Bộ Luật Lao động 2019 quy định, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động trong 1 ngày vào ngày nghỉ lễ. Trường hợp ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, Tết thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.

Người lao động không được nghỉ bù dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5-1

Tuy nhiên, năm 2024, ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) rơi vào thứ năm, ngày 18/4. Đây là ngày làm việc trong tuần của người lao động, vì thế, lịch nghỉ giỗ tổ chỉ được nghỉ 1 ngày là thứ năm, ngày 18/4.

Đối với ngày Chiến thắng (30/4) và ngày Quốc tế lao động (1/5), so với các năm trước đây, năm nay lịch nghỉ lễ của 2 ngày này đều rơi vào thứ ba (ngày 30/4) và thứ tư (ngày 1/5). Đây cũng là các ngày làm việc trong tuần nên người lao động nghỉ đợt lễ này sẽ không được nghỉ bù.

Lịch nghỉ 30/4 và 1/5 sẽ kéo dài 2 ngày, từ thứ ba, ngày 30/4 đến hết thứ tư, ngày 1/5.

Người lao động không được nghỉ bù dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5-2
Người lao động làm thêm dịp lễ, Tết vào ban ngày được trả ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ đối với người lao động hưởng lương ngày.

Dựa trên thông báo từ Bộ LĐ-TB-XH, các doanh nghiệp ngoài nhà nước có thể bố trí, sắp xếp lịch nghỉ lễ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, cũng như đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Trong năm 2024, ngoài 11 ngày nghỉ lễ, Tết theo quy định, người lao động sẽ có thêm 6 ngày nghỉ liên tiếp do rơi vào cuối tuần, tổng cộng có 17 ngày nghỉ. Trong đó, kỳ nghỉ dài nhất là Tết Nguyên đán Giáp Thìn với tổng số ngày nghỉ là 7 ngày.

Theo Người lao động