Chẳng cần gì, chỉ cần yêu thôi!
Tâm sự trên một diễn đàn phụ nữ, người mẹ hai con này kể rằng, cô ấy đã ly hôn được 2 năm và có hai đứa con trai. Sau ly hôn một đứa con ở cùng bố, một đứa ở với mẹ. Vì đi làm công nhân ở thành phố nên người mẹ này gửi con lại cho ông bà ngoại trông.
Trong thời gian hậu ly hôn ấy, người mẹ này quen rồi yêu một người đàn ông cũng từng ly dị, lấy vợ lần 2 và cũng đang sống ly thân. Yêu nhau được ít hôm thì họ dọn về sống chung trong phòng trọ.
Người mẹ này đi làm công nhân lương khá cao, từ 8 – 10 triệu đồng/tháng. Anh người yêu này thì không làm nghề ngỗng gì, thỉnh thoảng còn chơi lô đề.
Từ khi anh người yêu dọn về sống chung, người mẹ này thỉnh thoảng phải đi cầm cố điện thoại hoặc giấy tờ xe để chi tiêu chờ đến kỳ lĩnh lương tháng sau.
Mặc dù sau khi có tình yêu mới, cuộc sống của người mẹ này trở nên khó khăn hơn nhưng dường như những điều đó chưa tác động gì đến tâm trạng hay cảm xúc của cô.
Cô vẫn yêu hết lòng hết dạ và còn nói: “Mọi chi tiêu sinh hoạt tiền trọ em lo và hết lòng chăm lo cho anh ấy. Vì em đã từng đổ vỡ nên em rất trân trọng tình yêu này. Em cảm thấy hạnh phúc lắm vì có người thủ thỉ quan tâm chia sẻ lúc buồn vui và những lúc em nằm viện ốm đau, anh ấy quan tâm và chăm lo ăn uống, giặt giũ cho em”.
Người đàn bà một chồng hai con yêu dại khờ như cô gái mới lớn. Ảnh minh họa
Thế nhưng hạnh phúc đó chỉ kéo dài được 8 tháng, cho đến khi người mẹ này mang thai. Hai người thống nhất phải bỏ cái thai trong bụng vì không đủ điều kiện và khả năng sinh con. Sau khi người mẹ này bỏ thai, anh người yêu chăm sóc cô này được khoảng 1 tuần thì trở về nhà bố mẹ đẻ và nói lời chia tay.
Anh người yêu nói những lời chia tay như sau: "Anh không biết có quyết định ly hôn vợ hay không, bố mẹ anh thì không bao giờ chấp nhận cho anh lấy thêm vợ nữa, mà nếu có lấy vợ nữa thì cũng phải 3 – 5 năm nữa anh mới có thể lấy được.
Anh không muốn em phí thêm tuổi xuân vì anh. Em nên về nhà bố mẹ, nghe lời bố mẹ lấy một người chồng để cho mẹ yên lòng, cho em một chỗ dựa và để cho con có một người cha.
Tình yêu với chúng ta giờ không còn quan trọng nữa và chỉ chiếm phần nhỏ trong cuộc sống của mỗi người. Hãy nghe lời anh. Vì anh không lo được cho em nên sẽ chỉ làm khổ em. Vợ con anh, anh cũng không lo được nên anh không có cách gì khác…”.
Sau khi nói lời chia tay, anh người yêu này lập tức quay lại với một cô người yêu cũ (không phải hai người vợ của anh ta). Chỉ sau 3 ngày chia tay, cô người yêu cũ đó đăng ảnh chung của hai người lên trang cá nhân và nhắn người mẹ này rằng hãy quên anh ấy đi.
Người mẹ này cho biết: “Anh ấy ra đi để cho em một nỗi đau đủ để em suy sụp và chết đi sống lại. Em dường như không còn sự sống. Em đã nhịn không ăn không uống không ngủ. Em không thể giặt giũ, không thể tự chăm sóc, sức khỏe em quá yếu. Mấy ngày đầu anh còn gọi video hỏi thăm và an ủi em. Nhưng cách đây mấy ngày anh hủy kết bạn với em và chặn messenger của em nữa”.
Trên thực tế những câu chuyện phụ nữ có thể chết vì bị bỏ rơi trong tình yêu như câu chuyện trên đây là không hề hiếm. Yêu mà khi không còn được yêu nữa thì trở nên không còn sự sống, không còn thiết tha với điều gì thì đó là một dạng yêu mù quáng.
Đó cũng là dạng biểu hiện của chứng nghiện yêu. Bởi theo giới chuyên gia thì nghiện là một hình thái bị lệ thuộc vào một điều gì đó. Cụ thể trong trường hợp này là lệ thuộc vào tình yêu. Vì thế các chuyên gia cho rằng, yêu mù quáng là một căn bệnh có quá trình tiến triển hẳn hoi.
Những biểu hiện của bệnh nghiện yêu ở phụ nữ:
- Nhu cầu được kiểm soát người khác cao, chọn bạn tình vô trách nhiệm để thỏa mãn nhu cầu của bản thân.
- Đảm nhận trách nhiệm và quan tâm đến người khác quá mức, do họ lớn lên trong gia đình thiếu tình thương.
- Cảm thấy hấp dẫn trước những ngươi sống phụ thuộc vào họ.
- Cố gắng “yêu” chồng/ bạn tình cũng như từng cố “yêu” cha mẹ mình.
Yêu mù quáng là một căn bệnh có quá trình tiến triển hẳn hoi. Ảnh minh họa
- Bắt đầu chối bỏ thực tế của mối quan hệ.
- Ngày càng lệ thuộc tình cảm vào người đàn ông.
- Nhu cầu cấp thiết phải thảo luận các rắc rối với nam giới.
- Bắt đầu hoài nghi về cảm nhận bản thân.
- Ngày càng chú tâm vào hành vi của chồng/ bạn tình.
- Biện minh cho hành vi của đối phương với mọi người.
- Luôn tìm cách che đậy rắc rối.
- Cư xử hùng hổ với chồng/ bạn tình, mong muốn trả thù.
- Cảm giác thất bại.
- Luôn tìm cách kiểm soát thất bại của chồng/ bạn tình.
- Luôn ăn năn vì đã xung đột với đối phương.
- Cố né tránh chồng/ bạn tình bằng khoảng cách địa lý.
- Mất dần các thú vui khác.
- Gặp rắc rối trong công việc và tài chính, gánh lấy trách nhiệm của chồng/ bạn tình.
- Né tránh gia đình và bạn bè.
- Ăn uống vô độ hoặc thờ ơ với thức ăn.
- Oán giận vô cớ.
- Bắt đầu sử dụng các loại thuốc an thần.
- Biểu lộ chứng rối loạn thần kinh.
- Suy sụp thể chất.
- Có thể hình thành thói quen lệ thuộc vào rượu hoặc các chất kích thích khác.
- Ngoại tình, nghiện rượu, luôn nghĩ đến các thú vui bên ngoài.
- Đau khổ kéo dài.
- Oán ghét những “người bình thường”.
- Suy nghĩ lệch lạc.
- Không có khả năng tự khởi hành động.
- Sợ hãi vu vơ, hoang tưởng.
- Ngày càng bạo lực với chồng/ bạn tình, con trẻ.
- Hoàn toàn bị ám ảnh bởi chồng/ bạn tình.
- Có ý định tự tử.
- Gặp các vấn đề nghiêm trọng về tình cảm dành cho bản thân và con trẻ.
- Mọi nỗ lực kiểm soát cuộc sống đều thất bại.
Theo Gia đình & Xã hội