Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân 62 tuổi (trú tại tỉnh Lai Châu) trong tình trạng nguy kịch, suy thận cấp, suy gan và phải thở máy.
Người nhà bệnh nhân cho biết khoảng 1 tuần sau khi làm và ăn thịt lợn ốm, bệnh nhân sốt cao, rét run, mệt mỏi, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, được điều trị tại nhà.
Bệnh nhân trong tình trạng xuất huyết hoại tử toàn thân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Hai ngày sau đó, bệnh nhân xuất hiện đi ngoài phân đen, kèm xuất huyết hoại tử toàn thân và được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, theo dõi liên cầu lợn.
Tại đây bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy, duy trì vận mạch... Tuy nhiên, sau 1 ngày điều trị tình trạnh không cải thiện, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Sau khi làm xét nghiệm, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não do liên cầu lợn (nhiễm vi khuẩn Streptococcus suis). Hiện tại bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch, suy đa tạng, thở máy.
Các bác sĩ cho biết biểu hiện bệnh liên cầu khuẩn thường sau vài tiếng đến 4-5 ngày, có trường hợp ủ bệnh 14 ngày, tùy cơ địa. Triệu chứng ban đầu thường không đặc trưng như đau bụng, sốt, buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng.
Trường hợp nặng, người bệnh đau đầu, sốt cao, suy giảm ý thức, tri giác lơ mơ, xuất hiện ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ.
Người từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại lần sau. Di chứng viêm màng não có thể khiến người bệnh bị điếc, đau đầu...
Vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm nấu chín kỹ. Do đó, người dân không ăn tiết canh, lòng lợn và thịt lợn chưa được nấu chín, không ăn thịt lợn chết hoặc bị bệnh.
Không giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống, rửa tay sạch sau khi chế biến thịt.
Theo Người Lao Động