Ngọt tan rã gây sốc: Vì sao số phận các nhóm nhạc Việt mãi lận đận?-1

Ngọt tan rã: "Kỳ vọng quá lớn nên tiếc nuối cũng nhiều"

Thành lập năm 2013, từ 4 chàng sinh viên "sáng đi học, đi làm, tối mới ngồi chơi nhạc" (như thành viên Việt Hoàng từng chia sẻ), Ngọt đã tiến những bước dài trên con đường thênh thang do chính họ tạo dựng. Tại đó, Ngọt sở hữu những giải thưởng, tạo ra hàng loạt bản "hit" tên tuổi.

Thế nhưng, mới đây, những người yêu nhạc rock Việt "sốc" trước tuyên bố ngừng hoạt động, hủy bỏ tất cả show diễn còn lại của ban nhạc Ngọt.

Những ngày qua, trên khắp các diễn đàn, không khó để thấy cảm xúc buồn bã, tiếc nuối thậm chí là phẫn nộ của những người yêu mến Ngọt.

Hàng loạt bình luận, chia sẻ được đăng tải như: "hãy nói đây chỉ là lời nói đùa mà thôi"; "không thể tin nổi"; "sụp đổ"; "mong ban nhạc nghĩ lại"; "thất vọng"; "không một lời xin lỗi người hâm mộ hay sao"...

Thực tế, một ban nhạc dừng hoạt động sau 5-11 năm là chuyện khá phổ biến và không có gì bất thường.

Trước đó, trong một cuộc trò chuyện, trưởng nhóm Vũ Đinh Trọng Thắng của Ngọt từng chia sẻ: "Chúng tôi cũng từng muốn dừng lại. Nhưng rồi tôi nói với mọi người rằng làm nhạc, sẽ có những lúc chán nản. Chính khi đó mình được tiếp thêm sức lực. Chán nản nhưng sau lại vẫn quay lại với âm nhạc, đó mới là làm việc chăm chỉ. Chúng tôi lại động viên nhau đi tiếp".

Vậy vì sao Ngọt tan rã lại khiến khán giả "sốc", tiếc nuối và công chúng quan tâm nhiều đến vậy?

Ngọt tan rã gây sốc: Vì sao số phận các nhóm nhạc Việt mãi lận đận?-2Ngọt tan rã gây sốc: Vì sao số phận các nhóm nhạc Việt mãi lận đận?-3

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhạc sĩ Trần Tuấn Hùng - trưởng ban nhạc rock Bức Tường - cho rằng, đó là điều dễ hiểu vì Ngọt là một ban nhạc có cá tính âm nhạc riêng không giống ai, gần gũi với suy nghĩ và tiếng nói của thế hệ hiện tại, rất được giới trẻ yêu thích.

"Các bạn ấy đã có những bước tiến thực sự đáng nể trong hơn 10 năm vừa qua, liên tục có những sản phẩm chất lượng. Sự nuối tiếc và bất ngờ của khán giả cũng đến nhiều hơn bởi đúng lúc Ngọt vừa mới cho ra mắt EP và đang hứa hẹn cho những sự bùng nổ sắp tới", nhạc sĩ Tuấn Hùng nói.

Anh Nguyễn Thanh Phước - Người từng quản lý ban nhạc Cá Hồi Hoang cũng cho hay, điều khiến người hâm mộ tiếc nuối nhất là họ sẽ không được thấy Ngọt trình diễn trên sân khấu nữa.

Bởi để những bản audio nghe trên máy tính biến thành sân khấu live (trực tiếp) với những nhạc cụ live thì đó là những trải nghiệm ấn tượng, hấp dẫn khiến nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra. Bây giờ, khán giả yêu mến Ngọt không được xem, thưởng thức điều đó nữa nên tiếc nuối là điều dễ hiểu.

Trong khi đó, nhạc sĩ Dương Trường Giang cho rằng, chính sự kỳ vọng và đặt niềm tin lớn từ phía khán giả đã khiến lời chia tay của Ngọt tạo ra sự tiếc nuối, thậm chí là... phẫn nộ.

"Các ban nhạc chỉ có thể đi cùng nhau đường dài khi các thành viên trong nhóm có sự gắn kết, mục tiêu của họ vẫn còn điểm chung như khi mới bắt đầu. Tuy vậy, những nhóm nhạc như vậy không nhiều.

