Minh tuy bị khiếm thị nhưng chơi đàn rất giỏi.

Vừa hết giờ làm việc ca sáng, chuẩn bị nghỉ ngơi ăn trưa, chị Trần Thị Xuân (33 tuổi, Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) nhận điện thoại mẹ báo máy thở của em trai - Trần Tuấn Anh (27 tuổi) có vấn đề. Không kịp ăn trưa, chị vội vàng từ chỗ làm về nhà dưới nắng nóng giữa trưa lên đến hơn 40 độ C, da thịt như muốn bỏng rát.

Đến nhà, chẳng kịp nghỉ, chị đi ngay vào phòng kiểm tra máy thở, chỉ sợ chậm một chút em trai sẽ nguy hiểm. May mắn sau vài thao tác, máy thở hoạt động lại bình thường. Chị Xuân lại tranh thủ kiểm tra bỉm, vệ sinh cá nhân cho em.

Phía ngoài nhà, con trai chị bị khiếm thị đang ngồi đánh đàn, nhìn con thích thú gõ từng phím, chị mỉm cười có chút an lòng.

Năm 2016, câu chuyện chị Xuân gần 10 năm cõng em trai Tuấn Anh đến trường lấy đi nước mắt của nhiều người. Từ đó đến nay, cuộc sống của chị càng thêm khó khăn khi cậu em trai giờ nằm liệt giường, còn con trai ung thư biến chứng gây mù loà.

Gia đình có ba chị em, chị Xuân là con thứ hai, còn Tuấn Anh là em út. Tuấn Anh sinh ra khỏe mạnh nhưng đến lớp 4 bắt đầu đi lại khó khăn, thường xuyên vấp ngã, bàn chân teo dần.

Gia đình đưa anh đi khám thì nhận chẩn đoán mắc bệnh loạn dưỡng cơ bẩm sinh, không có khả năng phục hồi sẽ dần mất khả năng vận động.

Suốt những năm Tuấn Anh học phổ thông và đại học, chị Xuân luôn đồng hành, trở thành đôi chân của em trai đến trường.

Tuấn Anh đỗ đại học, cũng là thời điểm chị Xuân tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội. Dù được nhiều công ty mời làm việc, nhưng chị quyết từ chối, xin làm nhân viên chạy bàn để tiện chăm sóc, đưa đón em đi học.

Người chị 10 năm cõng em đi học, giờ lại chật vật nuôi con khiếm thị-1
Hàng ngày chị Xuân phải chăm sóc em và con bệnh tật.

"Bố tôi mất sớm, mẹ bệnh tật ốm đau liên miên, chị cả bận công việc riêng, cả nhà không có ai có thể đưa Tuấn Anh đi học," chị Xuân nói. Khi lấy chồng, có con, chị vẫn xin ở nhà ngoại để tiếp tục đưa đón em.  

Hoàn thành 4 năm đại học, Tuấn Anh tốt nghiệp và được nhận vào làm tại một công ty công nghệ, gia đình chị Xuân hy vọng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.

Thế nhưng "bánh xe số phận" như trêu đùa chị, khi cậu con trai 4 tuổi - Hoàng Minh bị mất thị lực, được chẩn đoán mắc ung thư hạch bạch huyết. “Ngày Tuấn Anh tốt nghiệp đại học, là ngày con trai nhập viện”, chị Xuân nhớ lại. 

Hoàng Minh từ một đứa trẻ khỏe mạnh, mất dần thị lực do mắc bệnh hiểm nghèo. Chị Xuân sụp đổ khi nhận tin, khóc không thành tiếng. Chị tìm đủ mọi cách, vay mượn khắp nơi để cứu con. Sau phẫu thuật, Minh qua cơn nguy hiểm, nhưng đôi mắt không nhìn thấy.

“Minh vốn chậm chạp hơn các bạn, phải đi học lớp can thiệp, giờ lại thêm việc mắt không nhìn thấy”, chị Xuân nói.

Không đầu hàng trước bệnh tật, chị Xuân quyết định cho con đến trường học, "con có thể không thấy ánh sáng nhưng không thể mù chữ"'. Ngày vài ba lần chị đưa con học can thiệp sớm ở trường Nguyễn Đình Chiểu quận Hoàng Mai, cách nhà chị 20 km, rồi lại cùng Minh về học mầm non tại trung tâm gần nhà.

Người chị 10 năm cõng em đi học, giờ lại chật vật nuôi con khiếm thị-2
Chị Xuân rớt nước mắt khi nghĩ về hoàn cảnh của bản thân.

Càng lớn, Minh càng bộc lộ đam mê với âm nhạc, chị Xuân đi khắp nơi xin cho con học đàn. Mắt con không nhìn thấy gì nên chẳng ai chịu nhận dạy, cho đến khi cô giáo Phạm Ánh Ngà - giáo viên piano biết hoàn cảnh nên nhận giảng dạy đàn miễn phí cho Hoàng Minh. Cậu bé cũng không phụ lòng, chơi đàn rất giỏi, cả mẹ và cô tự hào.

“Tôi tìm mua được chiếc đàn cũ giá rẻ, về sửa lại may mắn vẫn còn dùng được, từ ngày đó Hoàng Minh ngày nào cũng tập đánh đàn”, người mẹ tự hào khi nói về con trai. 

Con trai vừa ổn định, thì lần nữa sóng gió ập đến. Năm 2023, Tuấn Anh bị COVID-19 phải cấp cứu, từ chàng trai bại liệt ngồi xe lăn, Tuấn Anh chỉ nằm tại chỗ, phải đặt nội khí quản, thở máy cả đời.

Số tiền Tuấn Anh dành dụm mấy năm làm công ty, cộng thêm vay mượn đủ để mua được bộ máy thở, gia đình lại rơi vào cảnh nợ nần.

Cả nhà trông chờ vào đồng lương hơn 8 triệu đồng/tháng của chồng chị Xuân. Em trai nằm liệt giường chị Xuân lại phải dừng ý định xin đi làm, nhận công việc đóng hàng gần nhà để tiện đi về chăm sóc, tháng thu nhập 3 - 4 triệu.

Liên tục biến cố ập đến, ngồi trong căn nhà bố mẹ bán đất, chắt góp cả đời để xây cho chị em, chị Xuân không biết mình vượt qua bằng cách nào.

Với chị Xuân, điều mong mỏi nhất là có công việc ổn định để trang trải kinh tế gia đình, vì con trai chị vẫn phải chạy xạ trị thường xuyên. Em trai dù đã ra trường nhưng nằm liệt giường phải dùng ống thở.

Theo VTC