Chênh lệch lớn

Ngày 14/6, bốn ngân hàng thương mại gồm Vietcombank, Agribank, BIDV và Vietinbank niêm yết giá vàng miếng SJC bán ra với giá 76,98 triệu đồng/lượng. Đây là ngày thứ 6 vàng miếng SJC được bán tại ngân hàng không thay đổi về giá.

Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua vào 74,98 triệu đồng/ lượng và bán ra 76,98 triệu đồng/lượng. Ngoài ra, các thương hiệu kinh doanh vàng như DOJI, PNJ... cũng vẫn duy trì giá bán vàng miếng SJC ở ngưỡng 74,98-76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tiệm vàng Mi Hồng mua vào 76 triệu đồng/lượng nhưng giá bán ra 76,98 triệu đồng/lượng, bằng với giá bán ra của bốn ngân hàng thương mại Nhà nước và SJC.

Ngỡ ngàng với vàng 2 giá-1
Người dân xếp hàng mua vàng tại tiệm vàng Mi Hồng. Ảnh: U.P.

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, ngoài bốn ngân hàng bán vàng miếng theo chỉ đạo của NHNN, trước đó nhiều ngân hàng cũng tham gia kinh doanh vàng miếng nhưng giá cả có sự chênh lệch.

Tại một ngân hàng, lúc 9 giờ ngày 14/6, niêm yết giá vàng bán ra và mua vào là 82 triệu đồng và 78,5 triệu đồng/lượng, tăng hơn 5 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Tại Sacombank SBJ, giá vàng được niêm yết 74,68 - 77,28 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), nhưng lượng khách đến mua vàng khá vắng.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, khi thị trường có hai giá thì sẽ xuất hiện hiện tượng người xếp hàng mua giá thấp để mang ra ngoài bán giá cao hơn. Nguyên nhân là nhu cầu vàng trên thị trường vẫn còn cao trong khi nguồn cung chưa đáp ứng hết được.

Do đó, theo ông Thịnh, ngoài việc cung cấp nguồn hàng trên thị trường, các biện pháp xử lý đầu cơ, thổi giá cũng cần được triển khai.

Ghi nhận trưa 14/6, ngân hàng Eximbank, ACB… đều đã thay đổi giá bán vàng miếng SJC bằng với giá của NHNN là 76,98 triệu đồng/lượng. Trong khi ngày 13/6, những ngân hàng này đều bán vàng miếng SJC có giá cao hơn từ 2 - 3 triệu đồng/lượng.

Khi khách hàng thắc mắc về giá bán chênh lệch, nhân viên một ngân hàng có chi nhánh tại quận 3, TPHCM lý giải, NHNN chỉ can thiệp bán vàng trực tiếp cho bốn ngân hàng thương mại nhà nước và SJC; ngân hàng thương mại cổ phần không thuộc đối tượng này nên giá có khác nhau.

Là bình thường?

Theo đại diện một ngân hàng có trụ sở tại quận 1 TPHCM, ngân hàng phải tự cân đối lượng vàng mua vào, bán ra.

Chúng tôi có thu vào, bán ra đối với các sản phẩm vàng, kể cả vàng miếng theo giá thị trường. Nếu mua được từ khách hàng, ngân hàng sẽ bán ra cho nhà đầu tư khác có nhu cầu và giá có biến động.

Mua vào giá cao nên bán ra cũng tương ứng, chứ không mua được từ nguồn bình ổn hay mua từ nhóm bốn ngân hàng thương mại quốc doanh và công ty SJC”, vị đại diện nói.

Ngỡ ngàng với vàng 2 giá-2
Một ngân hàng niêm yết giá vàng miếng SJC bán ra với giá 82 triệu đồng/lượng trưa 14/6. Ảnh: U.P

Mặc dù là tư nhân nhưng tiệm vàng Mi Hồng vẫn bán theo giá vàng của SJC. Ông Nguyễn Tu Mi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Vàng Mi Hồng, cho biết, Mi Hồng, là một doanh nghiệp được NHNN cho phép kinh doanh vàng miếng; NHNN yêu cầu phải bán đúng giá với giá vàng SJC niêm yết.

Mi Hồng là một trong 38 DN được NHNN cho phép kinh doanh vàng miếng SJC. Chúng tôi phải tuân thủ theo quy định và thực hiện đúng luật pháp, nếu làm sai sẽ bị NHNN xử lý.

Tôi cho rằng các ngân hàng đang kinh doanh vàng trên thị trường hiện nay cũng là các đơn vị được NHNN cho phép bán vàng. Còn chuyện họ bán bao nhiêu thì tôi không có ý kiến”, ông Mi nói.

Kiên nhẫn xếp hàng nhiều giờ liền để mua vàng tại Công ty SJC, bà Lê Thị Hà (64 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) nói: “Chỉ có nơi này vàng có giá hợp lý, vào mua là có ngay dù phải chịu khó xếp hàng rất lâu. Còn tại những ngân hàng hoặc tiệm vàng khác cũng có bán vàng miếng SJC nhưng có giá cao hơn tới 3 – 5 triệu đồng/lượng”.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 14/6, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam - nói rằng, bốn ngân hàng thương mại của Nhà nước gần đây bán vàng miếng SJC cho khách hàng cá nhân không phải là nghiệp vụ chính của họ, mà đó gần như thực hiện nhiệm vụ mang tính chính trị. Đó là bình ổn giá vàng, thông qua đó bình ổn nền kinh tế cũng như bình ổn tỷ giá, giảm sức tăng nóng cũng như hạn chế việc đầu cơ, đẩy giá vàng.

Nguồn vàng của nhóm bốn ngân hàng này đến từ nguồn vàng của NHNN. Các ngân hàng khác đang kinh doanh vàng miếng SJC đã có nghiệp vụ kinh doanh vàng trước đó, chẳng hạn Sacombank có cả công ty kinh doanh vàng SBJ. Cho nên việc họ có tham gia vào thị trường vàng gần đây là điều hết sức bình thường.

Ông Phương nói rằng, giá vàng giữa các đơn vị kinh doanh theo cơ chế thị trường với ngân hàng thực hiện nhiệm vụ được giao phó có sự khác biệt.

Vì giá vàng của các ngân hàng lớn đến từ chỉ đạo của NHNN, còn giá vàng của nhóm thị trường đến theo cung cầu thị trường, kể cả đến từ giá vốn họ đã mua vào trước đó. Và đến thời điểm này họ vẫn có chức năng thu mua vàng vào.

Trong khi bốn ngân hàng lớn đang làm nhiệm vụ hiện nay chỉ bán vàng chứ không thu mua vàng, giống như một kênh bình ổn giá.

Theo tôi, giá vàng giữa hai nhóm này chênh lệch cũng là điều bình thường. Người dân có nhu cầu mua vàng miếng nhanh chóng, tiện lợi, không cần phải mất nhiều thủ tục thì nên chọn nơi bán vàng theo cơ chế giá thị trường. Và tất nhiên giá vàng cũng phải cao hơn.

Ngược lại, những người chịu khó chờ đợi, chấp nhận các quy trình theo cơ chế bình ổn thì họ sẽ mua được vàng với giá lợi hơn. Đây là sự tùy chọn của nhà đầu tư”, ông Phương phân tích.

Ông Phương cho rằng, nếu thông qua những phiên đấu thầu vàng công khai, minh bạch hay những đợt bán vàng gần đây, các đơn vị kinh doanh nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định thì việc họ có mua vàng từ nguồn Nhà nước phân phối ra cũng là chuyện hết sức bình thường, không có gì phạm pháp.

Theo Tiền Phong