Tối khuya ngày 9/8, trở về nhà sau thời gian làm việc với cơ quan chức năng trong sự việc học sinh lớp 1 trường Gateway (Hà Nội) tử vong, bà Nguyễn Thị Bích Quy - người đưa đón học sinh trên chuyến xe định mệnh - đã có cuộc trao đổi với chúng tôi.
Bà Nguyễn Bích Quy: Buổi sáng, tôi đi xe máy đến rồi để ở trong trường, bên ngoài đã có tài xế chờ sẵn.
6h15 tôi bắt đầu đi đến điểm đón đầu tiên tại đường Nguyễn Chí Thanh. Khoảng 6h40 thì xe đến điểm đón cháu Long (học sinh bị tử vong) ở số 1 Trung Hòa, Cầu Giấy. Sau khi đón cháu từ người giúp việc của gia đình, tôi đưa lên xe và để cháu ngồi ở trong cùng hàng thứ 2 từ cuối lên.
Khi đó, cháu mặc áo màu đỏ, quần sẫm màu, chân đi dép lê. Đến điểm đón cuối, có hai cháu bé lớp 1 đi học ngày đầu tiên nên rất nhát và quấy khóc. Tôi cứ thế dỗ các cháu.
Khi đến trường khoảng 7h20, tôi mở cửa xe cả ở trên cabin lẫn cửa dưới cho học sinh xuống. Còn 2 cháu mới thì không chịu xuống nên tôi nhấc 1 cháu, tay kia vẫn bế cháu còn lại. Tôi nhòm vào xe thì không thấy ai nên đã đóng cửa. Sau đó, tài xế đánh xe đi về còn tôi dẫn các cháu vào trường.
Xe đến trường đúng lúc học sinh vào lớp, khi đến cửa thì các cháu ùa vào.
Trên tay tôi vẫn bế một cháu và dắt theo cháu còn lại đi vào và lên nhà ăn ở tầng 2. Lẽ ra, dẫn các cháu vào là tôi cũng xong việc. Nhưng hôm nay vì 2 cháu kia bám không chịu rời nên tôi đã vào lấy sữa và xôi cho ăn rồi dẫn 2 cháu lên lớp. Sau đó, tôi xuống ký bàn giao đủ 13 cháu (tính cả cháu Long) rồi đi về.
Đến 16h kém 15, tôi lại đến trường để đón các cháu.
Lúc này, lái xe đã chờ ở ngoài. Khi tôi vào đón thì chỉ thấy 9 cháu và thiếu cháu Long (3 cháu khác đã được bố mẹ đón).
Ngay sau đó, tôi đã báo cho một cô giáo; cô giáo này tiếp tục báo tới Ban giám hiệu nhà trường. Cô ấy cũng bảo tôi dẫn 9 cháu ra xe trước rồi vào tìm bạn Long sau. Khi tôi vừa mở cửa xe, học sinh đã kêu lên có người chết.
Lúc đó, tôi run hết cả chân tay, không làm được gì hết. Có một phụ huynh gần đó đã bế Long chạy vào phòng y tế của trường để cấp cứu.
Khi ấy, tôi không thể chạy theo vì phải ở lại trông các cháu. Còn tài xế đã gọi điện cho nhà xe để báo tình hình. Nhà xe nói cứ đưa các cháu về gia đình sau đó quay lại trường.
Trên xe, tôi bảo với ông Phiến tài xế là: “Cầu trời khấn phật cho cháu thở lại thì mình cũng đỡ; chứ cháu mà có vấn đề gì thì mình chỉ có bị đi tù thôi”.
Ông Phiến khi đó cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại gọi đến. Ông ấy bảo với tôi: “Thôi không nói chuyện ấy, để yên cho ông ấy tập trung lái xe”. Trong suốt quãng đường đó, ông ấy im lặng.
Bà Nguyễn Bích Quy trao đổi với chúng tôi.
Sau khi đưa hết học sinh về các điểm, tôi và ông Phiến quay lại trường. Có một cô giáo đưa cho chúng tôi mỗi người một tờ giấy để khai báo sự việc. Mới viết được vài dòng thì ông Phiến nhận được điện thoại báo cháu Long đã mất. Ngồi một lúc thì công an vào và bắt tôi và lái xe lên phường để khai báo. Họ giữ tôi, thu điện thoại và tra hỏi đến gần 3h30 sáng hôm sau mới xong.
