Giza - hay Đại kim tự tháp Giza (kim tự tháp Khufu) - là công trình cổ nhất, và cũng là kỳ quan duy nhất còn tồn tại trong 7 kỳ quan của thế giới. Cao 146m, Giza là kim tự tháp lớn nhất, và tính đến trước thời Trung Cổ, đây còn là công trình vĩ đại nhất mà con người đã từng thực hiện.
Thế nhưng, chính bản thân Giza cũng là một trong những bí ẩn lớn nhất của nhân loại. Bằng cách nào một xã hội từ thời kỳ Đồ đồng lại xây dựng được công trình vĩ đại nhường ấy? Nhất là khi, nguyên liệu họ cần để xây dựng tháp lại đến từ một ngọn núi cách nơi xây những... 800 cây số.
Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra. Nhưng cuối cùng, các nhà khảo cổ cũng tìm ra bằng chứng thuyết phục nhất. Theo đó, người Ai Cập cổ đã tạo ra một kênh đào, đổi hướng dòng chảy của sông Nile và lợi dụng sức nước để di chuyển những tảng đá nặng hàng tấn.
Cụ thể, các bằng chứng cho thấy đã có hàng ngàn công nhân tay nghề cao vận chuyển những khối đá vôi vàng và đá granite nặng trên 2 tấn bằng bè gỗ buộc dây. Bè sẽ đi theo kênh đào, đến một địa điểm chỉ cách nền kim tự tháp có vài chục mét mà thôi.
Văn tự cổ - nhật ký của Merer
Nhà khảo cổ học Mark Lehner - một trong những nhân vật hàng đầu về lĩnh vực này cho biết ông đã tìm ra một văn tự cổ. Đó là cuộn giấy papyrus, vốn là một tờ nhật ký của Merer - người quản lý đội 40 công nhân tay nghề cao. Trong đó, Merer chia sẻ họ là những người đầu tiên tham gia vào việc xây dựng Giza, và mô tả chi tiết cách họ thay đổi địa hình, tạo ra kênh đào như thế nào.
Cũng chính Lehner là người đã tìm ra bằng chứng về một con đường dẫn nước, nằm ngay bên dưới địa điểm xây dựng kim tự tháp. "Chúng tôi đã phác thảo một con đường mà nhiều khả năng là cách những tảng đá được vận chuyển đến đây" - ông cho biết.
Được biết, chi tiết phát hiện sẽ được tiết lộ trong bộ phim tài liệu Egypt’s Great Pyramid: The New Evidence trong thời gian tới.
Theo Trí Thức Trẻ