Đọc dòng tin nhắn của tổ trưởng dân phố, Nguyễn Thị Bích (26 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) thở dài khi nhìn thấy đường link khai báo y tế được gửi.

Đây là lần thứ 4 chị phải điền thông tin vào tờ khai này, kể từ khi xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 8/3.

Sau khi biết bản thân mắc Covid-19, Bích muốn liên hệ với nhân viên y tế phường để nhận giấy quyết định cách ly và chứng nhận F0. Các giấy tờ này sẽ giúp chị hưởng chế độ từ bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định.

Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ, những gì cô gái 26 tuổi nhận được chỉ là những hướng dẫn lặp lại và "máy móc" từ nhân viên y tế phường.

4 lần khai báo F0 không thành

Ngày 11/3, ba ngày kể từ khi mắc Covid-19, Bích mới liên lạc được với nhân viên trạm y tế phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, để nghe hướng dẫn làm thủ tục nhận giấy quyết định cách ly.

Qua điện thoại, thay vì hỏi thông tin cá nhân của người liên hệ, nhân viên y tế hướng dẫn Bích lên Facebook để tìm tên group cư dân của phường và khai báo theo đường link cung cấp trên đó.

Sau khi gõ tên nhóm trên thanh tìm kiếm, Bích lạc vào một "ma trận" bởi có quá nhiều nhóm có tên trùng nhau. Chị không biết đâu mới là nhóm "chuẩn" của phường, nên đã chọn vào nhóm có hơn 6.000 thành viên tham gia.

"Tôi đọc các bài viết trên nhóm và phải mất một lúc để tìm được link khai báo theo như mô tả của nhân viên y tế. Tuy nhiên, tôi cũng đặt câu hỏi làm thế nào để nhân viên biết tôi thực sự mắc Covid-19, vì trong tờ khai không hề yêu cầu tôi cung cấp ảnh chụp kết quả xét nghiệm", Bích kể lại.

Dù lo lắng, nữ nhân viên văn phòng vẫn làm theo hướng dẫn, điền đầy đủ thông tin theo yêu cầu. Tuy nhiên, chị không nhận được tin nhắn xác nhận hay bất kỳ liên hệ nào khác từ y tế địa phương kể từ hai ngày sau khi điền thông tin vào tờ khai.

Cho rằng thông tin khai báo của mình bị bỏ qua, Bích tiếp tục liên hệ với trạm y tế phường. Khi chị trình bày đã khai báo theo link được hướng dẫn nhưng chưa nhận được quyết định cách ly, nhân viên y tế nói rằng Bích phải khai báo lại rồi chờ tiếp.

Người Hà Nội lạc vào ma trận khai báo online khi làm chứng nhận F0-1
Nguyễn Bích mắc Covid-19 từ ngày 8/3 và phải nghỉ việc ở nhà 10 ngày để cách ly, điều trị. Ảnh: NVCC.

"Khi ấy tôi đã rất mệt mỏi vì đang phải điều trị ho sốt, nhưng nghĩ đến khoản hỗ trợ BHXH nên vẫn kiên nhẫn để khai báo lại thông tin từ đầu, rồi lại chờ đợi trong vô vọng.

Cứ thế, tôi tiếp tục liên hệ với tổ trưởng dân phố và y tế phường hỏi về trường hợp của mình, nhưng lần nào cũng được yêu cầu khai báo lại", Bích nói.

Tổng cộng, cô gái này trải qua 4 lần khai báo y tế online với thông tin y hệt nhau, nhưng kết quả không nhận lại được gì.

Sau khi khỏi bệnh vào ngày 18/3, Bích liên hệ thêm lần cuối nhưng tin nhắn được gửi từ tổ trưởng dân phố vẫn là đường link mà cô đã khai báo trước đó 4 lần. Cuối cùng, nữ nhân viên văn phòng từ bỏ ý định làm thủ tục để hưởng BHXH.

Theo Bích, việc hỗ trợ người dân khai báo và cấp giấy chứng nhận online sẽ giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm so với việc yêu cầu F0 đến trạm y tế. Tuy nhiên, hình thức này có thể khiến người dân hoang mang vì không biết thông tin của bản thân đã được tiếp nhận hay chưa.

"Tôi đã hy vọng nhân viên y tế linh động để xử lý trực tiếp với những trường hợp đã khai báo nhiều lần như tôi mà không có kết quả, chứ không phải để tôi tự xoay sở và yêu cầu khai báo lại nhiều lần mà không có phương án nào khác", Bích nói.

Khai báo online để giảm tải cho y tế cơ sở

Thực tế, sau một thời gian để xảy ra tình trạng F0 phải xếp hàng xét nghiệm tại trạm y tế và nhận giấy xác nhận mắc Covid-19, nhiều địa phương của Hà Nội linh động hơn trong việc cho người dân khai báo và nhận quyết định cách ly bằng hình thức online.

Bên cạnh một số trường hợp đã khai báo nhiều lần nhưng chưa nhận được phản hồi như Bích, nhiều người cho biết đã khai báo online và nhận được giấy chứng nhận F0 dễ dàng.

Mắc Covid-19 từ ngày 13/3 và khỏi bệnh sau một tuần, Phạm Tuấn Linh (23 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng) rất thuận lợi khi xin giấy chứng nhận F0.

Theo đó, Linh chỉ cần liên hệ với nhân viên y tế phường để khai báo thông tin trực tiếp qua điện thoại và gửi ảnh chụp que xét nghiệm nhanh.

Nhân viên sau đó sẽ gửi ảnh chụp giấy yêu cầu cách ly qua Zalo cho Linh. Khi khỏi bệnh, nam thanh niên chỉ cần gửi lại ảnh chụp que xét nghiệm âm tính là sẽ lấy được giấy chứng nhận F0 khỏi bệnh.

"Thủ tục và khai báo rất nhanh gọn nhưng có lẽ mình cũng là trường hợp may mắn được giải quyết nhanh. Nhiều người dân trong khu mình ở thậm chí không liên hệ được với nhân viên y tế phường, vì nhiều lúc đường dây nóng bị quá tải", Tuấn Linh nói.

Người Hà Nội lạc vào ma trận khai báo online khi làm chứng nhận F0-2
Vào hồi tháng 1, nhiều phường, xã của Hà Nội yêu cầu người dân đến trạm y tế để trực tiếp xét nghiệm và lấy giấy chứng nhận F0. Ảnh: Mỹ Hà.

Trước những khó khăn của người dân về việc làm thủ tục xác nhận F0 để hưởng BHXH, mới đây, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) Hà Nội cho biết thành phố chuẩn bị đưa vào vận hành phần mềm quản lý F0 tại nhà, cấp giấy chứng nhận F0 khỏi bệnh áp dụng chữ ký số.

Phần mềm này được kỳ vọng góp phần giảm tải cho các trạm y tế ở phường, xã, thị trấn, đồng thời giảm việc tập trung đông người tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch Covid-19 tại các trạm y tế.

Theo đó, Sở TTTT và các đối tác đã xây dựng, phát triển xong các tính năng mới trên nền tảng phần mềm quản lý, chăm sóc F0 tại nhà đã có của thành phố, trong đó bổ sung 4 tính năng chính là: Trả kết quả xét nghiệm, giấy nghỉ ốm, đơn thuốc và giấy xác nhận khỏi bệnh cho các F0 điều trị tại nhà đã khỏi bệnh.

Hiện, hệ thống có thể đảm bảo ổn định với khả năng đáp ứng hơn 10.000 người truy cập vào cùng một thời điểm.

Khi được hỏi về kỳ vọng dành cho phần mềm quản lý F0 này, chị Bích nói rằng mong muốn của chị là hệ thống sẽ không bỏ sót những trường hợp đã khai báo, như cách mà hệ thống quản lý F0 của phường Hoàng Văn Thụ đã làm với chị.

Theo Zing