Ai cũng có thể ăn thịt bò, quan trọng là ăn bao nhiêu, ăn bộ phận gì, tần suất như thế nào để phù hợp với tình trạng sức khỏe. Ví dụ thỉnh thoảng chỉ ăn khoảng 20-30g (1/5 lạng) thịt bò để lấy tính chất hương vị thì không gây ảnh hưởng.

Bình thường, một người 50kg cần khoảng 50g đạm mỗi ngày, tương đương với 250 gam từ thịt, cá, trứng, đậu... Có nghĩa là, mỗi bữa ăn không nên ăn quá 100g.

Tuy nhiên, thịt bò là thực phẩm chứa rất nhiều sắt, đạm, vì thế, người bị dư thừa sắt, cơ thể không đào thải được chất sắt, không nên ăn.

Những người đang trong giai đoạn cần hạn chế đạm, người suy thận hoặc suy giảm chức năng gan, không thể tiêu thụ được lượng đạm lớn, cũng không nên ăn.

Ngoài nội tạng, những bộ phận nào của bò không nên ăn?-1

Đặc biệt, người mắc bệnh gout không nên ăn nhiều thịt bò. Người có đường ruột kém, có nguy cơ bị suy giảm miễn dịch thì không nên ăn thịt bò tái. 

Không nên ăn quá nhiều phủ tạng động vật (bò, lợn, gà) như phổi, gan, tim bởi có lượng cholesterol cao, nguy cơ chứa giun sán, vi khuẩn, virus, hoặc tồn dư lượng thuốc trong quá trình chăn nuôi.

Những người có bệnh lý tim mạch, rối loạn chuyển hóa (như gout), huyết áp, béo phì, tắc mạch chi, không nên ăn nội tạng động vật để giảm các nguy cơ biến chứng của bệnh.

Tiết, da, mỡ, gàu bò cũng được khuyến cáo không nên ăn nhiều dù là món ăn được người Việt ưa thích (thường dùng để nấu phở hay sốt vang). Mỡ bò là mỡ chứa nhiều axit béo no, khi tiêu thụ rất dễ tích lũy, khó đào thải, vì thế không nên ăn nhiều và thường xuyên. 

Nên ăn thịt bò ở bắp, thịt nạc, nếu muốn tăng gia vị, ngậy béo thì dùng thêm gân, không nên dùng mỡ bò thuần khiết vì sẽ gây chứng khó tiêu, nhất là người đại tràng, gout.  

Thịt bò là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn ngon, chứa nguồn protein chất lượng, cần thiết cho quá trình tăng trưởng và phát triển cơ thể. Tuy nhiên, bạn nên thận trọng khi sử dụng nội tạng hay một số bộ phận của bò.

Ngoài ra, nên ăn thịt bò đã được nấu chín, đề phòng sán xâm nhập cơ thể.

Theo VietNamnet