Ngọc Hân hoãn cưới vì Covid-19-1
Ngọc Hân sinh năm 1989, đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2010. Chồng sắp cưới của hoa hậu là anh Phạm Phú Đạt, làm việc ở Bộ Ngoại giao. Ảnh chụp trong chuyến trình diễn áo dài của hoa hậu tại Ả Rập Xê Út - nơi bạn trai từng có nhiệm kỳ công tác - hôm 30/9/2019.

- Tháng 11/2019, chị và chồng tương lai đã tổ chức lễ dạm ngõ. Vậy, anh chị đã có dự định gì về một đám cưới trong tương lai gần?

Đây là một thông tin mà tôi rất muốn chia sẻ với mọi người, những người quan tâm đến tôi. Chúng tôi đã có dự định cưới vào tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, ngay khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi đã ngồi lại thảo luận, quyết định hoãn đám cưới đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Khi có kế hoạch tổ chức cưới cụ thể, tôi sẽ thông tin tới mọi người.

- Chắc hẳn anh chị đã dành nhiều tâm huyết cho đám cưới. Vậy khi phải lùi lịch cưới, anh chị có tâm trạng như thế nào?

Khi quyết định hoãn cưới, tôi và anh ấy hơi buồn một chút nhưng cũng phải nghĩ thực tế, nhanh thông suốt. Cái quan trọng nhất của đám cưới là đảm bảo niềm vui cho tất cả mọi người. Nếu chúng tôi quyết tổ chức đám cưới theo đúng dự định thì có thể khách mời đến ít hoặc không đến. Lúc đấy, chúng tôi có thể rất buồn, có khi còn buồn hơn cả việc hoãn cưới.

Mặt khác, chúng tôi không muốn khách mời phải rơi vào thế khó xử. Hiện tại, tôi nhận được nhiều thiệp mời cưới của bạn bè nhưng thực sự rất ngại đi vì tình hình dịch bệnh phức tạp. Khi nhìn đám cưới mà cô dâu, chú rể phải đeo khẩu trang, tôi cũng không yên tâm.

Vì thế, tôi không muốn khách mời của mình đi ăn cưới mà tâm lý không thoải mái, lo lắng. Tôi muốn đám cưới phải thực sự là ngày vui. Khách dự cưới có tâm trạng thoải mái, vui vẻ. 

Ngọc Hân hoãn cưới vì Covid-19-2
Hoa hậu và bạn trai mới kịp chụp ảnh cưới trước thềm hôn lễ. Tấm ảnh được thực hiện nhân chuyến công tác của hoa hậu tại Bali. Mẫu áo dài cách điệu mà Ngọc Hân diện do cô tự thiết kế, có tà phụ dài. 

- Anh chị đã thiệt hại ra sao khi phải lùi lịch cưới?

Rất may là chúng tôi chưa thiệt hại gì vì chưa đặt cỗ, chưa đặt dịch vụ gì. Cả hai gia đình chỉ mới bàn tính chuyện hỷ sự. 

- Ngoài chuyện hôn sự, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến cuộc sống của chị như thế nào?

Tôi hay nói đùa với mọi người rằng mấy chục năm sống ở đời mà chưa thấy dịch bệnh nào kinh khủng như thế. Hồi dịch SARS khởi phát năm 2002, 2003, bệnh dịch lan nhanh nhưng tôi thấy quá không nguy hiểm, sợ hãi vì người xung quanh không ai nhiễm bệnh.

Còn dịch Covid-19 làm tôi thấy sợ vì dịch bệnh len lỏi khắp nơi, cả những người xung quanh mình cũng có nguy cơ nhiễm. Một số người quen của tôi ở phương xa đã bị nghi nhiễm bệnh. 

Ngọc Hân hoãn cưới vì Covid-19-3
Bạn trai liên tục ủng hộ Ngọc Hân trong nhiều chuyến lưu diễn quảng bá áo dài tại các nước. Tấm ảnh của uyên ương được chụp ở Paris, Pháp.

- Vậy chị đã chủ động phòng chống bệnh dịch như thế nào?

Những ngày bệnh dịch, tôi rất hạn chế ra đường, đã ở nhà nhiều tuần nay. Còn tuần vừa qua, tôi gần như không đi ra ngoài. Tôi cố gắng nấu nướng ở nhà, ăn uống đủ chất 3 bữa/ngày, chưa kể những bữa xế. Tôi cũng làm nước uống nâng cao sức đề kháng như nước gừng, sả, chanh. Tôi thường xuyên uống nước chanh ấm, chịu khó súc miệng.

Nếu phải đi ra ngoài đường, tôi sẽ đeo khẩu trang, chuẩn bị khăn giấy, xịt khử trùng, nước rửa tay, kính mắt. Tôi rất cẩn thận mỗi khi về nhà phải rửa tay theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Còn về kinh doanh, tôi tạm đóng cửa hàng áo dài trong tuần này để đảm bảo sức khỏe của tất cả mọi người. 

- Tối 6/3, Việt Nam công bố ca nhiễm Covid-19 thứ 17 tại Hà Nội. Với tâm lý lo lắng, nhiều người dân đã đổ xô đi mua đồ tích trữ phòng chống dịch. Còn chị thì sao?

Ngay tối đó, tôi biết rất nhiều người đã xếp hàng, chen lấn từ tối tới sáng để mua đồ tích trữ. Hậu quả là "người thừa, người thiếu". Sáng hôm sau, nhiều bạn bè của tôi chỉ muốn ra chợ mua miếng thịt, con cá cho bữa ăn trong ngày mà không có.

Còn tôi tin tưởng chính quyền thành phố vẫn đang kiểm soát dịch tốt, đảm bảo đủ thực phẩm cho người dân Hà Nội. Vì thế, khi Hà Nội có người mắc bệnh, tôi không có tâm lý mua đồ tích trữ. Và niềm tin của tôi là đúng khi đến sáng ngày chủ nhật, hàng hóa ở chợ, siêu thị đầy ắp, không còn xuất hiện cảnh tranh cướp.

Tôi cho rằng mọi người không nên xếp hàng, chen lấn để tích trữ thực phẩm. Lý do là bạn sẽ phải tiếp xúc với rất nhiều người mà có thể họ thuộc diện F1, F2, F3, có liên quan tới các bệnh nhân đã được phát hiện, làm lây lan mầm bệnh trong cộng đồng. Bên cạnh đó, việc tranh giành đồ ăn, thức uống cũng khiến tâm lý trở nên hoảng loạn. 

Tôi nghĩ việc bạn cần làm lúc này thay vì tích trữ đồ ăn chính là hàng ngày tập luyện thể dục thể thao như chạy bộ, đi bộ giúp nâng cao sức khỏe, phòng bệnh hiệu quả.

Theo Ngoisao.net