Trên trang fanpage chính thức của H&M tại Việt Nam, các bài đăng nhận hàng chục nghìn lượt phẫn nộ và bình luận phản đối. Người dùng kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của H&M tại Việt Nam.

"Sao thương hiệu quốc tế lại đi ủng hộ đường lưỡi bò, trong khi các nước lớn trên thế giới còn đang lên án chính sách bành trường trên biển Đông của Trung Quốc. Tôn trọng người dùng Trung Quốc mà sao lại coi thường người tiêu dùng Việt Nam?", tài khoản Gia Phát bày tỏ quan điểm.

"Một thương hiệu lớn nhưng không biết phân biệt phải trái đúng sai. Nếu không đính chính lại thông tin xin mời rời khỏi Việt Nam, đừng kinh doanh trên một đất nước mà bạn không tôn trọng chủ quyền", tài khoản Tuan Phi Luong khẳng định.

Người dùng Việt Nam kêu gọi tẩy chay H&M-1
H&M bị kêu gọi tẩy chay. Ảnh chụp màn hình.

PV đã liên hệ H&M nhưng chưa nhận được phản hồi.

Theo Wall Street Journal, mới đây chính quyền Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết H&M "đồng ý thay đổi một bản đồ có vấn đề". "Người dùng Internet phản ảnh với bộ phận quản lý trang web của H&M về tấm bản đồ Trung Quốc có vấn đề, và Cục Tài nguyên Thượng Hải đã yêu cầu H&M chỉnh sửa", chính quyền Thượng Hải cho biết.

Cơ quan này khẳng định H&M đã "chỉnh sửa ngay lập tức".

Trước đó, các tổ chức nhà nước và truyền thông Trung Quốc chỉ trích dữ dội H&M và một số thương hiệu thời trang nước ngoài vì tuyên bố "không sử dụng bông Tân Cương". Thời gian qua, chính phủ Mỹ và châu Âu trừng phạt một số quan chức Trung Quốc vì chính sách của Bắc Kinh đối với Tân Cương.

Sau đó, vị trí các cửa hàng H&M bị xóa khỏi bản đồ online của Trung Quốc. Thậm chí, một số cửa hàng cũng bị yêu cầu đóng cửa. Cuối tháng 3, H&M tuyên bố "đang nỗ lực hết sức để lấy lại niềm tin của khách hàng, đồng nghiệp và đối tác kinh doanh ở Trung Quốc".

Theo Zing