Tôi cho rằng, "con cá mất là con cá to", khán giả xây cho mình kỳ vọng về một ban nhạc trong mơ nhưng tiếc rằng điều đó khó xảy ra trong thực tế. Hay nói cách khác dễ hiểu hơn là khán giả đang tiếc nuối cho chính ước mơ của mình", nhạc sĩ Dương Trường Giang chia sẻ.

Về việc Ngọt có thiếu chuyên nghiệp hay không khi hủy tất cả show diễn còn lại ở thời điểm chia tay?, nhạc sĩ Trần Tuấn Hùng bày tỏ: "Ngọt đã rất chuyên nghiệp trong 10 năm qua với các sản phẩm và các đêm diễn bùng nổ, nhờ đó chiếm được tình cảm của khán giả. Phải ở trong cuộc mới hiểu hết được nội tình và chắc rằng lúc này họ không có cách nào khác để giải quyết tốt hơn, vì thế tôi sẽ không đánh giá điều này. Hãy thông cảm và tôn trọng quyết định khó khăn ấy".

Thật vậy, dẫu lời chia tay của Ngọt với nhiều người vẫn chưa thật sự trọn vẹn nên để lại trong họ những vị đắng, phẫn nộ, tiếc nuối và buồn bã nhưng hơn tất cả, âm nhạc của Ngọt và Ngọt là một điều gì đó mãi mãi.

Thứ âm nhạc tử tế với giai điệu nhẹ nhàng, tự nhiên và ca từ đầy chất thơ nhưng vẫn đậm cá tính trong các sáng tác của Ngọt như: Em dạo này; Ngọt; Lạ lùng; Cho em... đã trở thành ký ức đẹp đẽ đối với tuổi thanh xuân của nhiều người yêu nhạc.

Còn đối với ngành công nghiệp âm nhạc, Ngọt để lại một tinh thần, một hướng đi cho những nhóm nhạc trẻ hay những ca sĩ trẻ. Con đường mà Ngọt đã đi chính là con đường mà những Mèow Lạc, Lý Bực, Những Đứa Trẻ, Minh Tốc & Lam... đang tiếp bước.

Vì sao các ban nhạc Việt khó tồn tại hơn nghệ sĩ solo?

Không phải đến bây giờ khi Ngọt tan rã gây "sốc" thì câu hỏi: "Sức bền của nhóm nhạc Việt, từ đâu?" hay: "Có công thức nào không cho sự tồn tại của nhóm nhạc Việt?" mới khiến nhiều người băn khoăn đến vậy.

Nhạc sĩ Trần Vương Thạch từng thừa nhận, đời sống nhạc Việt hiện nay không ưu ái nhóm hay ban nhạc. Nạn hát nhép, thù lao không tương xứng với công sức hay khát vọng riêng của mỗi thành viên khiến sự tồn tại của nhóm nhạc "made in Việt Nam" như hoa phù dung sớm nở tối tàn.

Thiết nghĩ, sự thành bại của các nhóm nhạc phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và chắc chắn sẽ không có mẫu số chung cho các nhóm.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí về vấn đề này, nhạc sĩ Trần Tuấn Hùng cho hay, đa số ban nhạc tại Việt Nam có thương hiệu (chơi sáng tác riêng, không nói tới ban nhạc chuyên đệm cho ca sĩ) thường có thời gian hoạt động trong vòng khoảng trên dưới 5 năm, một số thì giải tán, một số ít tiếp tục hoạt động, số còn lại duy trì lay lắt tới khi nào có điều kiện thì tụ lại với nhau…

"Các ban nhạc thường đông thành viên, cả ê-kíp sẽ từ 5-8 người, do đó, chi phí hoạt động sẽ rất lớn trong khi cát-xê và các khoản phí nhận được thông qua hoạt động biểu diễn, thu âm không cao hơn mức dành cho một ca sĩ độc lập.

Điều đó dẫn tới các thành viên phải làm thêm các công việc khác, sự khắc nghiệt bộn bề của cuộc sống sẽ khiến cho họ mất hết thời gian và đam mê dành cho hoạt động ban nhạc. Bên cạnh đó, cũng có những sự tan rã do mục tiêu và hướng đi của các thành viên là khác nhau", trưởng ban nhạc Bức Tường nói.