- Như vậy, từ lúc học sinh lên xe và xuống xe, bà đều không kiểm tra về sĩ số? Bà cũng không nhận ra sự vắng mặt của Long?
Vì vướng 2 cháu mới quấy khóc quá nên tôi vừa phải bế, vừa phải dắt các cháu vào. Lúc đó, tôi không kiểm soát được và cũng không thể đếm được. Cửa từ mở sẵn nên các cháu ùa vào, lẫn cả vào với những xe khác; còn tôi thì đi theo sau. Trước đó, tôi cũng đã nhòm vào trong xe nhưng thấy không còn ai nên mới đóng cửa.
- Bà nói không kiểm soát được, vậy còn nhà trường? Chẳng lẽ trường không có bộ phận tiếp nhận xem con số 13 học sinh ấy đã đủ hay chưa?
Không có ai kiểm tra lại số lượng. Mới vào đầu năm nên chưa có. Tôi đón 13 cháu rồi tự ghi vào sổ. Chỉ đến khi vào lớp, cô giáo chủ nhiệm điểm danh, thấy thiếu như thế nào thì mới báo lên ban giám hiệu nhà trường để gọi cho gia đình hoặc gọi cho người đón. Nhưng ngày hôm ấy, tôi không nhận được cuộc gọi nào, cũng không thấy ai hỏi gì cả.
- Hôm xảy ra sự việc, bà có thấy cháu Long có biểu hiện gì khác thường không?
Cháu khi ấy hoàn toàn bình thường, rất vui vẻ. Buổi đầu tiên tôi cũng đón cháu và cháu là người bé nhất vì hôm ấy 2 bạn nhỏ kia chưa đi học. Tôi cũng dẫn cháu lên nhà ăn, lấy thức ăn cho cháu. Cháu rất bình thường và vui vẻ.
- Sáng khi đi học, cháu mặc áo màu đỏ, nhưng khi xem trích xuất camera lúc bế cháu ra thì cháu lại mặc áo xám. Điều này có thể lý giải như thế nào?
Tôi cũng không biết gia đình cháu có cho áo vào balo hay không; rồi không biết cháu có biết thay không. Lúc bối rối như thế, sao cháu có thể biết thay áo? Tôi cũng tự đặt ra nhiều câu hỏi và cảm thấy nghi ngờ về chi tiết này, nhưng cũng không lý giải được.
Khi tôi mở cửa ra thì đã thấy cháu nằm ngay sau ghế lái xe và ở dưới sàn. Cháu nằm ngửa, chân tay duỗi thẳng và áo đã bị thay.
Clip bà Quy kể vị trí cháu Long buổi sáng và buổi chiều trên xe 16 chỗ đưa đón học sinh.
- Theo bà nhớ, lúc phát hiện Long nằm bất tỉnh trong xe, vị trí và tư thế của cháu ra sao?
Cháu nằm vuông góc với thân xe và ngay sau hàng ghế lái, khi đó cháu nằm ở tư thế ngửa thẳng chân tay. Đầu hướng ra phía cửa mở, chân duỗi vào trong. Tôi nhìn thì run bắn người lên. Chỉ thấy môi cháu tím đen đi, tóc ướt mồ hôi và nghĩ không thể cấp cứu được nữa.
Theo quan sát của tôi, với vị trí của cháu Long lúc đó, người lái xe có khả năng và có thể cũng dễ nhìn được. Tuy nhiên, ông Phiến nổ máy đi từ chỗ gửi xe ô tô đến trường và có thời gian ngồi chờ các học sinh ra mà lại không nhìn thấy. Cháu bé có phải là cái kim đâu, người to như thế mà lái xe lại không nhìn thấy.
- Khi mở cửa xe vào buổi chiều, bà có thấy xung quanh cháu có điều gì khác thường không?
Buổi chiều, tôi thấy một quả bóng bay có dây buộc ở trong xe. Tôi không chắc buổi sáng đã có chưa, nhưng nếu của cháu nào đó thì cháu ấy đã cầm theo. Chi tiết này tôi cũng quên chưa khai báo với công an.
- Ngày hôm đó có phải ông Phiến lái xe là người cuối cùng rời khỏi xe?
Đúng là thế. Nhưng hôm đó ông ấy cũng không kiểm tra xe. Đáng lẽ như bình thường sẽ phải kiểm tra xe, kéo các rèm lại, sau đó khóa xe và đi về.
