UBND phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) mới đây đã yêu cầu người dân ký cam kết nếu từ chối tiêm chủng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh.
Văn bản trên của phường Hoàng Liệt nêu: "Đối với những trường hợp trong độ tuổi nhưng từ chối tiêm chủng, yêu cầu người dân ký cam kết với UBND phường về việc không thực hiện tiêm chủng, nêu rõ lý do và cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng".
Liên quan đến văn bản này, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia nhấn mạnh, ''tiêm vắc xin Covid-19 là quyền lợi của mỗi người và cũng là trách nhiệm với cộng đồng".
Mỗi người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành việc tiêm chủng, để cộng đồng có miễn dịch, được bảo vệ an toàn.
"Người được tiêm chủng đầy đủ sẽ giảm nguy cơ lây bệnh, nếu không may lây nhiễm thì cũng tránh nguy cơ diễn biến nặng, tử vong. Vì vậy mỗi người dân đừng bỏ lỡ cơ hội bảo vệ mình", bà Hồng nói.
Tương tự, một chuyên gia trong lĩnh vực tiêm chủng cũng thông tin thêm, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định cơ quan chức năng có quyền yêu cầu bắt buộc người trong diện cần tiêm chủng đi tiêm chủng, đặc biệt ở vùng dịch.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cơ quan chức năng chỉ khuyến khích người dân đi tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe, chưa xử phạt người từ chối tiêm chủng.
Trao đổi thêm dưới góc độ luật pháp, luật sư Trịnh Thị Việt Kiều (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc tiêm chủng vắc xin phòng chống Covid-19 như hiện nay là “Quyền lợi của người dân, người dân Được tiêm”.
“Trong tình huống nếu thuộc diện được tiêm mà từ chối tiêm thì khi làm phát tán, lan truyền dịch bệnh thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm theo pháp luật hiện hành. Việc ký cam kết hay không đều không làm ảnh hưởng đến việc phải chịu trách nhiệm”, luật sư nhấn mạnh.
Theo luật sư, hiện nay chưa có quy định bắt buộc toàn bộ người dân phải tiêm vắc xin Covid-19. Thực tế cơ quan chức năng vẫn đang thực hiện khuyến khích người dân đi tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe.
Tuy nhiên, trong trường hợp dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, cơ quan y tế có thẩm quyền sẽ yêu cầu người dân tại một số khu vực nhất định phải tiêm mà người đó từ chối, không chịu tiêm chủng thì mới bị xử phạt.
Điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định 177/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, với hành vi ''vi phạm quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế'', cụ thể là ''Không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền'', sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Do đó, trường hợp từ chối tiêm vắc xin Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền, trừ trường hợp có lý do chính đáng như: Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người có sức khỏe không đảm bảo để được tiêm vắc xin Covid-19, thì sẽ bị xử phạt theo quy định trên.
Ngoài ra, căn cứ khoản 4 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, mức tiền phạt với vi phạm nêu trên là mức trung bình của khung tiền phạt (2.000.000 đồng), nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá 3.000.000 đồng.
Đồng thời, trường hợp không chịu tiêm vắc xin Covid-19 mà dẫn đến bị nhiễm bệnh, lây nhiễm bệnh cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với tội ''làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người'', khung hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng; cao hơn thì có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 5 năm.
Theo Infonet