Người Hà Nội rộ mốt săn cây tài lộc bằng tiền thật về chơi Tết

Với mong muốn năm mới mang lại may mắn, tài lộc, sung túc… những ngày này cây tài lộc bằng tiền thật trở thành hàng “sốt” dịp cận tết. Nhiều nơi làm mặt hàng này cho biết liên tục bị cháy hàng.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Bính Thân 2016 nhưng những ngày gần đây cây tài lộc bằng tiền thật luôn được nhiều người săn tìm. Nhiều nơi làm mặt hàng này cho biết, những thợ lành nghề, khéo tay ngày đêm làm nhưng không đủ cung ứng cho khách.

Người Hà Nội rộ mốt săn cây tài lộc bằng tiền thật về chơi Tết - Ảnh 1.

Người Hà Nội rộ mốt săn cây tài lộc bằng tiền thật về chơi Tết - Ảnh 2.
 Cây tiền tài lộc với nhiều mệnh giá được làm thủ công.

Mỗi chậu cây tài lộc thường được tạo nên với mong ước năm mới may mắn, phát tài. Được làm bởi nhiều mệnh giá tiền giấy khác nhau như 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng… Một số cây tài lộc còn được gấp từ đôla Mỹ mệnh giá 1 USD, 2 USD hay thậm chí tiền Euro tương ứng với các màu sắc đặc trưng, các cây tài lộc mang những ý nghĩa riêng biệt.

Người Hà Nội rộ mốt săn cây tài lộc bằng tiền thật về chơi Tết - Ảnh 3.
Để làm ra một cây tiền tài, người làm vừa phải khéo léo, vừa tỉ mỉ sao cho
số lượng tờ tiền phải khớp với yêu cầu và sở thích của khách.


Người Hà Nội rộ mốt săn cây tài lộc bằng tiền thật về chơi Tết - Ảnh 4.
Một loại cây tiền tài hình rẻ quạt hút khách.

Người Hà Nội rộ mốt săn cây tài lộc bằng tiền thật về chơi Tết - Ảnh 5.

Người Hà Nội rộ mốt săn cây tài lộc bằng tiền thật về chơi Tết - Ảnh 6.
 Từng chi tiết đòi hỏi người làm khá tỉ mỉ, kỳ công.

Người dân trước nay vẫn quan niệm, màu đỏ của tiền giấy 500 đồng và 10.000 đồng (loại cotton cũ) tượng trưng cho may mắn, màu xanh của mệnh giá 5.000 đồng và 20.000 đồng (loại cotton cũ) là màu của tài lộc, thịnh vượng nên vào dịp cuối năm những tờ tiền mới này được săn tìm ráo riết dù giá tiền mua lại thường cao hơn giá trị thực tế.

Hình thức gấp tiền trên những cây tài lộc cũng đa dạng không kém mệnh giá tiền, từ gấp hình bướm, trái tim cho đến hình quạt,…

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Vân Anh, ở quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, qua bạn bè giới thiệu chị cũng đã đặt mua.

Người Hà Nội rộ mốt săn cây tài lộc bằng tiền thật về chơi Tết - Ảnh 7.
Những cây tài lộc này qua bàn tay khéo léo của con người được uốn nắn đẹp.


“Cũng mong muốn gia đình năm mới nhiều tài lộc nên tôi cũng đặt mua một cây tiền tài về để bàn thờ gia tiên và biếu hai bên nội ngoại. Tuy nhiên, vì chọn mẫu đẹp kỳ công nên phải đặt trước để nhà hàng làm cẩn thận cho mình và phải chờ vài ngày mới có”, chị Vân Anh chia sẻ.

Chị Tuyết Nhung, chủ cửa hàng kinh doanh cây tiền tài lộc trên đường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, đến dịp cuối năm cửa hàng của chị lại tất bật.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi cây tiền tài thường được làm từ 37, 39, 47 hoặc 53 tờ tiền các loại mệnh giá khác nhau. Theo đó, nếu cây có giá khoảng 300.000 đồng thì được làm bởi 37 tờ tiền mệnh giá 500 đồng, giá trị thực chỉ dừng ở mức 18.000 đồng.

Người Hà Nội rộ mốt săn cây tài lộc bằng tiền thật về chơi Tết - Ảnh 8.

Người Hà Nội rộ mốt săn cây tài lộc bằng tiền thật về chơi Tết - Ảnh 9.
 Dịp cuối năm cây tài lộc cháy hàng vì nhiều người tìm mua.

Lý giải cho việc cây tiền tài lại có giá cao như thế, chị Tuyết Nhung cho biết: "Làm sản phẩm này không thể tính ở giá trị các tờ tiền trên cây, việc đổi tiền lẻ đã khó nhưng việc kỳ công ngồi gấp, ghép các tờ tiền sao cho hợp lý, bắt mắt và hình thành dáng cây là điều quan trọng nhất".

Tuy nhiên, theo chị Tuyết Nhung, vì trang trí đẹp mắt ngoài khách cũ mỗi năm cửa hàng chị kéo thêm được rất nhiều khách mới, cơ sở có 5 nhân công lành nghề, khéo tay làm nhưng không đủ cung cấp cho khách hàng và luôn trong tình trạng cháy hàng.

Cũng như chị Tuyết Nhung, chị Minh, kinh doanh mặt hàng cây tiền tài ở đường Âu Cơ, Hà Nội cho biết, giá trị cây tiền tài không phải đo đếm ở giá trị số đồng tiền mà giá trị ở nghệ thuật. Khách hàng chủ yếu là công nhân viên chức mua để tặng người thân.

“Đầu năm mọi người ai cũng mong muốn một năm tiền tài, bình an… nên việc mua đắt hơn một chút mọi người cũng sẵn sàng săn tìm. Vì thế mặt hàng này nhà tôi luôn bán hết. Khách ở xa nếu muốn mua phải đặt tiền trước cả nửa tháng chúng tôi mới chuẩn bị kịp”, chị Minh cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Anh Dũng, Công ty luật Đại Phúc (Hà Nội) cho biết, theo quy định Khoản 2, điều 3 quyết định số 130/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/6/2003 đã quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm về việc hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.

Khoản 3, điều 31 nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng cũng nêu rõ hành vi hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng.

“Tiền có chức năng giao dịch và thanh toán vì vậy mọi hành vi xé rách, cắt dán... làm cho tờ tiền không còn giá trị sử dụng, trao đổi, thanh toán như đúng chức năng của nó thì được coi là hủy hoại tiền. Trong trường hợp sản xuất cây tiền tài lộc không bị xem là hủy hoại tiền vì không làm rách tiền và không làm mất giá trị của đồng tiền. Việc sử dụng những tờ 10.000 đồng và 20.000 đồng loại cotton càng không phạm luật vì hai loại tiền này đã không còn được lưu hành”, luật sư Trần Anh Dũng cho hay

Theo luật sư Trần Anh Dũng: “Việc người làm ra các sản phẩm đó bán lại cho người khác đó là quan hệ dân sự, thuận mua vừa bán, tuỳ thuộc vào giá trị số lượng tiền tiền dùng để làm ra các sản phẩm đó và công sức”.

Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao