Chiều 10/6, lực lượng trinh sát của Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị vẫn đang phối hợp triển khai trên toàn tuyến đèo Hải Vân truy bắt Triệu Quân Sự phạm nhân bỏ trốn khỏi trại giam T10 Quân khu 5 (Quảng Ngãi).
Theo đơn vị này, hiện nay lực lượng của Bộ đội Biên phòng đã rút bớt quân, chỉ một số trinh sát ở lại phối hợp với các đơn vị tập trung ra phía Bắc đèo Hải Vân thuộc địa bàn huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên-Huế) để truy bắt Sự.
Đèo Hải Vân nối Đà Nẵng- Thừa Thiên - Huế có địa hình hiểm trở
Thông tin từ Phòng Điều tra Hình sự (Quân khu 5) cho biết, hiện đơn vị vẫn đang phối hợp với Cục Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng và những lực lượng khác ráo riết truy bắt Sự.
Phạm vi truy tìm bao quát cả khu vực phía Nam nơi phạm nhân bỏ lại xe máy và phía Bắc đèo Hải Vân.
Đường sắt tăng cường cảnh giác
Một số người dân mưu sinh, buôn bán ở đèo Hải Vân cho biết, những ngày qua họ được lực lượng chức năng nhắc nhở cảnh giác và thông báo ngay khi phát hiện điều bất thường.
Là người thông thạo địa hình đèo Hải Vân, ông Phạm Dạn (ngụ phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết, ngay trong đêm 4/6, ông là người được các trinh sát nhờ dẫn đường để khóa lối thoát của Triệu Quân Sự.
Ông Dạn cho biết phạm nhân khó có thể thoát bằng đường biển
Người này cho rằng, Sự có thể xuôi xuống chân đèo, nơi có tuyến đường sắt Bắc -Nam đi qua để nhảy tàu tẩu thoát.
“Nước biển dọc chân đèo có sóng rất lớn, mực nước sâu, đối với người có thiết bị hỗ trợ cũng khó mà bơi ra đến những bãi đá cách bờ chừng 2 – 3 km”, ông Dạn nói.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thạnh (42 tuổi, trú thị trấn Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, cả hai sống bằng nghề chặt củi trên rừng Hải Vân lâu nay nên rất am hiểu địa hình.
Chị Thạnh cho rằng, rừng Hải Vân có nhiều hang đá, khe suối và gốc cây lớn, đồi rẫy của người dân có cả cây ăn quả, chính vì thế có thể giúp phạm nhân ẩn nấp, sống trong nhiều ngày.
Người dân nhận định phạm nhân có thể nhảy tàu hỏa chạy qua đèo để tẩu thoát
Người phụ nữ này suy đoán, dọc đèo Hải Vân, có các cống thoát nước lớn băng qua đường. Nếu di chuyển theo các đường ống này phạm nhân có thể tiếp cận xuống đường ray để nhảy tàu lửa.
Còn nếu băng cắt rừng Hải Vân để thoát chỉ có 2 hướng là băng ra rừng Nam Đông của Thừa Thiên-Huế hoặc rừng Đông Giang của tỉnh Quảng Nam.
“Nếu đi đường núi thì phải mất cả tháng mới thoát khỏi Đà Nẵng. Phía đường tàu thì hắn (Sự) có thể nhảy lên được, còn đường biển ở đây nước sâu, có độ xoáy lớn khó lắm.
Trên rừng Hải Vân có nhiều chòi rẫy, suối và lá cây có thể ăn được để sống sót”, chị Thạnh nói và cho biết nếu phát hiện bất thường chị sẽ báo cơ quan chức năng.
Các nhân viên gác chắn đường sắt phía Bắc đèo Hải Vân cho biết, những ngày qua họ được Trung tâm điều hành vận tải đường sắt - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cung cấp hình ảnh nhận dạng, quan sát kỹ khi tàu chạy qua đặc biệt là ban đêm và tăng cường cảnh giác.
Triệu Quân Sự là phạm nhân trốn Trại giam T10 (Quân khu 5, ở Quảng Ngãi) vào ngày 3/6 bằng cách trèo qua tường rào khu giam. Người này bị Tòa án Quân sự quân khu 1 (Thái Nguyên) tuyên án tù chung thân về tội giết người, cướp tài sản, đào ngũ và trốn khỏi nơi giam giữ. Đây là lần thứ 2 phạm nhân trốn khỏi nơi giam giữ. Đến nay, sau 7 ngày ráo riết tìm kiếm, ngoài chiếc xe máy Sự bỏ lại trên đường, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm thấy dấu vết của phạm nhân này. |
Theo Vietnamnet