Nomophobia – hay còn gọi là chứng ám ảnh điện thoại di động – một hội chứng mà con người cảm thấy lo lắng, bực tức khi không được sử dụng điện thoại thông minh, đã được nhắc đến trong nhiều năm nay. Hội chứng này còn được cho là đã và đang phát triển với tốc độ không thể kiểm soát ở các nước châu Á.

Một nghiên cứu gần đây được thực hiện trên 1.000 học sinh Hàn Quốc cho thấy: 72% trẻ em Hàn Quốc trong độ tuổi 11 – 12 tuổi sở hữu điện thoại thông minh và dành trung bình khoảng 5,4 giờ mỗi ngày để dùng chúng. Thêm vào đó, khoảng 25% học sinh nhỏ tuổi được xem là đã “nghiện” smartphone. 

Điều đó cho thấy điện thoại thông minh smartphone đang có sức lan tỏa mạnh mẽ đến nhường nào. Chúng gần như được coi là trung tâm của xã hội. Ở Nhật Bản, người ta thậm chí còn ưu ái đặt cho văn hóa điện thoại cái tên riêng là Keitai.
 
Ngày càng có nhiều trẻ em sử dụng smartphone ở Châu Á.

Châu Á có 2,5 tỷ người sử dụng smartphone và không ít trường hợp gặp vận rủi hay những tình huống trớ trêu vì chính chiếc điện thoại của mình. Một người phụ nữ Đài Loan đã bị bỏ rơi ở bến tàu chỉ vì mải xem Facebook. Hay một cô gái ở Tứ Xuyên, Trung Quốc bị rơi xuống cống khi vừa đi vừa lướt điện thoại.

Còn ở Singapore, đất nước chỉ có khoảng 6 triệu người nhưng lại được cho là có tỷ lệ người dùng smartphone cao và trẻ nhất thế giới. Theo ông Chong Ee-Jay, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật số Wellness thì: "Rất khó để quản lý thanh thiếu niên tuổi trưởng thành dùng smartphone vì các bạn trẻ chưa thể tự kiểm soát hành vi của mình. Nhiều trường học thậm chí còn sẵn sàng giao bài tập về nhà qua WhatsApp như một cách “khuyến khích” trẻ dùng điện thoại".


Dòng người Hồng Kông cùng giơ điện thoại thắp sáng trời đêm.

Khi các nước thắt chặt quy định về điện thoại thông minh.

Smartphone được coi là chìa khóa để con người tiếp xúc nhiều hơn với thế giới. Nhưng cũng chính vì thế mà nhiều trẻ em, thanh thiếu niên cảm thấy bất ổn, lạc lõng và không thể kết nối với mọi người khi không có điện thoại. 

Mặc dù vậy, người ta vẫn không thể phủ nhận mặt tích cực của smartphone với học sinh. Tại nhiều nước châu Á, khi học sinh có quá nhiều bài tập, áp lực nặng nề thì điện thoại là nơi tán gẫu, xả stress với bạn bè.

Để kiểm soát tính hình, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra một ứng dụng nhằm giám sát điện thoại của thanh thiếu niên. Nhiều cơ quan chứng năng cũng đưa ra một loạt biện pháp nhằm cấm trẻ em chơi trò chơi trực tuyến sau nửa đêm.


Trung Quốc coi nghiện smartphone là một loại bệnh và nên chữa theo phong cách quân đội.

Trung Quốc, là một trong những nước đầu tiên lập phòng khám kiểu quân sự để “chữa bệnh” nghiện internet như một chứng bệnh rối loạn tâm thần lâm sàng.

Nhà tâm thần học Thomas Lee cho rằng: “Sử dụng điện thoại thông minh để mang lại cảm xúc thoải mái cho một người cũng giống như các loại thuốc phiện có ảnh hưởng đến hành vi con người. Và giống như nghiện ma túy, người nghiện smartphone cũng có triệu chứng bồn chồn, lo lắng, thậm chí tức giận nếu không có điện thoại”.


Cơn sốt smartphone mạnh đến nỗi Trung Quốc còn làm hẳn một con đường dành riêng cho những người nghiện loại điện thoại này.
 
Bất chấp những tác hại mà smartphone mang lại, cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là sự lo lắng thái quá và điện thoại thông minh chỉ là một phần xu hướng tất yếu của xã hội. Giáo sư Lee Marlene nói rằng rối loạn công nghệ không phải là hiện tượng mới.

Những sáng chế có liên quan đến smartphone sẽ tiếp tục xuất hiện ở châu Á. Không có gì phải nghi ngại về điều đó bởi nó sẽ có quá trình giống như gậy tự sướng, avatar động hay các biểu tượng cảm xúc. Nhưng trên tất cả, các nhà tâm lý học hi vọng rằng những gì được chia sẻ sẽ mang ý nghĩa sáng tạo, tích cực chứ không phải là sự lo lắng cho mọi người.

Theo Trí thức trẻ