Theo thông tin từ UBND xã Xà Hồ (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái), sáng 8/10, một người đàn ông tên N.T.T (61 tuổi, quê Hải Phòng) đã tử vong khi leo Tà Chì Nhù cao 2.979m.
Ngày 7/10, ông T. cùng 2 người phụ nữ và một người dân địa phương dẫn đường bắt đầu xuất phát chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, đêm ngủ lại trên núi, sáng tiếp tục lên đường. Khi đến độ cao khoảng 2.000m, mọi người nghỉ ngơi, chụp ảnh thì ông T. có biểu hiện chóng mặt, sau đó gục xuống và tử vong.
Theo Phó giáo sư, bác sĩ Võ Tường Kha, Bệnh viện Thể thao Việt Nam (Hà Nội), ở tuổi 61, cơ thể đã xuất hiện nhiều rối loạn chuyển hóa, mắc một số bệnh mạn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì, tắc nghẽn phổi mạn tính, hoạt động phản xạ thần kinh chậm chạp, cơ xương khớp thoái hóa…
Như vậy, người ở độ tuổi này cần tầm soát sức khỏe thật kỹ và điều trị ổn định các bệnh lý mắc phải trước khi tham gia môn thể thao bất kỳ.
Ngoài ra, cần kiểm tra trình độ thể lực (khả năng hoạt động thể lực) ở các lượng vận động khác nhau, khả năng phản xạ thần kinh, khả năng điều chỉnh thăng bằng cơ thể… để có quyết định lựa chọn môn thể thao và lượng vận động phù hợp tình trạng sức khỏe mình.
Để kiểm tra sức khỏe toàn diện, người dân có thể đến các bệnh viện đa khoa có chuyên khoa tim mạch, hô hấp, thần kinh, cơ - xương - khớp. Đối với việc đánh giá trình độ thể lực, đánh giá khả năng phản xạ thần kinh, thăng bằng cơ, người dân nên đến các đơn vị chuyên khoa phục vụ tập luyện thể dục thể thao.
Theo chuyên gia này, leo núi với độ cao 2.979m là môn thể thao sức bền điển hình. Độ cao và khoảng cách càng lớn càng đòi nỗ lực lớn của cơ thể, cần tiêu hao nhiều năng lượng, oxy, nước, để phục vụ cho hoạt động cơ thể, tổ chức, mô, tế bào của cơ thể.
Khi tổ chức, mô, tế bào của cơ thể thiếu hụt năng lượng, mất nước, mất hoặc rối loạn điện giải, rối loạn thăng bằng kiềm toan, “nợ” oxy… dễ gây ra các tình huống nguy hiểm đối với sức khỏe.
Ngoài ra, leo núi đòi hỏi sự dẻo dai cơ xương khớp, bền bỉ của hệ thống thần kinh, sự điều chỉnh thăng bằng của cơ thể. Như vậy, người 61 tuổi với quãng đường đó có thể xảy ra các tình huống sau đây:
- Thiếu oxy não, thiếu oxy cơ tim do hệ hô hấp không bù kịp.
- Cường giao cảm gây co mạch dẫn tới co thắt mạch não dẫn tới tăng huyết áp gây đột quỵ não (nhồi máu não hoặc xuất huyết não), co thắt mạch vành tim dẫn tới thiếu máu cơ tim gây nhồi máu cơ tim. Tình trạng này cũng dẫn đến thiếu oxy tổ chức tim và não.
- Hạ đường huyết do mất năng lượng quá nhiều, không được bù kịp, thiếu đường cho tổ chức hoạt động, đặc biệt thiếu đường cung cấp cho não và tim gây ra tình trạng choáng và đột quỵ não.
- Nếu bệnh nhân mắc phổi mạn tính, có thể kích hoạch cơn co thắt phế quản, hen phế quản cấp, dẫn tới hệ hô hấp không kịp thu nạp oxy, gây thiếu oxy tổ chức
- Gây quá tải, trường hợp nặng dẫn đến chấn thương cơ - xương - khớp, đặc biệt khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng, thắt lưng…, làm cho hệ thống vận động quá tải. Tình trạng này không gây chết người nhưng gây tổn thương hệ vận động.
Phó giáo sư Nguyễn Hoài Nam, nguyên trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 2, cho biết các hoạt động thể dục thể thao tốt cho cho sức khỏe nhưng tập như thế nào phải tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người.
Leo núi cũng là môn thể thao nhiều người yêu thích. Trên thế giới, nhiều người 70 tuổi vẫn có thể chinh phục đỉnh núi cao từ 3.000-7.000m. Tuy nhiên, trước khi leo núi hay chơi bất cứ môn thể thao nào người dân nên kiểm tra thật kỹ sức khỏe của mình.
Bác sĩ Nam khuyến cáo người dân nên khám chuyên sâu ở các khoa y học thể thao để được đo độ gắng sức của tim, đo các chỉ số tim mạch khác nhau để đánh giá mức độ chịu đựng của cơ thể.
Ở tuổi 60 trở đi, việc tập luyện thể thao quan trọng. Tuy nhiên, bạn nên chọn những môn thể thao phù hợp như đi bộ, chạy nhẹ tránh các môn thể thao đối kháng, gắng sức nhiều.
Để leo núi an toàn, bác sĩ Kha khuyến cáo ngoài việc kiểm tra thể lực trước chuyến đi, người dân nên chia các chặng để tránh mất sức, cần khoảng thời nghỉ để hồi phục.
Khi đi leo núi cần cần chuẩn bị thuốc huyết áp, tim mạch, hô hấp, các thuốc chấn thương. Chuẩn bị các thực phẩm chức năng bổ sung nặng lượng ví dụ nước uống bù điện giải, dung dịch đường, các bánh ăn liền, sữa…
Ngoài ra, bạn cần trang bị các dụng cụ hỗ trợ ví dụ như nịt gối, cổ chân, sống lưng, quần áo thoáng mát và thấm mồ hôi tránh cảm nóng hoặc hiện tượng cảm lạnh ngược do mồ hôi.
Theo Vietnamnet