Hàng tuần trời, An Yong-hui (37 tuổi) không thể về nhà, liên tục làm việc để đáp ứng nhu cầu của những vị khách trẻ xếp hàng trước cửa tiệm anh từ 11h. 

Hiện mỗi ngày, anh bán được hơn 500 chiếc kẹo đường, so với con số chưa tới 200 trước đó. Mỗi chiếc có giá khoảng 2.000 won (1,7 USD). Như vậy, trung bình mỗi ngày An có thể thu về tới 1 triệu won (843 USD).

"Chúng tôi đang nghĩ xem có nên đặt một khẩu súng ở cửa hàng như trong phim hay không đây", An hóm hỉnh.

Người bán kẹo đường ở Hàn Quốc kiếm bộn nhờ Squid Game-1
Doanh thu cửa hàng An tăng vọt nhờ sự nổi tiếng của phim Squid Game. 

Squid Game là bộ phim chủ đề sinh tồn đang gây chú ý, trở thành tác phẩm đứng đầu xu hướng toàn thế giới trên nền tảng Netflix sau 10 ngày lên sóng.

Trong phim, 456 người tham gia các trò chơi quen thuộc của trẻ con. Nếu trụ lại cuối cùng, người chiến thắng có thể giành giải thưởng 45,6 tỷ won (38,4 triệu USD), bị loại đồng nghĩa với cái chết.

Một trong những thử thách trong phim là trò tách kẹo đường. Người chơi phải tách chiếc kẹo đường giòn, dễ vỡ theo đường viền định sẵn bằng một cái kim.

Khi Squid Game được quay vào tháng 6/2020, cửa hàng của An cũng là nơi cung cấp kẹo cho đoàn phim. Anh và các nhân viên đã dùng 15 kg đường để làm 700 chiếc kẹo phục vụ quá trình quay.

Tại Hàn Quốc, kẹo đường dalgona là món ăn vặt phổ biến trên đường phố ở những năm 70, 80. Loại kẹo này được làm với hai nguyên liệu là đường và muối nở (baking soda).

"Tôi đã nghe rất nhiều về thử thách dalgona từ bố, bà và luôn tò mò. Đây là lần đầu tiên tôi thử tách kẹo và bị sốc khi thấy nó rất dễ vỡ", Lee You-hee, sinh viên năm nhất ở Seoul, nói sau khi thử thách thất bại.

Hiện, những clip hưởng ứng trò tách kẹo cũng như tự làm dalgona cũng đang phổ biến trên nhiều nền tảng mạng xã hội.

Nhiều trang thương mại điện tử như Amazon, eBay và Coupang cũng đang bán các bộ dụng cụ làm dalgona với giá lên tới 29,99 USD.

Theo Zing