Nhiều ngày nay, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục tăng mạnh. Đáng chú ý, tối ngày 15/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông báo thành phố ghi nhận 1.357 ca nhiễm mới, trong đó có tới 611 trường hợp cộng đồng.
Đây tiếp tục là ngày ghi nhận số ca mắc cao "kỷ lục" tại Thủ đô.
Test nhanh tại nhà phát hiện dương tính, người dân nên làm gì?
Đánh giá về tình hình dịch hiện tại ở Thủ đô khi các ca nhiễm liên tục đạt "đỉnh", Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho rằng, người dân vẫn phải tuân thủ biện pháp 5K, lực lượng chức năng vẫn phải nhanh chóng xét nghiệm khoanh vùng xử lý các ổ dịch.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho cư dân chung cư HH Linh Đàm.
"Giờ được điều trị cách ly theo dõi tại nhà nên người dân yên tâm, khi có vấn đề gì hoặc tự xét nghiệm dương tính phải liên hệ với lực lượng y tế để được hướng dẫn cụ thể. Sẽ phải xử lý rác thải y tế riêng, rác thải sinh hoạt xử lý bình thường.
Mỗi quận, huyện sẽ phải ký hợp đồng với công ty môi trường nào đó chịu trách nhiệm xử lý việc này", ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, số ca mắc tại Hà Nội sẽ tiếp tục tăng nữa, hơn 1.000 ca/ngày chưa phải "nổ", dự kiến có thể lên đến vài nghìn ca.
CDC khuyến cáo người dân, khi có vấn đề gì hoặc tự xét nghiệm dương tính phải liên hệ với lực lượng y tế để được hướng dẫn cụ thể.
"Tất cả kịch bản Hà Nội cũng đã lường tính cụ thể. Tuy nhiên, ở mức độ nào chúng ta sẽ xử lý mức độ đó và làm một cách phù hợp nhất.
Cùng với đó, hàng xóm cũng đóng vai trò rất quan trọng cùng chính quyền địa phương phối hợp, giám sát, hỗ trợ những gia đình có F0, F1 để không tiếp xúc với người ngoài", ông Tuấn nhấn mạnh.
Số lượng mẫu dương tính nhiều nên kết quả xét nghiệm trả sẽ chậm hơn
Liên quan đến vụ việc một gia đình ở chung cư HH3A Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội chờ một tuần mới có kết quả xét nghiệm khẳng định.
Việc này khiến chính quyền địa phương lúng túng vì không thể ký quyết định đi điều trị hay cách ly tại nhà. Không ít ý kiến cho rằng liệu việc lấy mẫu xét nghiệm có bị quá tải?
Liên quan đến vấn đề này, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, hiện nay lực lượng y tế tập trung xử lý mẫu xét nghiệm nhiều hơn trước đây. Ngoài ra mẫu dương tính nhiều hơn trước nên phải làm cẩn thận, chắc chắn.
CDC Hà Nội cho biết, hiện lực lượng y tế tập trung xử lý mẫu xét nghiệm nhiều hơn trước đây và phải làm cẩn thận hơn.
"Có mẫu dương tính phải làm xét nghiệm tới lần thứ 2,3 mới có kết quả chắc chắn khẳng định nên chậm, thứ 2 số lượng mẫu tăng. Trường hợp ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai không chỉ có CDC làm mà có đơn vị khác xét nghiệm nữa.
Nếu CDC làm thời gian đảm bảo nhưng một số đơn vị khác làm thường sẽ chậm hơn", ông Tuấn nêu.
Về thông tin cho rằng, việc chậm trả kết quả xét nghiệm có phải do bị quá tải hay không, ông Tuấn cho hay, thành phố chưa đến mức độ này nhưng do số lượng mẫu tăng lên, số lượng mẫu dương tính nhiều nên sẽ chậm hơn thời gian trước.
CDC cho biết do số lượng mẫu tăng lên, số lượng mẫu dương tính nhiều nên sẽ chậm hơn thời gian trước.
"Trước đây khi chưa ở trạng thái bình thường mới làm 1.000 mẫu xét nghiệm tất cả đều âm tính thời gian rất nhanh. Bây giờ làm 1.000 mẫu mà 100 mẫu dương thì lực lượng chuyên môn sẽ phải làm lần 2, lần 3, khẳng định xong phải khử khuẩn rồi mới làm tiếp được chứ không chạy liên tục.
Mẫu xét nghiệm dương tính nhiều sẽ mất thời gian hơn rất nhiều lần. Chỉ tính riêng CDC Hà Nội ngày làm vài nghìn mẫu xét nghiệm. Ngoài ra còn một số quận huyện và bệnh viện làm. Tính ra, mỗi ngày Hà Nội xử lý trên 10.000 mẫu xét nghiệm trong đó có cả mẫu cách ly, mẫu xét nghiệm lần 2 - 3 tương đối lớn", ông Tuấn đưa ra dẫn chứng.
Liên quan vụ việc gia đình 4F0 tại chung cư HH Linh Đàm, (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chờ 5 ngày nhưng chưa được đưa đi cách ly, một chuyên gia y tế khuyến cáo trong trường hợp này, người dân cần bình tĩnh, tự cách ly tại nhà trong bối cảnh F0 tăng lên rất nhanh.
CDC cho biết do số lượng mẫu tăng lên, số lượng mẫu dương tính nhiều nên sẽ chậm hơn thời gian trước.
Hiện, Hà Nội thực hiện "thích ứng an toàn với dịch" theo Nghị quyết 128 của Chính phủ nên việc gia tăng F0 là "điều không thể tránh khỏi". Thành phố cũng chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không Covid-19 (Zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu nguy cơ tử vong.
"Theo thống kê, 80 - 85% bệnh nhân nhẹ hoặc không triệu chứng. Trong thời gian đợi kết quả xét nghiệm PCR, họ cần bình tĩnh và tự cách ly. Điều quan trọng nhân viên y tế cơ sở biết cách điều phối. Nếu F0 chuyển nặng, cần chuyển ngay tuyến trên, giảm thiểu nguy cơ tử vong", vị này nói.
Vị này cũng cho biết, ở nhà tự điều trị có thể còn tốt và thoải mái hơn vào khu thu dung, điều trị.
Không để dân gọi mà không thấy bác sĩ
Tại hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 15/12, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng cho biết, số bệnh nhân Covid-19 mới phát sinh bình quân một tuần gần đây đã tăng lên hơn 750 ca/ngày, so với khoảng 460 ca/ngày trong một tuần trước đó. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Bí thư Hà Nội chỉ đạo các địa phương phải quán xuyến toàn diện, bố trí đủ trạm y tế lưu động khi ca F0 tăng mạnh, không để dân gọi mà không thấy bác sĩ, cần điều trị mà không có thuốc.
Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo tập trung tối đa cho tuyến cơ sở để phòng, chống dịch; đặt y tế cơ sở là trọng tâm để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ.
Xác định tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn đang ngày càng phức tạp, Bí thư Hà Nội khẳng định thắng bại trong cuộc chiến chống dịch hiện nay nằm ở y tế cơ sở.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương phải quán xuyến toàn diện, bố trí đủ trạm y tế lưu động khi ca F0 tăng mạnh, không để dân gọi mà không thấy bác sĩ, cần điều trị mà không có thuốc.
Theo Nhịp Sống Việt