Trường hợp này được công bố ngày 20/6 trên tạp chí y tế Eurosurveillance, do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu, mô tả.

Các tác giả nhấn mạnh nếu các chủng vi khuẩn lậu đa kháng thuốc như vậy tiếp tục lây lan, nhiều ca mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ không thể điều trị được.

Nam bệnh nhân ở Áo khoảng 50 tuổi, quan hệ tình dục không bao cao su với gái bán dâm ở Campuchia vào tháng 4. Năm ngày sau, ông ta bắt đầu đau khi tiểu tiện và có dịch chảy ra từ “cậu nhỏ”.

Mẫu xét nghiệm gạc cho thấy chủng vi khuẩn mà ông này nhiễm phải có khả năng kháng lại thuốc kháng sinh azithromycin rất cao. Đây là một trong những kháng sinh đầu tiên được sử dụng để điều trị bệnh lậu.

Đặc biệt, chủng “siêu lậu” này còn kháng nhiều loại kháng sinh khác như ceftriaxone, cefixime, cefotaxime, ciprofloxacin và tetracycline.

Người đàn ông ở Áo mắc bệnh siêu lậu sau tình một đêm-1
Chủng vi khuẩn "siêu lậu" mà người đàn ông ở Áo mắc phải có khả năng kháng lại hầu hết thuốc kháng sinh hiện có dùng để điều trị bệnh lậu. Ảnh: CDC.

Người đàn ông ban đầu được điều trị bằng azithromycin và ceftriaxone. Hai tuần sau, các triệu chứng thuyên giảm, nhưng kết quả mẫu dịch trong dương vật cho thấy virus vẫn không bị tiêu diệt, nói cách khác, người đàn ông này vẫn đang mang mầm bệnh.

Các xét nghiệm cho thấy vi khuẩn “siêu lậu” mà người này nhiễm phải nhạy cảm hơn khi bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh co-amoxiclav chứa penicillin. Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát hiện 2 loại thuốc thử nghiệm là efamulin và zoliflodacin cũng có khả năng chống lại chủng vi khuẩn này.

Hai loại thuốc này đang trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Các tác giả đánh giá kết quả rất hứa hẹn.

Hầu hết người mắc bệnh lậu không có triệu chứng. Nhưng một khi đã có biểu hiện của bệnh, biến chứng thường rất nghiêm trọng như vô sinh nếu không thể chữa khỏi nhiễm trùng. Các triệu chứng điển hình là tiết dịch, đau khi đi tiểu, đau tinh hoàn, chảy máu âm đạo bất thường.

Tại các quốc gia, phác đồ điều trị bệnh lậu khá khác nhau và thường bắt đầu bằng hỗn hợp azithromycin, ceftriaxone. Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo ceftriaxone là loại kháng sinh duy nhất cho hầu hết ca mắc lậu lần đầu.

Đây là lần thứ hai chủng “siêu lậu cầu” mới được phát hiện. Chủng trước đó xuất hiện vào năm 2018 ở nhiều quốc gia. Lậu là bệnh do khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây nên.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuật ngữ “siêu lậu” dùng để chỉ chủng virus lậu có mức độ kháng thuốc cao, có thể vô hiệu hóa những phương pháp điều trị hiện có.

Theo ước tính của CDC, bệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất ở Mỹ. Mỗi năm, hơn 1,5 triệu người Mỹ mắc bệnh này.

Các tổ chức y tế khuyến cáo sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, chung thủy một vợ một chồng là cách duy nhất để ngăn ngừa mắc bệnh lậu.

Theo Zing