Người dân chưa biết MERS là gì?

Trước tình trạng hội chứng viêm đường hô hấp cấp khu vực Trung Đông (MERS – CoV) đang lan rộng ra nhiều khu vực trên thế giới và có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đã có nhiều hành động nhanh chóng và quyết liệt nhằm ngăn chặn căn bệnh ngay từ cửa khẩu, và chuẩn bị các tình huống kể cả trong trường hợp có dịch bệnh xảy ra.

          Hành khách đến từ vùng có dịch bắt buộc phải khai báo y tế tại cửa khẩu sân bay.

Với cơ quan chức năng là vậy, tuy nhiên với nhiều người dân căn bệnh nguy hiểm mang tên MERS –CoV này vẫn còn quá xa lạ và dường như chưa có khái niệm trong đầu. Có mặt tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương – nơi đã từng gồng mình và khống chế thành công dịch SARS năm 2003, phóng viên không khỏi ngỡ ngàng khi hầu hết bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đều chưa biết, hoặc có thông tin rất ít ỏi về căn bệnh này.

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Huy Toàn, đang chăm sóc người nhà tại khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp cho biết: “Tôi có nghe báo chí, tivi nói về căn bệnh này, nhưng thực sự tôi không biết căn bệnh này lại nguy hiểm và gây chết người nhanh như thế”.

Thậm chí anh Toàn còn chưa biết căn bệnh này đã có mặt tại Việt Nam hay chưa, có thể phòng chống và chữa trị được hay không?

Những trường hợp như anh Toàn không phải là hiếm, có nhiều trường hợp còn nhầm lẫn bệnh MERS – CoV với bệnh Ebola. Lý giải về nguyên nhân trên, đại đa số đều cho rằng, do tên bệnh khó đọc, khó nhớ và hơn hết là họ đều đang ở Bệnh viện để chăm người nhà nên không có nhiều thời gian quan tâm.

Tuy nhiên, chính sự thờ ơ đó sẽ khiến cho bệnh dịch bùng phát rất nhanh trong trường hợp có dịch vào Việt Nam. Bởi, nếu có dịch Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương là cơ sở đầu ngành sẽ phải điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh.


Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TP HCM.

Sẵn sàng mọi phương án chống dịch

Đó là kế hoạch cũng nhưng sự cố gắng của ngành y tế trong việc ngăn chặn dịch MERS – CoV nói riêng và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nói chung. Theo đó, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng … công tác phòng chống dịch đã sẵn sàng.

Tại Hà Nội, chiều 3/6 Bộ Y tế cùng Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, rà soát công tác phòng, chống dịch MERS vào Việt Nam tại sân bay quốc tế Nội Bài. Theo đó, Sở Y tế Hà Nội sẽ giám sát 24/24 các hành khách đến từ vùng có dịch tại cửa khẩu sân bay bằng cách đo thanh nhiệt, áp dụng bắt buộc tờ khai y tế.

Ngoài ra, các trang thiết bị cũng như các bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện trực thuộc Hà Nội luôn trong tình thế sẵn sàng trong trường hợp xấu nhất xảy ra đó là: phát hiện ca bệnh và bệnh lây lan ra cộng đồng.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều ngày 4/6 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM.

Báo cáo công tác phòng chống dịch, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện đã sẵn sàng mọi phương án để ứng phó khi dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên phía bệnh viện cũng gặp một số khó khăn nhất định như: vấn đề quá tải bệnh viện, trang thiết bị còn thiếu thốn, đặc biệt là máy thở.

Để khác phục tình trạng này, PGS Sơn cho biết, bệnh viện đã chủ động trang bị máy bằng nguồn vốn xã hội hóa và trong tuần tới sẽ có khoảng 30 máy được nhập về bệnh viện phục vụ cho công tác điều trị…

          Máy đo thân nhiệt hành khách hoạt động 24/24 tại các cửa khẩu sân bay quốc tế.

Hàn Quốc: Tăng số người mắc và ca tử vong

Hàn Quốc hiện tại đang là quốc gia đối mặt với dịch MERS – CoV nặng nề nhất tính tới thời điểm này khi số lượng bệnh nhân mắc bệnh vẫn chưa được khống chế, số người tử vong vẫn gia tăng.

Theo đó, kể từ 20/5, thời điểm phát hiện ca nhiễm MERS đầu tiên tại Hàn Quốc đã có gần 1.700 người được cho là đã trực tiếp hoặc gián tiếp phơi nhiễm loại virus MERS bị cách ly.

Tính đến thời điểm hết ngày 4/6, tại Bộ Y tế Hàn Quốc xác nhận thêm 1 trường hợp tử vong vì MERS và 5 ca nhiễm mới. Như vậy, tổng cộng đã có 36 người nhiễm bệnh, trong đó 3 người tử vong. Cùng với đó là hơn 900 trường học ở Hàn Quốc, từ mẫu giáo đến đại học, đã phải đóng cửa trong bối cảnh giới chức nước này nỗ lực trấn an tâm lý của dân chúng trước sự bùng phát dịch bệnh.

Đồng thời WHO cũng cảnh báo, dịch MERS có thể sẽ tiếp tục bùng phát mạnh hơn tại Hàn Quốc, khi nhiều bệnh viện chưa có kinh nghiệm phát hiện dịch bệnh và nhiều bệnh nhân nghi nhiễm bệnh có khả năng chưa được cách ly.

Như vậy, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến thời điểm này trên thế giới có 26 quốc gia đã từng ghi nhận dịch MERS, với gần 1.200 trường hợp mắc bệnh và có ít nhất 443 ca tử vong.

Theo Khám Phá