Theo anh, để có ban nhạc hoạt động bền vững, việc quan trọng nhất là tạo ra sản phẩm chất lượng, đem tới nhiều giá trị, lúc ấy mọi thứ sẽ tới như một vòng lặp để các nghệ sĩ tiếp tục gắn bó và cống hiến.

Ngọt tan rã gây sốc: Vì sao số phận các nhóm nhạc Việt mãi lận đận?-4
Nhạc sĩ Trần Tuấn Hùng (tóc dài thứ 3 từ trái sang) khẳng định, Bức Tường cũng từng trải qua những giai đoạn khó khăn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trước băn khoăn, các ban nhạc trẻ trưởng thành và nổi tiếng tự thân, liệu có phải quá trình tự thân là một trong số vấn đề khiến họ gặp khó khăn để tồn tại, nhạc sĩ Tuấn Hùng cho rằng, "tự thân" là hình thức chủ yếu đối với các ban nhạc tại Việt Nam, các thành viên tụ lại với nhau vì có chung đam mê và lý tưởng với dòng nhạc họ theo đuổi.

"Đa số hoạt động độc lập và đúng là duy trì sẽ khó khăn hơn theo như ý tôi nói ở trên. Nếu ban nhạc có các tổ chức, công ty hoặc hãng phát hành đứng sau để lên kế hoạch cụ thể cho các hoạt động thu âm, biểu diễn và đảm bảo thu nhập tốt thì sẽ khác. Khi đó họ chỉ việc tập trung vào sáng tạo", anh cho hay.

Ca sĩ Đức Lộc - Trưởng ban nhạc Đông Đô (Hà Nội) -  cho biết, nhóm nhạc tồn tại được phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như đoàn kết, đam mê và may mắn. Nếu không thì cũng khó duy trì được lâu dài.

"Nếu không có chung đam mê thì khó chơi nhạc với nhau như tôi thích Metal mà band có thành viên chỉ thích Pop, Jazz hoặc cũng là Rock nhưng là Alter thì cũng khó có thể đưa ra tiếng nói chung.

Bên cạnh đó, các thành viên ban nhạc cần có thời gian tập luyện, với quỹ thời gian cá nhân không ai giống ai nên việc duy trì được một lịch tập, lịch sinh hoạt đều đặn thì mỗi người cũng phải vì nhau một chút. Thậm chí, phải chấp nhận đánh đổi các công việc khác để toàn tâm toàn ý cho âm nhạc mới có thể thành công", nam ca sĩ nói với phóng viên Dân trí.

Ngọt tan rã gây sốc: Vì sao số phận các nhóm nhạc Việt mãi lận đận?-5
Ca sĩ Đức Lộc - Trưởng nhóm nhạc Đông Đô - trong một chương trình biểu diễn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nam ca sĩ cũng nói thêm, để các thành viên gắn kết với nhau lâu dài thì phải có chung định hướng, có ý thức làm việc chuyên nghiệp.

Đức Lộc cho biết, ban nhạc cũng cần lắng nghe thị hiếu, thị trường, ít nhất là để biết những gì do mình làm ra sẽ dành cho ai, phù hợp với điều gì. Nghệ sĩ cần giữ bản sắc cá nhân của mình nhưng nếu giữ đến mức bất chấp ai nghĩ gì, cảm nhận thế nào hoặc bỏ qua sự phù hợp với cộng đồng thì chắc sẽ khó tiếp cận được với khán giả, vì thế các thành viên nên "nhún nhường", "nhìn nhau mà làm nghề" thì mới có một tập thể chuyên nghiệp.

Khi được hỏi, theo anh hiện nay các ban nhạc Việt có "sống được" với nghề không, Đức Lộc nói: "Các nhóm nhạc, ban nhạc nếu chơi có phong cách riêng, được khán giả yêu mến, ủng hộ thì sẽ "sống được" với nghề. Bởi họ sẽ luôn sống khỏe với những sản phẩm âm nhạc họ đã làm ra.

Tuy nhiên, những ban nhạc ấy ở Việt Nam rất ít, nhiều ban nhạc cũng phải có "nghề tay trái", các thành viên làm kiến trúc sư, doanh nhân… để có thu nhập, nuôi dưỡng đam mê của mình".

Nhạc sĩ Huy Cường thì cho rằng, nhiều nhóm nhạc chưa kịp tạo dấu ấn hay khiến công chúng "nhớ mặt đặt tên" đã vội tan vì sự khắc nghiệt của thị trường âm nhạc hiện nay. Trong dòng chảy Indie (dòng nhạc độc lập), Underground (nhạc "ngầm") khán giả lại chứng kiến sự tan rã của các nhóm nhạc của Chillies, Cá Hồi Hoang, Ngọt, The Cassette, chỉ còn Da LAB, Oplus… là vẫn đang kiên định với con đường âm nhạc của mình.

Ngọt tan rã gây sốc: Vì sao số phận các nhóm nhạc Việt mãi lận đận?-6
Da LAB là nhóm nhạc Việt hiếm hoi có hơn 10 năm gắn bó (Ảnh: Facebook nhân vật).

Huy Cường cho biết thêm, nhiều nhóm nhạc hợp rồi tan, một số cá nhân sau khi rời nhóm được chú ý hơn, nhưng cũng có người kém may mắn, mất hút khỏi thị trường. Vì vậy, công thức chung để tồn tại vẫn là dấu hỏi lớn cho các ban nhạc Việt.

"Ca sĩ solo chỉ cần bước ra từ các chương trình thi tài năng trên truyền hình, hay cover (làm lại) ca khúc hit tung lên mạng nhận được lượt xem cao là đã có thể khởi đầu sự nghiệp ca hát.

Còn tham gia nhóm nhạc thì cần phải có thời gian đào tạo theo công thức tối thiểu là 2 năm. Ngoài ra, không phải công ty nào của làng nhạc Việt cũng có tiềm lực tài chính đủ mạnh để theo đuổi cuộc chơi đầy rủi ro trong việc đào tạo nhóm nhạc trẻ theo mô hình như họ muốn", nam nhạc sĩ nói.

Theo Huy Cường, so với thị trường các nước châu Á thì nhóm nhạc ở Việt Nam khó sống hơn so với ca sĩ solo (đơn lẻ). Chi phí đào tạo và duy trì nhóm cao nhưng cát-xê lại không cao hơn ca sĩ solo vì thế nếu không có đủ tiềm lực tài chính, nhiều nhóm nhạc đã "đứt gánh giữa đường", gây nhiều tiếc nuối cho khán giả.

"Một thời gian dài, thị trường âm nhạc Việt Nam xuất hiện nhiều ban nhạc được xây dựng theo các nhóm nhạc của Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng họ lại không "trụ" được lâu. Thị trường âm nhạc rất khắc nghiệt, việc tốn kém từ quản lý nhóm nhạc, tổ chức ăn uống, tập luyện, đi lại, mua sắm phục trang… có thể nói là gấp 3-4 lần việc đào tạo một ca sĩ solo nên các nhóm đã tan rã vì… thu không bù nổi chi", Huy Cường nói.

Trước việc Ngọt dừng hoạt động, nhạc sĩ Trần Tuấn Hùng chia sẻ, anh bất ngờ nhưng không ngạc nhiên, bởi chính Bức Tường cũng từng trải qua thời điểm như vậy.

"Vào năm 2006, cũng sau hơn 10 năm hoạt động, Bức Tường đã phải nói lời chia tay, chính chúng tôi và người hâm mộ cũng đều bất ngờ. Rất nhiều nước mắt đã rơi, nhưng phải ở trong cuộc mới hiểu và chấp nhận được câu chuyện này. Tôi tin Cá Hồi Hoang và Ngọt đang "nghỉ", chứ không phải họ biến mất, cũng bởi vậy nên chúng ta đừng quá lo lắng về sự tổn thất", trưởng ban nhạc Bức Tường bày tỏ

Anh cũng nói thêm: "Bản thân leader của hai nhóm nhạc này đều đang có những hoạt động độc lập tốt. Sau một thời gian nữa, tôi hy vọng họ sẽ trở lại với một tinh thần mới và nhiều thứ hay hơn. Còn trong lúc này, có thể đó lại là cơ hội tốt cho những ban nhạc indie mới vượt lên và khẳng định mình. Cuộc sống sẽ luôn vận động và những thứ hay ho luôn chờ ta ở phía trước".

Theo Dân Trí