- Bà với ông Phiến bắt đầu làm việc với nhau từ khi nào và bà đánh giá như thế nào về ông Phiến?
Tôi cũng không quen biết ông Phiến trước đây. Qua giới thiệu của trưởng nhóm xe nên tôi đi làm. Mới làm việc với nhau được 2 hôm thì đánh giá thế nào. Nhưng về cơ bản cảm nhận cũng tốt.
Bà Bích Quy nói chuyện với phóng viên trong căn nhà của mình tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội).
- Bà đã ký hợp đồng với trường Gateway hay nhà xe chưa? Hợp đồng của bà với trường có những điều khoản gì? Có quy định cụ thể về quy trình đưa đón học sinh không?
Tôi chưa ký gì với cả hai bên. Tôi chỉ làm theo thời vụ.
Trước đây tôi làm tạp vụ ở một trung tâm dạy Toán tư duy. Sau đó tôi không muốn làm nữa và được chú Đoàn – trưởng quản lý đội xe - cũng là hàng xóm gọi đi làm công việc đưa đón học sinh nên tôi đã đi.
Tôi mới đi làm buổi thứ 2 nên nhà trường chưa nói gì đến việc ký hợp đồng. Đến buổi thứ 2 thì xảy ra chuyện như thế.
- Tức là trước đó bà cũng chưa từng làm việc với lãnh đạo nhà trường hay cán bộ nhân viên?
Năm ngoái, do cô đón trẻ nghỉ việc đột xuất nên tôi đã làm cho trường Gateway một tháng thì đến kỳ nghỉ hè. Mức lương tôi nhận được khi ấy là 2,8 triệu/ tháng.
- Vậy bà đã được huấn luyện, đào tạo kỹ năng quản lý, đưa đón học sinh như thế nào?
Có mấy hôm coi như là để đi đào tạo nhưng tôi lại bận chưa đi được. Tôi chưa được qua trường lớp đào tạo nào về những điều này.
Mấy lần chú Đoàn gọi đi họp nhưng tôi bận vì vẫn phải làm ở trung tâm kia.
- Kể từ sau sự việc, nhà trường đã từng liên hệ với bà lần nào hay chưa?
Từ ngày xảy ra sự việc, phía nhà trường mới chỉ liên hệ tới gia đình tôi vì khi ấy tôi vẫn đang bị giữ trong quận. Chiều 8/8, nhà trường đã họp để thuê luật sư bào chữa cho nhà trường, lái xe và tôi.
Còn về phía nhà xe thì đã yêu cầu gia đình tôi nộp sơ yếu lý lịch để làm hợp đồng. Tuy nhiên gia đình tôi không cung cấp để nhà xe làm điều đó.
- Những ngày qua, cảm xúc của bà như thế nào?
Tôi rất buồn vì sự việc xảy ra khi cháu còn quá bé. Cháu cũng là đứa trẻ rất ngoan. Trong khi đó, một số thông tin cho rằng cháu cãi nhau trên xe và bị tôi đánh. Tôi là người rất quý trẻ con nên mới làm công việc này. Lương có 2,8 triệu mà tôi vẫn làm. Tại sao tôi có thể đánh cháu? Việc cháu qua đời bản thân tôi cũng rất buồn, ăn không ngon, cũng không thể ngủ được.
- Sau sự cố này theo bà trách nhiệm lớn nhất thuộc về ai?
Trách nhiệm lớn nhất chắc thuộc về tôi, bởi vì tôi phụ trách việc đưa đón và tôi đã để quên cháu.
Nhưng tôi cũng không chắc lắm việc mình có quên cháu thật hay không. Việc cháu mất thì pháp y sẽ phải làm rõ xem cháu mất có do lý do gì khác không. Tôi cũng rất hoang mang.
Đúng là tôi là người chịu trách nhiệm đưa đón. Tôi là người thiếu sót đầu tiên, rồi đến bác lái xe và đến giáo viên chủ nhiệm. Bởi giáo viên phải kiểm tra sĩ số học sinh, nếu thấy thiếu phải báo cho gia đình hoặc người đưa đón.
Đằng này, từ sáng cho đến khi đón không thấy có cuộc điện thoại thông báo nào cả, nên tôi cũng yên tâm là đầy đủ các cháu rồi.
Xin cảm ơn bà!
Theo VietNamNet