Những năm gần đây, bệnh nhân tim mạch (kể cả cao huyết áp, tai biến mạch máu não) đang có chiều hướng tăng ở người trẻ tuổi. Trước đây, tuổi trung bình mắc các bệnh mạch vành là 60 thì nay, ngày càng có nhiều người trẻ gặp vấn đề về tim mạch.
Nhận thức hạn chế về tim mạch
Tại Viện Tim mạch quốc gia, bệnh nhân đột quỵ trẻ nhất là một thanh niên 28 tuổi có tiền sử hút thuốc lá và béo phì. Ngoài ra, tỉ lệ mắc các bệnh lý tim mạch cũng gặp nhiều ở người dưới 40 tuổi và nam nhiều hơn nữ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là nhận thức của cộng đồng về vấn đề tim mạch vẫn còn rất hạn chế. Với bệnh nhồi máu cơ tim cấp, thời gian chính là sự sống.
Theo các nghiên cứu mới nhất trên thế giới, từ lúc bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim có triệu chứng đau thắt ngực hoặc quỵ xuống đến lúc được nong, thông động mạch vành dưới 2 giờ là tốt nhất, tỉ lệ sống không để lại biến chứng cao nhất. Tuy nhiên, thống kê tại Viện Tim mạch quốc gia cho thấy chỉ có gần 2% bệnh nhân đến sớm trong khoảng “thời gian vàng” vừa nêu. Số bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến bệnh viện trước 12 giờ từ khi có cơn đau thắt ngực hoặc quỵ xuống cũng chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại là bệnh nhân đến quá muộn nên nhiều trường hợp không cứu được hoặc để lại những di chứng nặng nề.
về tim mạch. Ảnh: Tấn Thạnh
Tốt nhất là đi bộ nhanh, tập yoga, bơi lội…
Bệnh tim rất dễ gây tử vong nhưng phần lớn các triệu chứng về bệnh thường không rõ ràng. Người bị bệnh tim mạch chỉ phát hiện mình bị mắc bệnh khi có những biến chứng nguy hiểm. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy bệnh tim đã cướp đi cuộc sống của 17,5 triệu người mỗi năm và dự báo tăng lên 23 triệu người vào năm 2030. Nguyên nhân do lối sống hưởng thụ, sống gấp nên nhiều người ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt không điều độ, uống rượu, hút thuốc lá nhiều…, nhất là ở những người trẻ tuổi. Đó là nguyên nhân số người trẻ tuổi mắc bệnh tim mạch ngày càng nhiều.
Tuy vậy, có thể đề phòng bệnh tim mạch từ sớm nếu thay đổi tích cực lối sống, trong đó vận động, tập thể dục thể thao là yếu tố quan trọng. Những người bị bệnh tim mạch, đặc biệt là những người cao tuổi, tập thể dục là cách phòng ngừa bệnh tim mạch hợp lý và dễ dàng nhất. Hiện nay, vẫn còn nhiều tranh cãi về việc tập thể dục thế nào và bao lâu để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, giảm mỡ máu và dung nạp đường huyết...
Tại hội nghị tim mạch lớn nhất ở châu Âu mới đây, các nhà khoa học cũng đưa ra bằng chứng cho rằng những người vận động quá mức (chạy marathon) có nguy cơ đột tử cao hơn những người vận động bình thường. Do đó, tốt nhất nên tập thể dục ở cường độ vừa đến mạnh, tức là cơ thể đủ sức chịu đựng và hơi vã mồ hôi (chứ không phải mồ hôi chảy ròng ròng). Các chuyên gia hàng đầu về tim mạch trên thế giới cũng khuyến cáo thời gian vận động tốt nhất nên từ 30 phút đến 1 giờ và các hình thức vận động như: đi bộ nhanh, yoga, bơi lội... được cho là rất tốt đối với tim, phổi.
Theo Người lao động