, cả Nhật cũng vậy, nhưng họ quật khởi rất nhanh để xây dựng quốc gia thịnh vượng. 

Và rồi ông nhận ra, điều khác biệt nhất ở giáo dục của họ là biết khơi dậy nội lực, động lực học tập trong mỗi học sinh, mỗi công dân. 

Sinh viên ở Đức tràn đầy năng lực, khỏe mạnh, vui vẻ, thoái mái, rất hăng say trong việc học. Còn về Việt Nam, ông rất khó để nhìn thấy sự tươi sáng, thanh thản từ gương mặt sinh viên, rất khó để thấy động lực học tập ở các bạn... 

Điều này có thể xuất phát từ sự khác biệt về gánh nặng tài chính, học phí học tập của sinh viên. Nhưng điều vị tiến sĩ băn khoăn hơn chính là triết lý giáo dục, về khơi ngợi nội lực của con người trong giáo dục. 

Ngỡ ngàng gặp lại nam sinh học giỏi nhất lớp năm xưa làm... người giao hàng-3
Một lớp cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 tại TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).

Theo ông, nội lực và động lực của mỗi người chính là trở thành con người mà mình mong muốn theo chuẩn mực về con người, chứ không phải con người giống những người khác hay giống con người mà người khác mong đợi. 

Nhưng phải chăng, giáo dục, cả giáo dục gia đình và nhà trường ở ta từ phổ thông, có thể theo cách nào đó đã "bóp chết" động lực học tập từ bên trong của nhiều đứa trẻ? Chúng ta có rất, rất nhiều học sinh giỏi nhưng rất ít người giỏi và khỏe mạnh. 

Theo Dân Trí